Thứ sáu, 22/11/2024 15:44 (GMT+7)
Thứ ba, 06/09/2022 16:10 (GMT+7)

Chiến lược phát triển năng lượng: Nền tảng vững chắc an ninh năng lượng quốc gia

Theo dõi KTMT trên

Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, làm nền tảng hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xác định được vai trò, vị trí quan trọng của ngành năng lượng, trong những năm qua, Bộ Chính trị đã có nhiều chỉ đạo ban hành các chủ trương, chính sách, giải pháp trung và dài hạn để phát triển bền vững ngành năng lượng, hướng đến bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và bảo đảm quốc phòng, an ninh cho đất nước. 

Mới đây, Bộ Công Thương vừa có công văn gửi các Cơ quan để lấy ý kiến góp ý đối với các Dự thảo Phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Dự thảo Phát triển năng lượng) và Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐCM) của Chiến lược phát triển năng lượng. 

Thực tế, sau 10 năm, ngành năng lượng nước ta đã có bước phát triển mạnh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực và phù hợp với các định hướng đề ra. Tuy nhiên, ngành năng lượng vẫn còn nhiều tồn tại và đang phải đối diện với nhiều thách thức. Trong 10 năm qua, bối cảnh tình hình quốc tế và đất nước đã có những thay đổi, chuyển biến đáng kể, tác động khá lớn đến sự phát triển của ngành năng lượng.

Chiến lược phát triển năng lượng: Nền tảng vững chắc an ninh năng lượng quốc gia - Ảnh 1
Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Đứng trước yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, cần có những đổi mới về tư duy và cách tiếp cận trong phát triển năng lượng quốc gia, sớm ban hành một số chủ trương, định hướng chính sách mới làm cơ sở cho xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước những vấn đề vướng mắc trong ngành năng lượng, ngày 11 tháng 02 năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55-NQ/TW). Theo đó, quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết số 55-NQ/TW là ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh tình hình trong nước đã xác định hướng đi ưu tiên cho phát triển năng lượng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55- NQ/TW, trên diễn đàn thế giới, Việt Nam cũng đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, song song với phát triển kinh tế đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế. Theo đó, tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cũng đã tuyên bố sẽ triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Trên cơ sở Nghị quyết số 55-NQ/TW và trong bối cảnh thực hiện Cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, để ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng trên toàn thế giới, việc xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển năng lượng được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần hoạch định hướng phát triển toàn diện ngành năng lượng quốc gia và kết nối việc phát triển năng lượng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường của Việt Nam. Đó là lý do thật sự cần thiết phải xây dựng “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”. 

Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55-NQ/TW), Nghị quyết 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, Bộ Công Thương đã tổ chức xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược phát triển năng lượng) và Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐCM) của Chiến lược phát triển năng lượng.

Ngày 31 tháng 12 năm 2021, Bộ Công Thương có công văn số 8597/BCT-DKT gửi các Cơ quan về việc tham gia ý kiến đối với Dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng và  ĐCM của Chiến lược phát triển năng lượng. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các Cơ quan, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, tổng hợp và hoàn thiện Dự thảo lần 2 Chiến lược phát triển năng lượng và Dự thảo Báo cáo ĐCM của Chiến lượng.

Theo các chuyên gia, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. Tăng cường kiểm toán năng lượng; xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, góp phần thúc đẩy năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Hiện nay, ngành năng lượng góp khoảng 70% tổng lượng phát thải dioxit carbon. Trong khi đó, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 trung hòa carbon. Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện, việc cung cấp điện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện tại, tỷ trọng các nguồn điện sạch, bao gồm thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo khác trong cơ cấu nguồn điện đã đạt đến 65,6% tổng công suất lắp đặt của hệ thống.

Theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), dự kiến đến năm 2030 sẽ có tổng công suất điện gió là 16.100 MW, điện mặt trời là 16.500 MW và có thể thêm khoảng 2.400 MW thuộc các dự án đang triển khai đầu tư ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, việc phát triển nguồn điện gió, mặt trời và điện khí tại Việt Nam đang là xu hướng tất yếu trong cả giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Chiến lược phát triển năng lượng: Nền tảng vững chắc an ninh năng lượng quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới