Đắk Nông: Hướng đến phát triển cà phê bền vững
Hiện bà con nông dân Đắk Nông đang bước vào vụ thu hoạch cà phê và theo ngành chức năng đáng giá, mùa vụ năm nay có sản lượng và chất lượng cao. Đồng thời, tỉnh Đắk Nông cũng đang nỗ lực hướng đến phát triển cà phê theo hướng mới, xanh và bền vững hơn.
Kỳ vọng một mùa vụ “ngọt” của cà phê
Theo ghi nhận, bà con nông dân trồng cà phê tỉnh Đắk Nông đang kỳ vọng một mùa thu hoạch được mùa, trúng giá. Bởi theo Sở Công Thương Đắk Nông, sau khi đạt mức giá cao nhất trong tháng 9 vừa qua với gần 70.000 đồng/kg cà phê nhân (cao nhất khoảng 30 năm qua), thì nay giá cà phê đã giảm nhẹ, với mức giá vẫn được đánh giá cao, dao động ở mức khoảng 65.000 đồng/kg, đem lại nhiều niềm hy vọng cho người nông dân.
"Giá cà phê đang ở mức cao, tôi hy vọng sẽ có mức lãi khá cho gia đình" ông Đinh Văn Trường, thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) chia sẻ. Được biết, vụ cà phê này, gia đình ông được mùa hơn năm ngoái với ước sản lượng khoảng gần 10 tấn cà phê nhân/3ha.
Hay như gia đình bà Đỗ Thị Xuyến, ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) có kinh nghiệm làm cà phê lâu năm, bà Xuyến theo dõi rất kỹ diễn biến giá cà phê những năm qua. Nhưng gia đình bà không ngờ được cà phê sẽ có lúc tăng giá kỷ lục như năm 2023: “Làm cà phê vất vả mà chi phí đầu tư cũng cao. Chúng tôi hy vọng vụ mới cà phê vẫn có giá cao để người trồng còn có lợi nhuận” bà Xuyến hy vọng.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, hiện tổng diện tích cà phê trên toàn tỉnh đạt khoảng 140.000 ha, chiếm 35,5% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh vào khoảng 128.000ha, tổng sản lượng cà phê ước đạt gần 400.000 tấn.
Diện tích, sản lượng cà phê của tỉnh Đắk Nông đứng thứ 3 cả nước, sau 2 tỉnh là Đắk Lắk và Lâm Đồng. Cây cà phê được trồng phổ biến, rộng khắp tại các địa phương tỉnh Đắk Nông và cà phê vối (Robusta) loại cà phê được trồng chủ yếu, chiếm hơn 99%. Ngoài ra, cà phê cũng là cây sinh kế cho khoảng 150.000 hộ dân toàn tỉnh, đặc biệt năm 2023 là năm cà phê có giá xuất khẩu cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Chính vì vậy, tất cả đều mong chờ tín hiệu vui từ vụ thu hoạch cà phê cuối năm nay.
Phát triển cà phê bền vững
Theo báo cáo, định hướng tới năm 2025 Đắk Nông duy trì, phát triển ổn định 134.000 ha cà phê theo chuỗi ngành hàng, đặc sản. Đến năm 2035, tỉnh phát triển khoảng 7.000 ha cà phê canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, kịp thời đáp ứng xu thế phát triển cà phê của thế giới.
Thế nhưng để có thể đạt được mục tiêu đều ra, cũng như phát triển ngành cà phê xanh, bền vững tỉnh cần có những phương án, kế hoạch lâu dài, đảm bảo phát triển ổn định, theo kịp xu thế. Tiêu biểu như đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê, phát triển diện tích cà phê canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ; phát triển các vùng trồng cà phê theo hướng đặc sản và hình thành các vùng nguyên liệu cà phê tập trung, đạt chuẩn,…
Ngoài ra, dưới sự biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu khiến nhiều vùng trồng cà phê thiếu nước tưới, dẫn tới năng suất và chất lượng cà phê sụt giảm. Vì vậy, theo nhận định của ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Công ty Cổ phần Fine Robusta Việt Nam: “Đắk Nông cần định hướng nghiên cứu và xây dựng mô hình trồng cà phê dưới tán rừng. Cách làm này còn gọi là cà phê cảnh quan. Mục đích là cho năng suất, chất lượng cà phê ổn định, bền vững.”
Cụ thể, mô hình cà phê cảnh quan được xây dựng với 3 tầng sinh thái gồm: tầng cây cao sẽ là cây che nắng, che sương, gió để điều tiết nhiệt độ vườn; tầng trung trồng cà phê và tầng thấp nhất là nuôi thảm thực vật cỏ. Một mô hình được đánh giá thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân và nhất là có thể nhân rộng ra toàn Tây Nguyên.
Song song với đó, Sở NN-PTNT sẽ tổ chức một số diễn đàn về nâng cao chất lượng cà phê thông qua thu hái, bảo quản, chế biến giúp bà con nông dân củng cố thêm kiến thức, cũng như thông qua chương trình lồng ghép phổ biến quy định của châu Âu (EU) về nông sản chống phá rừng, nhất là đối với cà phê. Ngoài ra, sản xuất cà phê của tỉnh nhanh chóng tiến tới chuyên nghiệp, nhất là khâu liên doanh, liên kết tạo vùng trồng, ứng dụng khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT đánh giá, sản xuất cà phê ở Đắk Nông ngày càng tiến tới chuyên nghiệp, chuẩn hóa các quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Đây là cơ sở để Đắk Nông hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê đạt các tiêu chuẩn quốc tế: “Để nâng cao chất lượng sản phẩm, từ nhà nông đến doanh nghiệp, ngành chức năng, các địa phương phải có sự đồng lòng trong thực hiện các giải pháp”, ông Phạm Tuấn Anh cho hay.
Uy Tín