Thứ tư, 24/04/2024 12:08 (GMT+7)
Thứ năm, 26/11/2020 06:15 (GMT+7)

Cuộc đua năng lượng tái tạo của các quốc gia Đông Nam Á

Theo dõi KTMT trên

Phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo luôn là vấn đề cấp thiết của các quốc gia Đông Nam Á, hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng xanh và sạch. Tuy nhiên, việc phát triển bền vững các nguồn năng lượng tái tạo không đơn giản.

Xu hướng "xanh hóa" của nhiều quốc gia

Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế khu vực Đông Nam Á thời gian qua khiến nhu cầu sử dụng năng lượng của các quốc gia trong khu vực ngày càng lớn. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), mức tiêu thụ năng lượng của Đông Nam Á tăng 60% trong 15 năm qua. Tuy nhiên, than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên không phải là nguồn nhiên liệu vô hạn và bền vững, thay vào đó là nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. Bởi vậy, những năm qua, các quốc gia Đông Nam Á đã có một số bước tiến lớn trong việc phát triển năng lượng tái tạo.

Và Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường cho thấy triển vọng lạc quan của ngành năng lượng tái tạo với các chính sách rõ ràng và đầy tham vọng. Nhờ cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo FIT (Feed-in-tariff) và các sáng kiến tài khóa khác, giới đầu tư đã ồ ạt đổ vào Việt Nam. Kết quả là công suất điện mặt trời của Việt Nam đã tăng lên mức 5.695 MW vào năm ngoái, chiếm 44% tổng công suất điện mặt trời của Đông Nam Á. Đối với điện gió, tháng 6/2020, Chính phủ Việt Nam đã bật đèn xanh cho các dự án mới với tổng công suất 7 GW, tiến gần hơn trên con đường đạt gần 12 GW công suất điện gió vào năm 2025.

Cuộc đua năng lượng tái tạo của các quốc gia Đông Nam Á - Ảnh 1
Những năm qua, các quốc gia Đông Nam Á đã có một số bước tiến lớn trong việc phát triển năng lượng tái tạo. (Ảnh: Internet)

Philippines cũng đặt mục tiêu nâng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng lên 26,9% vào năm 2030, từ con số chưa tới 17% hiện nay. Đáng chú ý, ngoài triển khai cơ chế FIT, Philippines bắt đầu thực thi chuẩn năng lượng tái tạo Renewable Portfolio Standard (RPS) trong năm nay, theo đó yêu cầu các đơn vị phân phối điện phải tăng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo 1% mỗi năm cho đến năm 2030 để đảm bảo một thị trường cho các nhà phát triển năng lượng sạch.

Thậm chí tại Indonesia, nơi ngành than được ưu ái với các khoản trợ cấp hào phóng, thay đổi cũng đang diễn ra. Với các chính sách khuyến khích mới, nước này dự kiến đầu tư năng lượng sạch sẽ đạt 20 tỉ USD vào năm 2024.

Còn tại Malaysia, cơ chế điện mặt trời, ra đời năm 2016, đã thành công ngoài mong đợi khi số đơn vị tham gia đấu thầu tăng lên và giá điện tiếp tục giảm qua từng phiên đấu giá. Đợt đấu giá thứ 3, được tổ chức năm ngoái, đã thu hút 112 hồ sơ dự thầu với tổng công suất 6,7 GW nhưng chỉ 5 đơn vị thắng thầu với tổng công suất 490 MW, cho thấy sự hứng thú của các nhà đầu tư đối với thị trường năng lượng tái tạo Malaysia. Đáng chú ý là mức giá bỏ thầu thấp tới 0,042 USD/kWh, đánh bại giá điện khí ở nước này. Thậm chí Bộ trưởng Năng lượng Malaysia còn tuyên bố, năng lượng mặt trời đang tiệm cận ngang hàng với nhiên liệu hóa thạch. Năm nay, Malaysia đã tổ chức phiên đấu giá thứ 4 với tổng công suất mời thầu lên tới 1 GW.

Campuchia là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á không đưa ra một mục tiêu rõ ràng về năng lượng sạch, nhưng các phiên đấu giá điện mặt trời vào năm ngoái tại nước này đã thu hút sự chú ý với mức giá bỏ thầu chỉ 0,03877 USD/kWh (của một dự án điện mặt trời 60 MW). Đây là mức giá mua điện mặt trời thấp nhất tại Đông Nam Á thời điểm đó.

Vẫn còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, trong thời gian qua, các dự án phát triển năng lượng tái tạo tại các nước trong Đông Nam Á đối mặt nhiều thách thức, trong đó nổi cộm nhất là thách thức về chi phí. Theo Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) và Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE), Đông Nam Á cần số vốn đầu tư lên tới 290 tỉ USD cho lĩnh vực năng lượng tái tạo để có thể đạt mục tiêu từng đề ra, đó là tới năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 23% tổng năng lượng sơ cấp mà Đông Nam Á sử dụng. Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Habibie (Indonesia), tiếp cận tài chính được coi là yếu tố quan trọng nhất để phát triển các dự án năng lượng tái tạo nói chung.

Cũng theo Trung tâm nghiên cứu Habibie, hiện một số quốc gia thành viên ASEAN, như Malaysia, Indonesia... còn thiếu kinh nghiệm và chuyên môn trong đánh giá rủi ro đầu tư năng lượng tái tạo khiến cho các nhà đầu tư ngần ngại rót vốn vào các dự án này. Bên cạnh đó, điều kiện địa lý và kỹ thuật cũng là một thách thức.

Cụ thể, các quốc gia như Indonesia và Philippines do điều kiện địa lý là quốc gia quần đảo, cho nên các lưới điện bị chia cách, ảnh hưởng việc truyền tải điện và cản trở triển khai các dự án. Thiếu khung pháp lý, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ và khu vực tư nhân... về lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng là những rào cản lớn khác trong giới thiệu và phát triển các dự án ở Đông Nam Á.

Ngoài ra, việc nhiên liệu hóa thạch vẫn đóng vai trò nòng cốt trong quy hoạch phát triển điện quốc gia cũng trở thành một thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của năng lượng tái tạo. Chẳng hạn như Lào, bắt đầu nhắm đến xuất khẩu điện than như một cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi Myanmar dự kiến than đá sẽ chiếm đến 30% tổng cung điện vào năm 2030. Việt Nam, quốc gia có mức tiêu thụ than đá gấp 3 lần trong thập niên vừa qua, vẫn có kế hoạch xây dựng thêm 15 nhà máy than đá nữa với tổng công suất 17,4 GW đến năm 2024.

IEA cũng dự báo dầu mỏ sẽ tiếp tục chiếm lĩnh nhu cầu vận chuyển đường bộ tại Đông Nam Á và việc điện khí hóa phương tiện đi lại chỉ giới hạn ở một số tuyến đường. Nói cách khác, hầu như không có nhiều thay đổi, với hình ảnh tắc đường và không khí bẩn ở các đô thị.

Và việc những khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch hào phóng, lên tới 35 tỉ USD chỉ riêng năm 2018, vẫn là một trở ngại lớn đối với công cuộc phát triển năng lượng tái tạo trên khắp khu vực. Chính sự hứng thú đối với nhiên liệu hóa thạch đã tiếp tục kiềm hãm các khoản đầu tư xanh. Một khi nhiên liệu hóa thạch vẫn còn được trợ cấp thì sân chơi sẽ không bình đẳng cho năng lượng tái tạo.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Cuộc đua năng lượng tái tạo của các quốc gia Đông Nam Á. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới