Thứ bảy, 23/11/2024 16:03 (GMT+7)
Chủ nhật, 28/03/2021 13:40 (GMT+7)

Cuộc chiến bảo vệ sông Cầu: Trách nhiệm không của riêng ai

Theo dõi KTMT trên

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, cuối năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu nhưng hiệu quả hoạt động không đạt như kỳ vọng. Chính vì vậy, tình trạng ô nhiễm sông Cầu ngày càng trở nên báo động.

Sau hơn 14 năm hoạt động, Uỷ ban này đã trải qua 5 nhiệm kỳ với 16 phiên họp và 5 lễ chuyển giao nhiệm kỳ. Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu cũng đã phối hợp với Trung ương và địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra 345 cơ sở liên quan đến bảo vệ môi trường, xử phạt 68 cơ sở với số tiền hơn 12 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu không cao.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt nam cho rằng, nếu vẫn giữ tư duy từng tỉnh xử lý riêng lẻ sẽ rất khó xử lý vấn đề ô nhiễm nước sông Cầu do sông Cầu là 1 con sông liên tỉnh nên đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ để giải quyết.

“Theo tôi, cần phải chia ra để mỗi tỉnh, từ đầu nguồn đến cuối nguồn phải đảm bảo nguồn nước được giải quyết về mặt ô nhiễm khi xả xuống phía cuối nguồn sang tỉnh khác không còn ô nhiễm mới được”, TS. Trương Mạnh Tiến nói.

Cuộc chiến bảo vệ sông Cầu: Trách nhiệm không của riêng ai - Ảnh 1
Hạ lưu sông Ngũ Huyện Khê – dòng sông được xác đinh là “hung thủ” đang từng ngày bức tử sông Cầu. (Ảnh: KT). 

Về giải pháp lâu dài, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án chuyển đổi Cụm công nghiệp Phong Khê với một lộ trình cụ thể. Giải pháp trước mắt vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định bảo vệ môi trường. Đồng thời, bổ sung, nâng công suất xử lý Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê; Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường.

Ông Chu Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh cho biết: “Với làng nghề tái chế giấy Phong Khê nếu không có cơ chế để cắt điện thì trước mắt để giải quyết triệt để thì sau khi tỉnh thông qua Đề án và bắt buộc phải đóng cửa, di dời hoặc chuyển đổi thì khi đó mới giải quyết được. Đây cũng là một điều khó mà theo tính toán sơ bộ đã rất tốn kém. Tuy nhiên, dù thế nào thì lãnh đạo từ tỉnh, thành phố cũng vẫn quyết tâm”.

Theo ông Trương Công Đại, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, ngoài nguồn đầu tư từ các địa phương, để xử lý hiệu quả hơn nữa các cơ sở sản xuất xả thải ra sông Cầu, Chính phủ cần tăng thêm quyền hạn cho Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu những như thẩm quyền để giải quyết ngay những vụ việc phát sinh.

Theo đó, với hình thức hoạt động hiện nay thì hầu hết các thành viên là các đại diện kiêm nhiệm gồm đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương liên quan, dẫn tới những hạn chế trong đầu tư nguồn lực và thời gian cho nhiệm vụ quản lý. Chính vì vậy mà hiệu quả hoạt động không cao.

Ông Trương Công Đại kiến nghị: “Ủy ban này cần phải có chức năng, đặc biệt, Chính phủ cần phải cho họ chức năng, thẩm quyền một cách cụ thể và sát thực tế, để họ có quyền hạn điều phối, kể cả việc có những ý kiến chỉ đạo mang tính quyết đáp đối với hoạt động ảnh hưởng đến môi trường sông Cầu trên 7 tỉnh, thành phố có liên quan. Thứ hai, trách nhiệm của các địa phương không chỉ nói là do Bắc Ninh xả thải ra sông Cầu mà đây còn là trách nhiệm của Bắc Giang, bởi tới đây bắc Giang cũng sẽ có những nguồn thải ra sông Cầu rồi trách nhiệm của các địa phương khác... Cần phải quy trách nhiệm hết sức cụ thể”.

Đồng tình với những quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, phải xác định rõ trách nhiệm của từng địa phương với tư cách là người quản lý toàn bộ các nguồn thải địa phương đó. Hiện nay, số liệu thống kê nguồn nước thải các địa phương từ nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề công nghiệp đã có đầy đủ nên phải phân bổ để làm sao từng địa phương có lộ trình để cắt giảm nước thải đối với các lưu vực sông.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, cần phải sửa đổi các cơ chế chính sách, đặc biệt là những chính sách liên quan đến xã hội hóa để các doanh nghiệp tư nhân có thể vào cuộc cùng xử lý.

“Về góc độ môi trường, chúng tôi sẽ cố gắng làm một cách tốt nhất để làm sao trả lại môi trường trong lành cho sông Cầu. Đây không phải là việc làm một sớm, một chiều mà hứa là làm được. Điều này đòi hỏi nỗ lực chung của Trung ương, địa phương và đặc biệt là sự tham gia của cả xã hội”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.

Trên thực tế, địa phương nào cũng nói, để phát triển kinh tế thì cần có công nghiệp. Nhưng phát triển công nghiệp thiếu bền vững lại vừa đánh đổi lớn về môi trường là điều không thể chấp nhận. Những thiệt hại đó không chỉ là hiện tại mà còn kéo dài mãi về sau. Nếu tính bài toán kinh tế thì những gì đạt được hôm nay chưa chắc đã trả được món nợ về hậu quả xấu do phát triển công nghiệp gây ra.

Chính vì vậy, không riêng gì tỉnh Bắc Ninh mà bất kỳ tỉnh nào, cũng cần rà soát tình trạng sử dụng công nghệ của các làng nghề, lựa chọn công nghệ một cách chặt chẽ, tránh gây hệ lụy xấu cho môi trường. Về phía Nhà nước, nên có chính sách hỗ trợ đầu tư cho làng nghề thông qua các dự án hoặc vốn vay ưu đãi, đồng thời xây dựng hệ thống chính sách để tạo hành lang pháp lý cho làng nghề phát triển.

Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết Cuộc chiến bảo vệ sông Cầu: Trách nhiệm không của riêng ai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới