Thủ phạm gây ô nhiễm sông Cầu thách thức cơ quan chức năng
Các doanh nghiệp sản xuất giấy ở Bắc Ninh xả thẳng trực tiếp xuống dòng Ngũ Huyện Khê là một trong những "thủ phạm" khiến sông Cầu "hấp hối". Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục thanh tra, xử phạt nhưng các cơ sở này vẫn ngang nhiên xả nước thải.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bắc Ninh, riêng tại phường Phong Khê, TP.Bắc Ninh hiện có hơn 245 cơ sở sản xuất giấy, tổng lượng nước thải từ các cơ sở nhà máy này lên đến 10.000 m3/ngày đêm. Trong khi nhà máy xử lý nước thải tập trung - được đầu tư 194 tỉ đồng, nhưng sau 3 năm đến nay nhà máy này mới chỉ xử lý được 1/3 lượng nước thải phát sinh. Nước thải không qua xử lý của các nhà máy này được xả thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê qua cống Đặng Xá chảy ra sông Cầu.
Kết quả kiểm tra của UBND TP.Bắc Ninh cho thấy, tất cả các cơ sở sản xuất giấy trên địa bàn phường Phong Khê đều có hành vi vi phạm phát luật trong lĩnh vực môi trường. Ông Chu Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND TP. Bắc Ninh cho biết, việc xin cấp một số loại giấy phép về môi trường của các cơ sở này chỉ mang tính đối phó với các cơ quan chuyên môn khi kiểm tra. Phần lớn các cơ sở không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng các nộ dung đã cam kết, đề xuất trong hồ sơ môi trường. Tính riêng giai đoạn 2018-2020, UBND thành phố tiến hành kiểm tra xử lý 108 trường hợp có hành vi xả khí thải, nước thải vượt quy chuẩn ra ngoài môi trường với số tiền xử phạt gần 2,5 tỉ đồng.
“Tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý rất nhiều lần. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề cơ chế. Về mặt chế tài thì cách để xử lý triệt để các doanh nghiệp là cắt điện. Một số lần thành phố cũng có văn bản sang bên điện lực nhưng cũng không có cơ sở để cắt điện, bởi đây là hợp đồng dân sự. Để khắc phục tình trạng nước sông ô nhiễm, thành phố cũng đã triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 10.000 m3 ngày đêm. Đến thời điểm này, nhiều công nghệ đã thay đổi dẫn đến nguồn ô nhiễm nhiễm bị khác, xả thải không đạt. Hiện nay, thành phố đang phải bàn giao lại cho đơn vị thi công để khắc phục”, ông Chu Thanh Hải cho hay.
Còn tại Cụm công nghiệp Phú Lâm tại xã Phú Lâm, huyện Tiên Du hiện có 32 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh giấy các loại. Thời gian vừa qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Du đã tiến hành kiểm tra 28 cơ sở tại Cụm công nghiệp này. Kết quả, UBND huyện đã quyết định xử phạt với số tiền hơn 5 tỉ đồng.
Để xử lý ô nhiễm môi trường cho Cụm công nghiệp Phú Lâm, từ năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải và hệ thống thu gom rác để xử lý nước thải, rác thải cho các cơ sở hoạt động trong Cụm công nghiệp và giao cho Công ty cổ phần môi trường xanh Kinh Bắc làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư mới tiến hành đền bù giải phóng xong mặt bằng, hiện chưa triển khai dự án.
Ông Nguyễn Văn Lương, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Mô trường huyện Tiên Du cho biết: “Đây là tình trạng chung do hiện tại chưa có khu xử lý nước tập trung. Chúng tôi thường xuyên đôn đốc và chỉ đạo các xã thường xuyên kiểm tra doanh nghiệp, làm sao xử lý nước tại các cơ sở mình ra ngoài. Tuy vậy, đến này vẫn không có chuyển biến gì”.
Kết quả quan trắc chất lượng nước sông Cầu của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, các thông số BOD5, COD, Amoni vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,73 - 7,38 lần so với quy chuẩn cho phép.
Theo Lưu Xuân Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, phần lớn chất gây ô nhiễm này đều do các cơ sở sản xuất của 2 làng nghề và Cụm công nghiệp Phú Lâm và Phong Khê xả ra. Hiện, 2 làng nghề và cụm công nghiệp này có hàng trăm doanh nghiệp và cơ sở tái chế giấy hoạt động nhưng chưa có doanh nghiệp tái chế giấy nào được cấp phép xả nước thải vào con sông này. Rất nhiều đoàn kiểm tra liên ngành đã được cơ quan môi trường và ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh triển khai trong nhiều năm nay, thậm chí có những doanh nghiệp bị xử phạt hàng trăm triệu đồng nhưng việc xả thải trái phép ra sông không hề thuyên giảm mà còn thách thức dư luận và các cơ quan chức năng địa phương.
Ông Lưu Xuân Hùng thừa nhận, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt hoặc cố tình chây ì không nộp phạt và vẫn ngang nhiên hoạt động mặc dù đã có các quyết định xử lý vi phạm hành chính. Đây cũng là 1 trong những khó khăn đối với cơ quan quản lý nhà nước khi xử lý những doanh nghiệp vi phạm này.
“Nếu chúng ta làm đồng loạt mà lại không có các công cụ hỗ trợ hữu hiệu thì khi ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính doanh nghiệp không thực hiện thì lấy gì để cưỡng chế? Nếu như không cưỡng chế thì đơn vị ra quyết định xử lý hành chính lại mắc lỗi. Rất khó cho cơ quan quản lý nhà nước. Cho nên, giải pháp hữu hiệu nhất là ngừng cung cấp điện và nếu họ muốn hoạt động hoặc muốn cung cấp điện trở lại thì phải thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường được các cơ quan nhà nước xác nhận. Khi đó bên điện lực mới đóng điện. Doanh nghiệp rất sợ điều này”, ông Lưu Xuân Hùng bày tỏ.
Không thể phủ nhận hiệu quả mà hoạt động công nghiệp tái chế giấy mang lại cho sự phát triển của nền kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho đời sống người dân địa phương. Tuy nhiên, không phải vì phát triển kinh tế mà phải đánh đổi môi trường sống, tính mạng của người dân. Vậy tại sao khi những thủ phạm đã được “chỉ mặt”, “đặt tên” mà vẫn ngang nhiên vi phạm? Hiệu quả hoạt động của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu suốt 14 năm qua như thế nào khi mà tình trạng ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm.