Thứ năm, 25/04/2024 03:23 (GMT+7)
Thứ sáu, 26/03/2021 06:20 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí đang dần trở thành thảm họa toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Báo cáo Tình trạng Không khí toàn cầu năm 2020 đã đưa ra những con số đáng báo động về ô nhiễm không khí trên toàn thế giới. Thực trạng này cho thấy ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn với nhân loại.

Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong

Theo báo cáo Tình trạng Không khí toàn cầu năm 2020, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, trong đó khoảng 4 triệu ca tử vong xảy ra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Báo cáo cho biết ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của 6,7 triệu người trên toàn cầu trong năm 2019. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỉ USD mỗi năm.

Tại châu Âu, ước tính khiến 400.000 người tử vong sớm mỗi năm do các bệnh liên quan tới không khí ô nhiễm. Ô nhiễm không khí khiến các thành phố châu Âu thiệt hại hơn 190 tỉ USD mỗi năm. Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ xuất hiện các điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát.

Ô nhiễm không khí đang dần trở thành thảm họa toàn cầu - Ảnh 1
Ô nhiễm không khí đã trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Cũng theo báo cáo, ô nhiễm không khí làm giảm gần 2 năm tuổi thọ của mỗi người trên Trái Đất. Trong khi thế giới đang ráo riết tìm kiếm vaccine để dập đại dịch Covid-19, ô nhiễm không khí tiếp tục khiến hàng tỉ người toàn cầu giảm thọ và ốm yếu hơn. Thậm chí, các chuyên gia còn cảnh báo chất lượng không khí mà nhiều người đang hàng ngày hít thở có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe hơn so với đại dịch Covid-19. Có đến gần 25% dân số toàn cầu sống ở 4 quốc gia Nam Á trong nhóm nước có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất, gồm Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Pakistan và tuổi thọ trung bình của những người dân nước này sẽ giảm 5 năm do họ phải sống trong  không khí ô nhiễm cao hơn 44% so với 20 năm trước.

Ô nhiễm không khí đã trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới, sau tăng huyết áp, sử dụng thuốc lá và chế độ ăn uống không lành mạnh.

Đáng lo ngại hơn, ô nhiễm không khí có thể gây các triệu chứng hô hấp, và tuần hoàn và cả mạn tính, tác động tới mọi cơ quan trong cơ thể. Các tác hại thường được nhắc đến của ô nhiễm không khí như bệnh tim, phổi mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Bởi thực chất không khí ô nhiễm vào cơ thể qua đường hô hấp nhưng có tác động lên toàn cơ thể, phá hoại các cơ quan khác từ đầu đến chân, từ bệnh tim, phổi, hen suyễn cho đến tiểu đường và chứng mất trí nhớ, từ bệnh về gan, ung thư bàng quang cho đến giòn xương và tổn thương da.

Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỉ lệ đột qụy não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Ô nhiễm không khí cũng gây hại cho việc sinh đẻ, thai nhi và trẻ sơ sinh. Hơn nữa, việc tiếp xúc với ô nhiễm về lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe hoặc khiến các căn bệnh trầm trọng hơn.

Ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch đang là mối đe dọa đối với sức khỏe và kinh tế của các nước trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và tiêu tốn hàng nghìn tỉ USD.

Nghiêm trọng hơn, trẻ em là đối tượng chịu tác động nhiều nhất từ ô nhiễm không khí do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Theo báo cáo Tình trạng Không khí toàn cầu năm 2020, khoảng 40.000 trẻ em tử vong trước 5 tuổi mỗi năm vì bụi mịn PM 2.5, đây cũng là tác nhân hàng đầu gây ra 2 triệu ca sinh non hằng năm. Riêng trong năm 2019, gần 500.000 trẻ sơ sinh trên thế giới tử vong do không khí ô nhiễm, trong đó Ấn Độ và vùng Nam sa mạc Sahara ở châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hơn 116.000 trẻ sơ sinh ở Ấn Độ đã tử vong do ô nhiễm không khí ngay trong tháng đầu tiên chào đời, trong khi con số này ở các nước phía Nam sa mạc Sahara châu Phi là 236.000.

Cần hành động mạnh mẽ hơn

Trước những con số đáng báo động trên, WHO cho rằng, các quốc gia cần phải có cam kết mạnh mẽ hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí, cần tăng cường năng lực hệ thống theo dõi, giám sát chất lượng không khí và chia sẻ thông tin, số liệu với công chúng; tăng cường các biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu phát thải khí trong giai đoạn ô nhiễm không khí vượt quá mức khuyến cáo của WHO; các nguồn ô nhiễm không khí cần được xác định thấu đáo và cần xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo không khí sạch.

Ô nhiễm không khí đang dần trở thành thảm họa toàn cầu - Ảnh 2
Hà Nội và TP.HCM cũng đang phải đối mặt với ô nhiễm không khí nặng nề.

Có rất nhiều ví dụ về các chính sách thành công giúp giảm ô nhiễm không khí được WHO đưa ra là các công nghệ sạch nhằm giảm phát thải khí công nghiệp; cải thiện quản lý chất thải đô thị và nông nghiệp, bao gồm thu hồi khí mê tan thoát ra từ bãi thải để thay thế phương án đốt rác thải (sử dụng khí sinh học); đảm bảo tiếp cận các giải pháp năng lượng sạch tại hộ gia đình và có thể chi trả được để đun nấu, sưởi ấm và chiếu sáng.

Một giải pháp nữa là ưu tiên phương tiện vận chuyển đô thị tốc độ cao, các mạng lưới đi bộ và đi xe đạp trong thành phố, cũng như vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường sắt giữa các đô thị.

Cùng với đó, chuyển đổi sang các phương tiện chạy dầu diezel sạch hơn và các phương tiện ít phát thải và nhiên liệu sạch hơn, bao gồm nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp; cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà và làm cho thành phố xanh hơn, kết cấu chặt chẽ hơn, dẫn đến hiệu quả sử dụng năng lượng lớn hơn; tăng việc sử dụng các nhiên liệu ít phát thải và các nguồn năng lượng không đốt, có thể tái tạo được (như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và thủy điện); kết hợp sản xuất nhiệt và điện; và phát điện phân phối (ví dụ, điện lưới nhỏ và phát điện mặt trời trên mái nhà)…

Tại Việt Nam, thời gian qua, người dân Hà Nội và TP.HCM phải đối mặt với ô nhiễm không khí nặng nề. Nồng độ các chất gây ô nhiễm trong không khí thay đổi tùy theo địa điểm, theo giờ, theo ngày và theo mùa vì chịu sự ảnh hưởng của sự chuyển động của các chất gây ô nhiễm, của gió và thời tiết...

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quản lý chất lượng không khí đến năm 2020 với tầm nhìn tới năm 2025 (Quyết định Số 9851/QD-TTG) năm 2016, trong đó, đề ra các hoạt động bao gồm việc xác định và theo dõi các nguồn ô nhiễm và giám sát chất lượng không khí ở tất cả các cấp - sẽ góp phần phổ biến các hành động hướng đến cải thiện chất lượng không khí.

Việt Nam cần ít nhất từ 3-5 năm nữa mới có giải pháp tổng thể cho tình trạng bụi mịn

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Trưởng Ban nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đã khẳng định, với kích thước rất nhỏ, bụi mịn gây ra rất nhiều loại bệnh.

"WTO khuyến cáo bụi mịn gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe. Với kích thước rất nhỏ, bụi mịn gây ra rất nhiều loại bệnh. Hiện nay tỉ lệ bụi mịn đang ở mức rất cao. Trong đó, bụi mịn chia thành sơ cấp và bụi mịn thứ cấp. Nguồn gốc phát sinh bụi mịn từ xe máy, công trình xây dựng...", GS.TS Hoàng Xuân Cơ chia sẻ.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ cũng cho biết, vẫn chưa thể tìm ra giải pháp nào thực sự hoàn chỉnh cho vấn đề bụi mịn. Ông cho rằng, cần phải có một quãng thời gian khá lâu thì chúng ta mới có thể đưa ra được giải pháp tổng thể nhất: "Tôi cho rằng, phải mất ít nhất khoảng 3 -5 năm nữa mới có giải pháp tổng thể cho tình trạng hiện nay".

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí đang dần trở thành thảm họa toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới