Chiếu sáng đô thị thông minh góp phần tiết kiệm năng lượng quốc gia
Quá trình đô thị hóa gia tăng, khiến nhiều vấn đề đặt ra là chiếu sáng như thế nào để đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng.
Đảm bảo an toàn đô thị, tiết kiệm năng lượng
Chiếu sáng thông minh và tiết kiệm năng lượng là một trong những yếu tố rất quan trọng trong đô thị thông minh. Chiếu sáng thông minh đòi hỏi nhà đầu tư, người sử dụng thông minh, người thiết kế thông minh, người quản lý đô thị thông minh. Đặc biệt là các là các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp thiết bị chiếu sáng thông minh. Nếu thiếu một trong bốn thành phần này thì không thể có chiếu sáng thông minh.
Theo PGS.TS Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, chiếu sáng đô thị là thành phần không thể thiếu trong hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị, có vai trò quan trọng trong bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường trật tự an ninh, làm đẹp cảnh quan môi trường, nâng cao thẩm mỹ đô thị.
Tại Việt Nam, việc chiếu sáng đô thị đang đặt ra nhiều vấn đề từ cơ chế, chính sách đến việc triển khai thực hiện để xây dựng những thành phố thông minh, đô thị hiện đại, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Thời gian qua, hoạt động chiếu sáng nói chung và chiếu sáng các đô thị ở Việt Nam nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc, bảo đảm yêu cầu về công năng chiếu sáng và ngày càng nâng cao hiệu quả năng lượng, thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, những thành tựu trong quá trình phát triển của ngành chiếu sáng thời gian qua có phần đóng góp không nhỏ của Hội Chiếu sáng Việt Nam. Là tổ chức gồm các nhà khoa học, các cán bộ của cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đại diện các doanh nghiệp sản xuất thiết bị chiếu sáng và các đơn vị quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng, Hội đã tích cực tham gia nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hệ thống chiếu sáng Việt Nam phát triển, từ việc góp ý hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đến quá trình sản xuất, đầu tư phát triển và vận hành khai thác hệ thống chiếu sáng đô thị Việt Nam.
Quá trình phát triển ngành chiếu sáng Việt Nam trong những năm qua cũng có sự đóng góp quan trọng của các tổ chức quốc tế, nổi bật là Ngân hàng Phát triển châu Á, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị chiếu sáng Nhật Bản… Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế đã góp phần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, tích lũy kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực chiếu sáng Việt Nam.
Cũng theo TS Mai Liên Hương, trong 10 năm qua, hệ thống chiếu sáng tại các đô thị Việt Nam đã có những bước phát triển lớn. Việc chiếu sáng không những đảm bảo yêu cầu về công năng chiếu sáng mà ngày càng hiệu quả hơn về tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, hiện tại nhiều yếu tố mới đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải hơn nữa tại các đô thị”.
Việt Nam hướng tới chiếu sáng thông minh, bền vững
Hiện nay, vấn đề ô nhiễm ánh sáng đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nước. Sử dụng ánh sáng trang trí quá mức, lạm dụng ánh sáng thiếu kiểm soát tại các tòa nhà cao tầng, các trung tâm thương mại dịch vụ, các tấm biển quảng cáo, tại các khu vực công cộng hoặc ngay trên đường phố…. khiến cho bầu trời ban đêm quá sáng, mang lại cảm giác khó chịu và chói mắt, nhiễu loạn thị giác làm cho khả năng phân biệt các thông tin quan trọng bị giảm sút dẫn đến tai nạn, mất an ninh, an toàn, lãng phí điện năng, nguy cơ cháy nổ…. .
Chiếu sáng vì sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường hướng tới “phát thải ròng bằng 0” ở Việt Nam là chủ đề của Hội nghị khoa học Chiếu sáng toàn quốc năm 2022. Đây là Hội nghị thường niên và được tổ chức tại Hà Nội với sự phối hợp tổ chức của Hội Chiếu sáng Việt Nam, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng).
Theo đó, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” trong tương lai thì việc giảm phát thải nhà kính sẽ là cách hiệu quả nhất.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu suất chiếu sáng, tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa việc tạo lập hệ thống chiếu sáng phục vụ cộng đồng dân cư đô thị, bảo vệ môi trường, đồng thời thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao trong lĩnh vực quản lý chiếu sáng đô thị, thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Nghị định số 79/2009/NĐ-CP về Quản lý chiếu sáng đô thị và điều chỉnh Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 để đảm bảo phù hợp với tình hình mới.
Ngoài ra, thu gom, xử lý các vật tư, thiết bị và sản phẩm chiếu sáng thải bỏ cũng là một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm tại Hội nghị. Thu gom, phân loại ra sao, tái chế, tái sử dụng như thế nào, công nghệ xử lý nào sẽ được áp dụng cần có những giải pháp thật cụ thể.
Theo ông Hoàng Tuấn Dũng (Đại học Quốc gia Hà Nội), mặc dù có tuổi thọ truyền dài lâu, nhưng các sản phẩm chiếu sáng, đặc biệt là đèn LED có thể dự đoán được thời gian sử dụng. Tuy nhiên, giống như các sản phẩm điện tử tích hợp cao khác, việc tái chế các sản phẩm điện tử không phải là nhiệm vụ đơn giản. Và theo ông Hoàng Tuấn Dũng, việc tái chế cho phép tái sử dụng thuỷ tinh, kim loại và các vật liệu khác. Hầu như tất các thành phần của đèn đều có thể được tái chế. Với đèn huỳnh quang compact có chứa một lượng nhỏ thuỷ ngân. Việc tái chế ngăn chặn được phát tán thuỷ ngân ra môi trường. Đèn LED cũng chứa các chất độc hại. Vì vậy việc tái chế vô cùng quan trọng.
Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, “Việt Nam đang là quốc gia đang phát triển, quá trình đô thị gia tăng rất nhanh, kéo theo việc phát triển hạ tầng chiếu sáng đô thị nói riêng và chiếu sáng trong các lĩnh vực xã hội. Vấn đề đặt ra là chiếu sáng như thế nào để đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng.
Bên cạnh việc ảnh hưởng từ ô nhiễm ánh sáng, các phát thải từ việc thu gom, xử lý các vật tư, thiết bị và sản phẩm chiếu sáng thải bỏ cũng là vấn đề phải được quan tâm. Vấn đề thu gom, phân loại ra sao, tái chế, tái sử dụng như thế nào đặc biệt công nghệ xử lý nào sẽ được áp dụng cần có những giải pháp thật cụ thể.
Lan Anh