Đề xuất mới về quản lý đầu tư phát triển đô thị
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó bổ sung Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Theo Bộ Xây dựng, quy định yêu cầu về xây dựng Chương trình phát triển đô thị đang được quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP và Nghị định số 42/2009/NĐ-CP; tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về Chương trình này tại Nghị định mà chỉ được quy định tại Thông tư số 12/2014/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Tại Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 quy định Chương trình phát triển đô thị làm cơ sở để phân loại đô thị. Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và nâng cấp đô thị.
Cùng với đó, để triển khai những định hướng, chỉ đạo mới về phát triển đô thị như phát triển đô thị sinh thái, tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; bảo đảm cơ sở pháp lý trong triển khai thực hiện tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thành phố, thị xã, thị trấn và khu vực dự kiến hình thành đô thị trong tương lai. Để thống nhất các nội dung, quy định tại một Nghị định của Chính phủ, cần thiết phải bổ sung quy định cụ thể về Chương trình phát triển đô thị vào dự thảo Nghị định.
Bổ sung Chương trình phát triển đô thị
Dự thảo bổ sung “Điều 3a. Chương trình phát triển đô thị”. Theo đó, chương trình phát triển đô thị là tập hợp các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án, dự án nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị của từng giai đoạn theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị, được lập cho các đối tượng sau:
a) Tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương;
b) Thành phố, thị xã, thị trấn trực thuộc tỉnh hoặc trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Chương trình phát triển đô thị phải đáp ứng các yêu cầu: Phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị; chiến lược, chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị cấp cao hơn được duyệt; các chương trình, kế hoạch đầu tư công trung hạn và khả năng huy động nguồn lực thực tế tại địa phương; đồng bộ với các định hướng, chiến lược, chương trình, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực khác có liên quan đến phát triển đô thị.
Chương trình phát triển đô thị phải xác định được: Chỉ tiêu phát triển đô thị theo từng giai đoạn 05 năm và 10 năm; cụ thể hóa theo từng năm trong giai đoạn 05 năm đầu của chương trình; chương trình, dự án đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên và kiến trúc cảnh quan đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị; các chương trình, đề án trọng tâm về phát triển đô thị sinh thái, tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững...
Đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị mới trong tương lai từ đơn vị hành chính nông thôn, UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng phát triển đô thị mới. Trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày thành lập đơn vị hành chính đô thị, UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị và phê duyệt theo quy định.
Chương trình phát triển đô thị phải được rà soát, điều chỉnh hoặc lập mới trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp đánh giá việc thực hiện sau từng giai đoạn 5 năm hoặc cấp có thẩm quyền ban hành mới các mục tiêu phát triển đô thị hoặc phê duyệt các quy hoạch, chiến lược, chương trình, kế hoạch quy định.
Việc cho phép cá nhân, hộ gia đình tự xây dựng nhà ở tại các dự án đầu tư phát triển đô thị thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản và các quy định sau: Dự án phù hợp với các cấp độ quy hoạch đô thị; đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng theo phân kỳ đầu tư dự án; có các biện pháp quản lý đảm bảo việc xây dựng nhà ở tuân thủ nội dung và tiến độ của dự án;
Việc xác định các khu vực có yêu cầu cao về quản lý kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm cấp đô thị và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị, mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị phải căn cứ vào quy hoạch đô thị, quy chế quản lý kiến trúc được phê duyệt và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, hạ tầng, đô thị; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện và định kỳ kiểm tra việc thực hiện các quy định tại khoản này theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Bùi Hằng