Hà Nội: Thúc đẩy phát triển đô thị thông minh
Sự bứt tốc trong phát triển đô thị để lại nhiều hệ lụy. Thành phố Hà Nội định hướng phát triển đô thị theo hướng thông minh để quản lý, phát triển đô thị tốt hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Những hệ lụy bởi đô thị hóa nhanh đã khiến đô thị quá tải về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến ùn tắc giao thông, ô nhiễm, úng ngập luôn thường trực. Ðã có nhiều giải pháp được đưa ra, song đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Vài năm gần đây, đô thị thông minh được bàn thảo rất nhiều, với những mục tiêu hướng đến của đô thị thông minh được xem như đáp án để giải quyết bài toán đô thị hóa.
Năm 2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 03-CTr/TU về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025", trong đó có hướng tiếp cận mới, được kỳ vọng sẽ giải quyết hài hòa những thách thức của đô thị hiện nay, khi nhắm đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn...
Một trong những chỉ tiêu của Chương trình là từ nay đến năm 2025 triển khai đầu tư xây dựng từ hai đến ba khu đô thị mới theo định hướng thông minh.
Thông tin sơ lược về một số dự án đô thị thông minh đang triển khai, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ-Ðại Mỗ-Vinhomes Park (quận Nam Từ Liêm) đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư và hiện nay dự án đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tại các xã Xuân Canh, Ðông Hội, Mai Lâm (huyện Ðông Anh) đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư và đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục về giao đất.
Ðáng chú ý nhất là dự án Thành phố thông minh tại huyện Ðông Anh, do liên danh nhiều nhà đầu tư thực hiện, với mức đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD, cũng đang được các cấp, ngành của thành phố tập trung giải quyết những thủ tục đầu tư xây dựng có liên quan, phấn đấu đến tháng 6/2022 khởi công một phần của dự án.
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp phát triển đô thị, để người dân có cuộc sống tốt hơn, chúng ta buộc phải làm ngay từ bây giờ, từ cụm dân cư cho đến các khu đô thị mới phải xây dựng tốt cơ sở hạ tầng để phát triển đô thị thông minh. Những dự án nêu trên là bước đệm của từng khu vực đấu nối vào hệ thống đô thị thông minh toàn thành phố.
Ðể hoàn thiện mô hình đô thị thông minh sẽ còn một bước tiến dài, nhưng những gì đang khởi động chưa quá muộn. Ðô thị thông minh của Hà Nội sẽ có những nét riêng khác với Phú Quốc, TP.HCM…, nhưng mục tiêu cốt lõi của đô thị thông minh vẫn là hướng đến một nền kinh tế sáng tạo, môi trường sống an toàn, chất lượng sống của người dân được nâng cao bởi các tiện ích dịch vụ từ hệ thống quản trị đô thị.
Trước đó hồi tháng 4/2022, chia sẻ tại tọa đàm "Đô thị thông minh - Từ chính sách đến thực thi", ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng khẳng định, phát triển đô thị thông minh là một trong những xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa có một khái niệm hay mẫu hình chung cho việc xây dựng đô thị thông minh.
"Đô thị thông minh chúng ta nghe nhiều, thế giới cũng nói nhiều, nhưng đây vẫn là vấn đề mới của cả thế giới và Việt Nam. Chúng tôi đã học tập kinh nghiệm về đô thị thông minh của các nước, mỗi nước có cách tiếp cận đô thị thông minh khác nhau.
Như Tokyo, New York, London, các thành phố đô thị thông minh của thế giới, đã qua quá trình đô thị hóa, đang ở quá trình tái thiết đô thị, chỉnh trang đô thị, tiềm lực kinh tế, trình độ hạ tầng của họ đã khác. Đó là vì sao chúng tôi đặt ra phát triển đô thị thông minh nhưng phù hợp với điều kiện Việt Nam", ông Trung cho biết.
Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan, đô thị ở Việt Nam được phân định thành nhiều loại: đô thị là thành phố trực thuộc trung ương, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn. Do đó, việc phát triển đô thị hay phát triển đô thị thông minh phải tùy vào từng đô thị, từng cấp độ với nhu cầu, đặc điểm phát triển của từng địa phương mà có định hướng khác nhau.
Về thực trạng phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, ông Trung cho rằng đô thị thông minh là vấn đề mới và dù đã có chủ trương định hướng nhưng chưa có văn bản pháp luật, công cụ thể chế để quy định, hỗ trợ thúc đẩy các địa phương, nhà đầu tư phát triển đô thị thông minh.
Thiện Tâm