Đô thị thông minh gắn bó chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số
Hà Nội cũng có phần mềm Smart tích hợp các dịch vụ của thành phố. Các bước tiến hành chuyển đổi số xây dựng đô thị thông minh ở Hà Nội cùng vấn đề của doanh nghiệp đã làm để phục vụ mục tiêu này.
Con người là yếu tố quan trọng
Chia sẻ tại tọa đàm “Đô thị thông minh - Từ chính sách đến thực thi” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều ngày 15/4/2022, ông Nguyễn Minh Đức, Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.Hà Nội; Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, cho rằng, để tiến tới một đô thị thông minh thì có ba trụ cột: Một là thể chế, hai là hạ tầng công nghệ thông tin và thứ ba là con người - đây cũng là yếu tố quan trọng nhất.
"Đầu tiên, tôi muốn đề cập là nhân sự hoạch định chính sách, những người xây dựng chính sách và có ý chí chính trị để tiến tới nâng đỡ mô hình đô thị thông minh. Thứ hai là những người tham gia để sử dụng các công cụ này ó nhiệt tình hay không? Để thay đổi tư duy từ truyền thống sang hiện đại, cụ thể là những công cụ trong đô thị thông minh không hề dễ dàng", ông Đức nói.
Ông Đức dẫn chứng: Ví dụ, người dân sử dụng app để mua sắm, sử dụng app để phục vụ cho giáo dục, y tế… và phải áp dụng cho cả học sinh từ cấp một, cấp hai.... Trong lĩnh vực giáo dục, tất cả giờ từ học, kiểm tra điểm, quản lý, tương tác giữa nhà trường với phụ huynh, với cơ quan quản lý nhà nước... đều thực hiện trên điện thoại thông minh. Để thực hiện dịch vụ công, thành phố khuyến khích con cái hỗ trợ bố mẹ thực hiện các thao tác để giúp mỗi công dân tự mình quen dần.
Theo ông Đức, để đổi mới, bắt buộc công chức, viên chức phải đổi mới trước tiên. Hiện tại, lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn mang theo máy tính bảng để vừa họp vừa xử lý công việc, mọi chỉ đạo, phúc đáp, tương tác… đều trên môi trường internet. Thành phố hạn chế chuyển công văn.
Nói vậy để thấy rằng là chúng ta còn rất nhiều tiềm năng để tiến tới một đô thị thông minh. Vấn đề còn lại là ý chí chính trị thống nhất cần phải cao hơn. Khi thay đổi phương thức thì khó tránh khỏi va chạm, chỗ này được hưởng lợi, chỗ khác bị thiệt thòi.
"Do đó tôi muốn nhấn mạnh, cùng với thể chế, chính trị, thì thay đổi cả tư duy, từ người quản lý cho đến công dân là vấn đề rất quan trọng, ông Đức nhấn mạnh.
Tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện thể chế
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, cho biết: Trên quan điểm chính trị, ngày 24/1/2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết chuyên đề về đô thị, nhấn mạnh mô hình tăng trưởng đô thị, chủ động tiếp cận công nghiệp 4.0, làm sao đổi mới mô hình tăng trưởng đô thị.
Chúng ta phát triển đô thị nóng, phát triển nhanh, tuy nhiên so với các nước thì chúng ta còn kém rất nhiều. Chính vì vậy, Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu quan điểm, mục tiêu là kim chỉ nam trong công tác phát triển đô thị, trong đó có câu “Đây là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Vì vậy, theo ông, Trung, việc đầu tiên trong giải pháp là thể chế. Đánh giá quá trình phát triển, những điều đạt được và bất cập của đô thị Việt Nam, Nghị quyết cũng đặt mục tiêu là hoàn thiện thể chế, giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan:
"Quốc hội xây dựng luật, các bộ ngành của Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách, chính quyền địa phương thực thi và xây dựng kế hoạch hành động để Nghị quyết đi vào cuộc sống. Chúng tôi cũng được giao nhiệm vụ hoàn thiện thể chế là xây dựng văn bản pháp luật, làm sao điều tiết những vấn đề mới. Từ đó, chính quyền đô thị lựa chọn đường hướng tốt nhất phát triển đô thị, nhà đầu tư lựa chọn đô thị phát triển có tâm, có tầm, đạt lợi nhuận... để đạt được mục tiêu của họ”, ông Trung cho hay.
Cùng với đó, ông Trung chia sẻ: Liên quan một số đô thị đã đi trước cả Đề án 950, chẳng hạn Đà Nẵng, Bình Dương từ lâu đã quan tâm xây dựng, và có giải pháp thông minh, ví dụ có giải pháp liên quan đến trật tự giao thông, trật tự xây dựng... có giải pháp không quá cầu kỳ.
"Chúng tôi cho rằng Đề án 950 được Chính phủ ban hành, nhưng tới giai đoạn phát triển nóng, Đề án có chỗ không phù hợp, chúng tôi sẵn sàng tham mưu đề xuất sửa đổi, có những mục tiêu, nội dung làm theo kiểu khung vì mỗi đô thị có hướng phát triển khác nhau”, ông Tring nêu quan điểm.
Theo ông Trung, với đô thị đã và đang triển khai như Phú Quốc chọn phát triển du lịch, họ có trung tâm điều hành cung cấp cho khách du lịch các dịch vụ khách sạn nhà hàng, khu giải trí, có camera để giám sát an ninh an toàn cho khách du lịch; Thủ Dầu Một lựa chọn quản lý đô thị trên nền tảng GIS, sử dụng công nghệ viễn thám để giám sát thực hiện quy hoạch xây dựng, để xử lý xử phạt hiệu quả...
“Chúng tôi quan niệm với mỗi địa phương phải có cách tiếp cận tổng thể khi phát triển đô thị thông minh, vì đô thị có nhiều vấn đề. Giống như thư viện, chúng ta đang có 100 đầu sách, nhưng thiết kế sẵn 1.000 ô trống, chuẩn bị trước. Xây dựng nền tảng công nghệ, các nước cũng xây dựng khung kiến trúc, khi có dữ liệu đầu vào có thể liên thông được với nhau", ông Trung nói.
Ông Trung cho rằng, chính quyền đô thị phải quan tâm thực sự về xây dựng dữ liệu, chuyển đổi số có thể hô hào, nhưng bước đầu phải tích lũy dữ liệu, dù có nhiều sáng kiến nhưng không có dữ liệu thì không thể phân tích được. Cuối cùng địa phương khi xây dựng bài toán tổng thể, nhưng khi lựa chọn, phải lựa chọn ưu tiên chứ không thể dàn hàng ngang. Nhiều địa phương xây dựng đề án, đến nguồn lực bị phân bổ, không biết bắt đầu từ đâu, làm đến đâu”.
Nói về cơ hộ tiếp cận cho người dân, ông Trung đưa ra ý kiến: Liên quan đào tạo và tuyên truyền, môi trường thông minh, con người phải thông minh, chính quyền đô thị phải được đào tạo để vận hành đô thị thông minh, người dân phải được tiếp cận sử dụng dịch vụ thông minh. Đó là lý do trong Đề án chúng tôi tính đến người yếm thế, khó có cơ hội tiếp cận.
"Với phát triển đô thị Việt Nam hiện nay và nói đến phát triển đô thị thông minh, chúng ta phải học hỏi lẫn nhau. Bởi nhiều đô thị thông minh trên thế giới cũng có nơi chúng tôi đến bị cướp giật, báo cảnh sát cũng không giải quyết được... Chúng tôi cũng tổ chức các cuộc tọa đàm trao đổi, ví dụ Bình Dương phát triển GIS viễn thám tốt, chúng tôi cũng mời đô thị quan tâm để chia sẻ kinh nghiệm", ông Trung cho hay.
Về phía doanh nghiệp, vấn đề để phục vụ mục tiêu đô thị thông minh và công dân thông minh gắn bó chặt chẽ với nhau, ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đại Sơn chia sẻ: “Chúng ta đã nói đến thể chế và ý chí chính trị. Đến lúc này chúng ta đã có ý chính trị nhưng thể chế của chúng ta đã làm tốt hay chưa, nhà đầu tư như chúng tôi chỉ biết chấp hành những văn bản pháp quy của các cơ quan, của cấp có thẩm quyền”.
Ông Bắc cho hay: “Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh rằng, phải tiếp tục cải cách thể chế để tạo đột phá trong phát triển. Tuy nhiên, một vấn đề rất đơn giản như các cơ sở hạ tầng, cây xanh, công viên trong khu đô thị mới, khu đô thị thông minh phải bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý, cụ thể là cơ quan cấp phường.
Nhưng các cơ quan chính quyền địa phương phải thực hiện rất nhiều việc, họ rất khó để có thể quản lý tốt được việc này, trong khi chính các nhà đầu tư hoàn toàn có thể quản lý rất tốt và họ có trách nhiệm với công dân sinh sống trong khu đô thị do họ đầu tư. Đôi khi chủ đầu tư khu đô thị ký kết với một đơn vị nào đó để quản lý công viên cây xanh nhưng vì thể chế đang quy định là do phường quản lý”.
Với doanh nghiệp chúng tôi, sẽ làm hết sức mình để thực hiện tốt các phê duyệt của cấp có thẩm quyền để xây dựng một khu đô thị đẹp. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cũng không hề dễ dàng vì chưa có quy định, chưa có cơ chế động viên những người làm tốt, hoàn thành vượt mức dự kiến. Đây là điều khiến tôi còn trăn trở, ông Bắc bộc bạch.
Tăng cường ứng dụng công nghệ
Về sản phẩm phục vụ người dân và làm thế nào người dân tiếp cận sử dụng nó trong tiến trình xây dựng đô thi thông minh, TS. Vũ Tuệ Khanh, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phần Mềm EFFECT cho biết: “Công ty Phần mềm EFFECT của chúng tôi đã ra mắt dothithongminh1.vn là nền tảng kinh doanh cấu thành từ mạng lưới hokinhdoanh.online, là nền tảng gồm 36 loại ngành kinh doanh của hộ kinh doanh, hàng ăn, bán thực phẩm, nông sản, tạp hoá, thuốc, phòng khám tư nhân, dịch vụ vận chuyển… Bản chất là 36 loại phần mềm, phù hợp với quy mô, nhu cầu và nhân sự của các hộ kinh doanh trong thời đại công nghệ thông tin phát triển”.
TS. Khanh chia sẻ: “Với quy mô siêu nhỏ, hộ kinh doanh là những cơ sở kinh doanh rất năng động và nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, do đó họ không chỉ bán hàng tại cửa hàng mà còn giao dịch điện tử, cần tạo hoá đơn điện tử theo quy định của chính phủ.
Nền tảng này có tích hợp các nghiệp vụ kế toán theo Thông tư 78/2021/TT-BTC về hoá đơn điện tử, Thông tư 88/2021/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh...”.
Cùng với đó, bà Khanh cũng cho hay: “Lợi ích với người dân, cộng đồng là khi truy cập vào ứng dụng, người dân có thể giao tiếp mua bán trực tiếp điện tử với người bán hàng, có độ tin cậy cao, có đầy đủ thông tin của người bán hàng, gần nhất trong bán kính 4 km với vị trí của người mua.
Các hộ kinh doanh ứng dụng nền tảng phần mềm quản lý bán hàng sẽ đăng ký nộp phí theo năm. Nếu đăng ký sử dụng phần mềm qua đại lý, các hộ sẽ được hưởng mức giá ưu đãi nhỏ hơn 4.500 đồng/ngày, nếu đăng ký trên hệ thống web của công ty sẽ là 6.000 đồng/ngày. Người bán hàng hay người kinh doanh khi đăng kí sử dụng nền tảng này không mất phí trung gian hoặc bất kỳ loại phí nào”.
Có thể nói rằng, để phát triển thành công các mô hình đô thị thông minh tại Việt Nam, chính quyền phải giữ vai trò "bà đỡ", định hướng phát triển đô thị thông minh thông qua công tác quy hoạch phát triển đô thị, cấu trúc đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị…
Bùi Hằng