Thứ sáu, 29/03/2024 17:20 (GMT+7)
Thứ năm, 19/05/2022 07:03 (GMT+7)

Rà soát, tổng hợp Đề án phát triển đô thị thông minh

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Bộ Xây dựng có Văn bản số 1683/BXD-PTĐT gửi Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tình hình triển khai Đề án đô thị thông minh.

Phát triển đô thị, khu đô thị thông minh theo hướng bền vững

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, có giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá sơ kết tình hình triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam.

Thực hiện nhiệm vụ trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan báo cáo tình hình phát triển đô thị thông minh tại địa phương trước và sau khi ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030” (được gọi là Đề án 950).

Rà soát, tổng hợp Đề án phát triển đô thị thông minh - Ảnh 1

Hướng tới phát triển đô thị, khu đô thị thông minh theo hướng bền vững. (Ảnh minh họa: Internet).

Bộ Xây dựng cũng đề nghị nội dung báo cáo phải chi tiết các công việc đã triển khai trước khi Đề án 950 được ban hành và các thông tin chung trong triển khai đô thị thông minh kể từ sau khi Đề án 950 được ban hành. Bên cạnh đó, khái quát tình hình tuyên truyền, triển khai các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Đề án 950. Đồng thời, báo cáo kinh phí thực hiện các nội dung liên quan tới phát triển đô thị thông minh (cụ thể: Triển khai các dự án đầu tư xây dựng đô thị/khu đô thị thông minh; triển khai các hạng mục tại Đề án đô thị thông minh của địa phương; các nội dung liên quan khác).

Mặt khác, các địa phương cũng báo cáo khó khăn, vướng mắc về nguồn lực, văn bản quy phạm pháp luật... trong quá trình triển khai xây dựng đô thị thông minh, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị.

Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 06/2022.

Kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh theo cách tiếp cận mở rộng

Thông tin từ Bộ Xây dựng trước đó cho biết,  tại một số địa phương đang phát triển, nền tảng ban đầu của hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị thông minh, lúc này vấn đề chính của việc cải tạo không chỉ dừng ở việc kết nối phần mềm, mà trọng yếu vẫn phải là cải tạo phần cứng thông qua việc tạo ra những đô thị mưới thông minh hơn. Việc xây dựng đề án đô thị thông minh lúc này cần theo cách tiếp cận mở rộng.

Songdo - Hàn Quốc

Khu đô thị mới Songdo được xây dựng từ một cơ sở hạ tầng hoàn toàn không có gì thành một khu dân cư có diện tích 6,1 km2 với 80.000 căn hộ, khoảng 50 triệu m2 không gian văn phòng và 10 triệu m2 dành cho bán lẻ và được định hướng là một thành phố hoàn toàn bền vững, công nghệ cao, quy hoạch cho một tương lai không có ô tô, không ô nhiễm và không có những không gian sống quá đông đúc.

Tại Songdo hiện nay, bên cạnh việc lập quy hoạch đô thị thông minh từ đồ án quy hoạch lúc ban đầu thì các hệ thống hạ tầng của đô thị cũng được xây dựng, phát triển với sự kết hợp cùng công nghệ như các ứng dụng thông minh, trang bị cảm biến, IoT, thiết bị Al để tạo ra những cải tiến đáng kể trong cơ sở hạ tầng công nghệ đô thị.

Về môi trường: Ở Songdo việc quản lý, kiểm soát môi trường được triển khai với hệ thống thu gom rác thải hiện đại nhất thế giới, các ống khí nén đưa rác thẳng từ nhà đến một cơ sở xử lý rác thải dưới lòng đất, nơi có được phân loại, tái chế hoặc đốt để tạo năng lượng; rác và xe chở rác - hầu như không tồn tại trong đô thị.

Hệ thống điện lưới được xây dựng và ứng dụng công nghệ nhằm tiết kiệm tối đa mọi lúc mọi nơi, các thiết bị chiếu sáng, nhiệt độ trong căn hộ được lắp đặt đều có thể nhận biết thông qua các cảm ứng, thông tin và được điều chỉnh thông qua bảng điều khiển trung tâm hoặc từ điện thoại cá nhân.

Về giao thông: Songdo phát triển hệ thống công cộng ấn tượng với hướng đón đầu một tương lai không có ô tô. Tàu điện ngầm, xe buýt được xây dựng kết nối với các khu vực xung quanh. Quy hoạch, bố trí các trung tâm mua sắm và trung tâm hội nghị tại các vị trí với những khoảng cách thuận lợi và xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp rộng rãi;

Về dịch vụ công và trật tự trị an: các phần mềm được ứng dụng nhằm tương tác với người dân và cơ chế giao tiếp; Thành phố lắp đặt các thiết bị công nghệ nhằm cảnh báo tự động, cảm biến cả âm thanh bất thường; Việc phòng chống thiên tai, sự cố khẩn cấp - cảnh báo lập tức tới mọi người dân thông qua công nghệ thông tin số.

Singapore

Một trong những quốc gia đi đầu trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh theo hướng chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức - trên cơ sở 4 lĩnh vực, gồm giao thông, chăm sóc sức khỏe, an ninh công cộng và năng suất lao động của công dân. Chính phủ Singapore đã thành lập Văn phòng Quốc gia Thông Minh và Chính phủ Điện tử.

Chương trình “Smart Nation” - Sáng kiến quốc gia thông minh được triển khai nhằm khai thác tối đa công nghệ thông tin, mạng lưới và dữ liệu để hỗ trợ cuộc sống tốt hơn, để củng cố các cộng đồng mạnh hơn, như là một phản ứng đối với những thách thức ngày càng tăng của đô thị như: Sự già hóa dân số, mật độ đô thị và tính bền vững về năng lượng.

Singapore đầu tư xây dựng mạng lưới băng thông rộng tốc độ cực nhanh và wifi miễn phí; phủ kín mạng lưới cảm biến đường phố. Chính quyền đã lựa chọn và triển khai đồng bộ một số dự án chiến lược mang tầm quốc gia làm động lực quan trọng để phát triển:

Hệ thống nhận diện điện tử cấp quốc gia; Cổng thanh toán điện tử; Hệ thống cảm biến thông minh trên cả nước (tính phí đường bộ chính xác theo định vị, cung cấp thông tin giao thông và nhiều dịch vụ tiện ích: Sạc tự động, quẹt thẻ nhận dạng qua tần số vô tuyến để qua đường…); Nền tảng giao thông đô thị thông minh và Moments of Life (ứng dụng di động giúp Chính phủ chuyển các dịch vụ phù hợp đến công dân một cách kịp thời).

Thành phố thông minh Yokohama - Nhật Bản

Trước thực trạng các vấn đề của đô thị như sự bùng nổ dân số và sự lộn xộn trong phát triển đô thị, công nghiệp, ô nhiễm không khí và nguồn nước, tắc nghẽn giao thông…

Chính quyền thành phố đã xây dựng phương án quy hoạch, triển khai các dự án chủ lực nhằm kiểm soát việc phát triển đô thị ở khu vực trung tâm, xây dựng khu đô thị mới, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại (cầu qua vịnh, đường cao tốc, đường sắt, lấn biển…) phát triển thành một đô thị hiện đại phát thải thấp (cắt giảm khoảng 40% lượng khí thải, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng mặt trời, gió và điện hạt nhân… thông qua “lưới thông minh” để theo dõi việc sử dụng trong toàn mạng một cách tối đa hóa và hiệu quả).

Thành phố cũng có nhiều sáng kiến để bảo vệ môi trường, thiết kế đô thị, phòng chống thiên tai như đưa ra các biện pháp đảm bảo an toàn đường bộ (dốc gù, hàng rào thu hẹp, sơn màu, cọc tiêu giao thông....); Xử lý nước thải bằng biện pháp sinh học; phát triển mô hình nhà máy điện ảo (VPP - đây là cơ chế được sử dụng để điều chỉnh lượng cung và cầu điện năng bằng cách điều khiển từ xa và tích hợp bằng ắc quy, thiết bị phát điện, xe ô tô điện…

Mà các tòa nhà và gia đình sở hữu bởi công nghệ quản lý năng lượng tiên tiến, hiệu quả mang lại là giảm chi phí sản xuất điện, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, cắt giảm CO2, giảm chi phí duy trì ổn định hệ thống, cải thiện tỷ lệ tự cung cấp năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch…); Hồ điều tiết nước mưa cho quá trình đô thị hóa với nhiều loại hình kết hợp đa dạng; Hồ điều tiết nước mưa kiêm hồ cảnh quan, hồ điều tiết nước mưa kiêm sân tennis, hồ điều tiết nước mưa ngầm…

Thành phố Amaravati - Ấn Độ

Phục hưng đô thị: Thay thế các khu vực đô thị hiện tại với các khu ổ chuột, sự tắc nghẽn giao thông và mức độ ô nhiễm cao thành thành phố tiên tiến nhất của Ấn Độ với hệ thống giao thông thân thiện với môi trường bao gồm taxi nước, xe chạy điện và hệ thống tàu tốc độ cao chạy trong ống kín (Hyperloop).

Các dự án đã và đang dự kiến triển khai: Quy hoạch tổng thể thành phố Amaravati mới với quy mô dân số là 3,5 triệu dân; Huy động nguồn kinh phí triển khai các dự án (Tổng chi phí dự kiến để chuyển đổi thành phố thành thủ phủ mới của bang Andhra Pradesh là 1.000 tỷ rupee tương đương 14,5 tỷ đô la Mỹ);

Thu hồi đất, đưa ra các phương án đền bù, tái định cư có tính khả thi; Triển khai lắp đặt hệ thống cống rãnh, xử lý nước, làm đường xá; Xây dựng các văn phòng của chính quyền theo hướng Chính phủ điện tử; Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý và vận hành thành phố…

Thành phố thông minh, đô thị thông minh với những ưu thế, tiện ích vượt trội - chính là đích đến sẽ dần được hiện hữu tại các địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình này việc xây dựng, đưa ra những định hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển trong các đề án đô thị thông minh và lựa chọn các dự án quản lý phát triển đô thị thông minh là nhiệm vụ của chính quyền địa phương.

Trong khuôn khổ bài viết, tác giả thông qua việc giới thiệu các kinh nghiệm, bài học quốc tế nhằm giúp cho các địa phương hiểu được hơn về đô thị thông minh và có được những cách tiếp cận phù hợp. Từ các kinh nghiệm trên thế giới, tìm thấy hướng đi riêng của mình để việc xây dựng và phát triển đô thị sẽ theo hướng đồng bộ, hiện đại với tầm nhìn lâu dài, hướng tới xây dựng các đô thị thông minh, bền vững trong tương lai phù hợp với sự phát triển của mỗi địa phương.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Rà soát, tổng hợp Đề án phát triển đô thị thông minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.