Thứ sáu, 26/04/2024 10:08 (GMT+7)
Thứ năm, 12/05/2022 20:55 (GMT+7)

Phát triển đô thị Việt Nam: Tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi trước biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Sự lựa chọn phương thức phát triển đô thị của các thành phố sẽ mang tính quyết định đối với tương lai của quốc gia, với trọng tâm là tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi, tăng trưởng xanh cho các đô thị và phục hồi trước biến đổi khí hậu.

Theo các chuyên gia, các đô thị có vai trò chủ chốt trong việc hiện thực hóa mục tiêu của Việt Nam về trung hòa carbon. Bởi đây là khu vực tập trung phần lớn lượng phát thải carbon, nhất là trong các ngành xây dựng và giao thông. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cũng khiến cho người dân dễ bị tổn thương hơn trước những biến đổi thời tiết, đặc biệt là do các giải pháp cứng hóa bề mặt và phát triển đô thị trải rộng ở những khu vực có rủi ro tự nhiên lớn như các vùng đồng bằng chịu lụt úng nghiêm trọng.

Pháp hỗ trợ các đô thị Việt Nam chống chịu trước biến đổi khí hậu

Ngày 12/5, tại Hà Nội, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng và Ngài Philippe Orliange, Giám đốc Điều hành toàn cầu của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ các đô thị Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi trước biến đổi khí hậu.

Thông qua Thỏa thuận hợp tác này, Bộ Xây dựng và AFD sẽ cùng triển khai Chương trình hành động và hợp tác trong 5 năm tới (2022 - 2027), bao gồm: hỗ trợ dành cho Cục Phát triển Đô thị trong việc soạn thảo các chính sách công và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi, tăng trưởng xanh cho các đô thị; hỗ trợ cho các đô thị và tỉnh, thành trong việc triển khai các dự án thí điểm; tổ chức các hội thảo và hoạt động tuyên truyền quảng bá chung. Nguồn vốn triển khai do Liên minh Châu Âu tài trợ thông qua quỹ WARM Facility và ủy thác cho AFD quản lý.

Phát triển đô thị Việt Nam: Tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi trước biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Phát triển đô thị dựa trên các biện pháp bền vững, thích ứng với khí hậu sẽ mang lại môi trường an toàn và lành mạnh cho sự phát triển kinh tế và tăng cường khả năng chống chịu của cư dân thành phố. (Ảnh minh họa)

Bộ Xây dựng và AFD cũng sẽ phối hợp để lồng ghép triển khai những cam kết quan trọng trong lĩnh vực phát triển bền vững đô thị mà Việt Nam đã nêu ra tại Hội nghị Thượng đỉnh thứ 26 của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. 

Sự lựa chọn phương thức phát triển đô thị của các thành phố sẽ mang tính quyết định đối với tương lai của quốc gia, trong bối cảnh Việt Nam là một trong những nước bị tác động lớn nhất bởi biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, quá trình phát triển đô thị cần tính tới những khu vực chịu nhiều rủi ro từ thảm họa thiên nhiên như ngập lụt, xói lở đất khi xác định vị trí các công trình xây mới; áp dụng các kỹ thuật xây dựng sinh thái với mức phát thải carbon thấp…

Theo Thứ trưởng Xây dựng Bùi Hồng Minh, tại Việt Nam, tác động của biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng ngập lụt, xói lở, xâm nhập mặn, biến đổi nhiệt độ bất thường. Do đó, công tác quy hoạch đô thị cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua sử dụng đất, tổ chức không gian và hệ thống hạ tầng đô thị phù hợp.

Các đô thị cũng là đơn vị cấp hành chính phù hợp nhất để tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của người dân đô thị với biến đổi khí hậu, thông qua việc bảo vệ người dân trước những rủi ro thiên tai và đồng thời tạo thuận lợi cho họ tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như y tế và việc làm.

Ngoài ra, việc triển khai Thỏa thuận sẽ có nhiều thuận lợi bởi các bên đã có quá trình hợp tác từ nhiều năm nay, từ các hoạt động đào tạo, tổ chức hội thảo về phát triển đô thị bền vững tới hỗ trợ tỉnh Quảng Trị và thành phố Đông Hà chuẩn bị xây dựng dự án đô thị ứng phó biến đổi khí hậu.

Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất bởi biến đổi khí hậu. Nhiệt độ nóng dần và nước biển dâng, tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan kết hợp với tăng trưởng dân số và đô thị hóa càng làm cho những rủi ro về thiên tai, xói lở bờ biển và ngập lụt trở nên nghiêm trọng hơn trên phạm vi cả nước.

Sự tăng trưởng đô thị, vốn là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam từ những năm 1990, đã góp phần tạo nhiều việc làm và cải thiện chất lượng các dịch vụ thiết yếu cho người dân như năng lượng, nước sạch, y tế, giáo dục và giải trí, và tạo ra một cơ sở hạ tầng không thể thiếu cho sự phát triển của quốc gia.

Tuy nhiên, đô thị hóa nhanh chóng cũng khiến cho người dân dễ bị tổn thương hơn trước những biến đổi thời tiết, đặc biệt là do các giải pháp cứng hóa bề mặt và phát triển đô thị trải rộng ở những khu vực có rủi ro tự nhiên lớn như các vùng đồng bằng chịu lụt úng nghiêm trọng.

Do đó, phát triển đô thị dựa trên các biện pháp bền vững, thích ứng với khí hậu sẽ mang lại môi trường an toàn và lành mạnh cho sự phát triển kinh tế và tăng cường khả năng chống chịu của cư dân thành phố. Khả năng chống chịu của đô thị chính là việc giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai và cũng liên quan đến khả năng nhanh chóng trở lại trạng thái ổn định. Tuy nhiên, những biện pháp thích ứng với khí hậu và khả năng chống chịu không phải lúc nào cũng được lồng ghép chặt chẽ vào các quy trình lập kế hoạch và ngân sách cho đô thị.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 438/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030". Đề án với mục tiêu chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị, góp phần kiểm soát và giảm mức độ ô nhiễm không khí, nước, đất...

Đề án thực hiện trên hệ thống đô thị phạm vi toàn quốc (63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), tập trung vào hệ thống đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt và hệ thống các đô thị có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất tại các vùng miền núi phía Bắc, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 2021-2025), thực hiện tại 5 đô thị gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và các đô thị thuộc 7 tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ, duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long và 7 tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Giai đoạn 2 (từ 2026 - 2030), thực hiện tại các đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt; có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh thuộc vùng miền núi phía Bắc, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nguyên và các tỉnh có đô thị xuất hiện các tác động mới của biến đổi khí hậu. Giai đoạn sau năm 2030, mở rộng phạm vi áp dụng trên toàn quốc.

Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Sitara Syed cho rằng, các nỗ lực tổng thể nhằm giảm thiểu rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu trên quy mô quốc gia cần phải kết hợp với việc giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là ở các khu vực đô thị.

"Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Thành phố là nơi bị ảnh hưởng đầu tiên của biến đổi khí hậu. Nếu không ưu tiên tăng cường khả năng chống chịu của các đô thị, chúng ta có nguy cơ đánh mất lợi ích phát triển của Việt Nam trước những thiên tai mà lẽ ra có thể tránh được”, bà Sitara Syed nhận định.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Phát triển đô thị Việt Nam: Tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi trước biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới