Cháy rừng, biến đổi khí hậu thành chủ đề nóng trong cuộc tranh cử Tổng thống ở Mỹ
Thảm họa cháy rừng đã khiến biến đổi khí hậu trở thành chủ đề nóng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Cháy rừng tàn phá miền Nam bang Oregon. (Ảnh: AP) |
Theo TTXVN, phát biểu trong một cuộc họp về tình trạng cháy rừng tại Sacramento, thủ phủ bang California trong ngày 14/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu "tự nó sẽ tự đảo ngược", đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra các đám cháy rừng dữ dội đang "nhấn chìm" vùng miền Tây nước Mỹ.
Thay vào đó, ông nhắc lại quan điểm của mình rằng các đám cháy rừng là do các khu rừng đã không được duy tu, bảo dưỡng đầy đủ để hạn chế bùng phát các đám cháy. Ông lưu ý: "Đối với những khu rừng, khi những chiếc cây đổ xuống sau một thời gian ngắn, khoảng 18 tháng, chúng sẽ trở thành đống củi khô và giống như một que diêm chực chờ phát nổ". Do đó, ông nhấn mạnh: "Cần có sự quản lý rừng chặt chẽ hơn".
Trước quan điểm của Tổng thống Donald Trump, Thống đốc California, Gavin Newsom, đã thừa nhận cần phải làm nhiều hơn nữa để quản lý rừng tốt hơn nhằm giảm thiểu rủi ro hỏa hoạn. Nhưng ông cũng đưa ra phản bác rằng sự nóng lên toàn cầu vẫn là một yếu tố thúc đẩy các vụ cháy rừng cực đoan đang xảy ra gần đây, đồng thời nhắc nhở Tổng thống Donald Trump rằng 57% đất rừng ở California thuộc quyền sở hữu của liên bang.
Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Mỹ Biden, ứng cử viên đảng Dân chủ tranh cử vào Nhà Trắng lại cảnh báo mối đe dọa các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng diễn ra thường xuyên cho thấy rằng biến đổi khí hậu đang làm gia tăng các đám cháy rừng.
Theo Reuters, ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden dự kiến sắp có bài phát biểu về biến đổi khí hậu tại bang Delaware, đưa vấn đề này trở thành một trong những nội dung quan trọng trong chiến dịch tranh cử của mình.
Ông Biden đánh giá biến đổi khí hậu là một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà nước Mỹ đối mặt, bên cạnh dịch Covid-19. Với động thái này, ông Biden hy vọng có thể thu hút thêm lá phiếu cử tri trong cuộc bầu cử ngày 3/11 tới.
Còn trên trang mạng xã hội Twitter, ứng cử viên Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ cho rằng Tổng thống Trump "đã bác bỏ các bằng chứng" cho thấy "cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến các đám cháy rừng trở nên dữ dội hơn".
Những tuần qua, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang tiếp tục càn quét nước Mỹ, từ cháy rừng ở phía Bờ Tây đến các cơn bão ở Trung Tây và ở khu vực Bờ Vịnh gây thiệt hại vô cùng to lớn.
Tính tới ngày 15/9, các trận cháy rừng dữ dội chưa từng thấy đã bùng phát và lan rộng trên tổng cộng khoảng 1,8 triệu hécta, thiêu rụi nhiều thị trấn ở Oregon, trong khi "nuốt chửng" các khu rừng ở California, Washington và Idaho.
Riêng tại bang Oregon, các đám cháy rừng đã khiến 10 người thiệt mạng, ít nhất 10 người khác mất tích và hàng trăm người mất nhà cửa. Hơn 500.000 người tại bang này đã phải đi sơ tán do cháy rừng.
Không chỉ gây thiệt hại về người và vật chất, cháy rừng dữ dội cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí tại các thành phố của bang Oregon. Theo giới chức môi trường bang Oregon, chất lượng không khí tại 5 thành phố lớn của bang này gồm Portland, Eugene, Bend, Medford và Klamath Falls đã giảm xuống mức kỷ lục, khi lượng khói mù và tro bụi lên cao kỷ lục.
Cơ quan Chất lượng môi trường của bang cho biết trong tuần này, không khí tại toàn bộ 5 thành phố trên đều bị đánh giá là "nguy hiểm" theo tiêu chuẩn chất lượng không khí. Riêng tại thành phố Bend, chỉ số chất lượng không khí vượt mức 500, vượt qua cả thang đo chất lượng không khí.
Nhật Hạ