Thứ hai, 25/11/2024 16:24 (GMT+7)
Thứ tư, 17/08/2022 06:55 (GMT+7)

Cấp bách phục hồi du lịch quốc tế và phát triển du lịch bền vững

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia, dù số lượng khách du lịch quốc tế thấp hơn khách nội địa nhưng lại chiếm phần lớn doanh thu toàn ngành. Do vậy phục hồi và phát triển khách quốc tế ở Việt Nam là yêu cầu cấp bách.

Thách thức với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế 

Thị trường du lịch có những bước khởi sắc, nhất là hoạt động du lịch nội địa. Thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy, tổng lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,8 triệu lượt, gấp 1,3 lần so với mức trước đại dịch của 6 tháng năm 2019. 

Mặc dù vậy, lượng khách quốc tế lại khá hạn chế, tính đến nay cả nước đón hơn 700.000 lượt, chỉ đạt 15% so với kế hoạch đón 5 triệu khách quốc tế năm nay. Do đó, mục tiêu đón trên 5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2022 còn rất nhiều thách thức.

Cũng phải lưu ý, dù số lượng khách du lịch quốc tế thấp hơn khách nội địa nhưng lại chiếm phần lớn doanh thu toàn ngành. Do vậy phục hồi và phát triển khách quốc tế ở Việt Nam là yêu cầu cấp bách. 

Phát biểu tại diễn đàn “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam” diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá: “Nếu không có các hành động quyết liệt, khả năng hoàn thành kế hoạch thu hút 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 sẽ rất khó khăn. Mặc dù du lịch nội địa đang bùng nổ nhưng đây có thể chỉ là hiện tượng ngắn sau thời gian người dân bị hạn chế đi du lịch trong 2 năm đại dịch.

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 954.000 lượt, tuy tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng mới đạt gần 20% so với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Việc phục hồi khách quốc tế không chỉ là mục tiêu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp du lịch, hơn 2 triệu lao động trong ngành mà còn liên quan tới hàng chục nghìn cơ sở dịch vụ tại các địa phương.

Thêm nữa, nhiều đơn vị khi phục vụ thị trường nội địa lại có tâm lý dễ dãi, chưa nỗ lực để có những sản phẩm chỉn chu; các hiện tượng kinh doanh chặt chém, chụp giật diễn ra ở nhiều nơi. Nếu cứ dễ dãi, cung cấp sản phẩm không chất lượng thì sự phục hồi của thị trường du lịch nội địa rất khó bền vững”.

Theo nhận định của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), một số khó khăn chủ yếu được nhận diện như: thời điểm mở cửa (15/3/2022) rơi vào cuối mùa cao điểm của du lịch inbound (thường từ tháng 10 đến tháng hết 3 hàng năm) đồng thời có sự biến động rất lớn ở một số thị trường khách truyền thống và mục tiêu (do cuộc chiến Nga - Ukraine, do lạm phát ở cả Mỹ và nhiều nước Châu Âu, hoặc do các chính sách thắt chặt với Covid từ Trung Quốc, Nhật Bản…) nên hiệu ứng thu hút khách quốc tế còn rất hạn chế.

Ngoài ra, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, một trong những nguyên nhân lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế là do hiện nay Việt Nam chưa phải là mùa du lịch quốc tế, xung đột Nga - Ukraina đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam - Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam. 

Bên cạnh đó, chính sách phòng chống địch, mở cửa của các nước khác nhau, như hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) hiện vẫn đang siết chặt phòng chống dịch. Còn Trung Quốc, hiện theo đuổi chính sách “Zero Covid” và đến nay chưa mở cửa du lịch quốc tế.

Cấp bách phục hồi du lịch quốc tế và phát triển du lịch bền vững - Ảnh 1
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia Đông Nam Á có chính sách xuất nhập cảnh thuận lợi nhất sau đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhiều quốc gia Đông Nam Á đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế trước đó và luôn đưa ra những chính sách hút du khách quốc tế khá tốt. Vì vậy, nếu chúng ta không tạo thuận lợi từ các chính sách, quảng bá, xúc tiến cho du lịch thì khó thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.

Xây dựng nền tảng du lịch thông minh

Chia sẻ về vấn đề này, TS Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng, nhận định việc thu hút khách du lịch đến Việt Nam vào những tháng cuối năm 2022 là vấn đề quan trọng và cấp thiết. Việt Nam đã có những sản phẩm có sức cạnh tranh rất tốt, đã tốt rồi thì phải làm sao để giới thiệu đến được với các nhóm khách. Ngoài ra, cần sớm có kế hoạch chuyển đổi số quốc gia cho ngành du lịch.

“Chúng ta cần thúc đẩy đổi mới, chuyển đổi số, đó là xu hướng bắt buộc. Cách xúc tiến truyền thống vẫn làm nhưng phải thêm hướng tiếp cận, vẫn tiếp tục hoạt động xúc tiến truyền thống để thu hút khách hàng tiềm năng. Hướng tiếp theo là xúc tiến các nền tảng công nghệ số, đưa cơ sở dữ liệu sản phẩm đến trực tiếp với khách hàng. Hiện cơ sở dữ liệu, các nền tảng số về du lịch ở VN còn rất thấp, phải sớm thay đổi việc này”, TS Dũng nhận định.

Sắp tới, để thu hút thêm nhiều du khách quốc tế, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tới các thị trường tiềm năng như Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ... thì cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ để tăng tính hấp dẫn cho điểm đến và sản phẩm du lịch tại các điểm đến để giữ chân du khách lâu hơn… Đối với các doanh nghiệp, để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng đã nhanh chóng thay đổi xúc tiến, quảng bá Việt Nam ở các thị trường mới.

Để hỗ trợ ngành du lịch nhanh chóng phục hồi, đặc biệt phục hồi lượng khách quốc tế tới Việt Nam, Ban IV và các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch), các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tăng cường hợp tác công tư để lên kế hoạch đồng bộ đẩy mạnh truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch ra quốc tế.

Đặc biệt, kiến nghị Chính phủ giao Bộ Ngoại giao, Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện chính sách thị thực/thị thực điện tử theo hướng: mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan... nhằm đa dạng hóa thị trường, không để bị lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống, nhất là các thị trường chi phối trong khu vực nhưng du khách chưa sẵn sàng đi du lịch trở lại như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Đồng thời, tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như thị trường châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý và các nước Bắc Âu) từ 15 ngày lên 30 ngày.

“Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia Đông Nam Á có chính sách xuất nhập cảnh thuận lợi nhất sau đại dịch Covid-19.

Chúng tôi cho rằng, để thực sự thúc đẩy phục hồi, phát triển bền vững ngành du lịch, các cơ quan chức năng và địa phương liên quan tập trung xây dựng môi trường du lịch xanh, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng du lịch phù hợp với yêu cầu nhu cầu của khách du lịch; tăng cường truyền thông, quảng bá về du lịch Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là tận dụng các công nghệ hiện đại với nội dung đổi mới về các nội dung thông tin hấp dẫn hơn.

Đây cũng là quan điểm cũng như định hướng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian tới,” Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chia sẻ.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cấp bách phục hồi du lịch quốc tế và phát triển du lịch bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới