Liên kết vùng - “Chìa khóa” phục hồi và phát triển du lịch
Ngành du lịch Việt Nam đề ra kỳ vọng đạt 5 triệu lượt khách quốc tế nhưng thực tế sau 7 tháng vẫn còn “chậm” đà năm 2022. Từ tình hình thực tế, ngành du lịch lấy liên kết vùng làm yếu tố phát triển và khắc phục những vấn đề còn vướng mắc.
Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam
Ngày 8-9/8 tại TP.HCM, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch TP.HCM phối hợp với Tổng cục Du lịch khai mạc sự kiện “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam”, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết. Hiện tại, các sở ban ngành địa phương đang đặt mục tiêu, chủ trương đẩy mạnh liên kết vùng để vừa đáp ứng nhu cầu của khách ngoại, vừa quảng bá địa phương đến với bạn bè quốc tế trong thời gian tới. Đây cũng là mục đích của sự kiện "Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam"..
Khó khăn lớn nhất được nhiều doanh nghiệp du lịch đưa ra là vấn đề hiện tại khách quốc tế đã trở lại nhưng còn hạn chế, đó là vấn đề visa của một số quốc gia. Theo đó, tuy Việt Nam đã mở cửa du lịch, bỏ các thủ tục về dịch Covid-19, nhưng một số nước thì vẫn còn e dè.
Một số doanh nghiệp cho hay, số lượng khách quen, khách lâu năm đang vướng các thủ tục xuất nhập cảnh tại quốc gia sở tại, nên việc trở lại Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện.
Tổng giám đốc công ty du lịch Indochina Quảng Ninh ông Đoàn Văn Dũng cho rằng: “Đa phần khách vướng thủ tục visa. Đối với trở ngại này, đơn vị sẽ phối hợp với các đơn vị lữ hành lớn để thúc đẩy các chuyến tour sớm trong thời gian tới. Riêng đơn vị sẽ nâng cao dịch vụ, tạo liên kết sản phẩm du lịch, tung ra các gói dịch vụ hấp dẫn”.
Cùng với đó, các địa phương chưa có sự kết nối chặt chẽ mối liên kết vùng để phát huy tối đa những tiềm năng du lịch, vì thế cần nhiều sự phát triển hợp tác để không chỉ riêng địa phương đơn lẻ mà còn cả ngành du lịch đều hưởng lợi.
Vấn đề liên kết vùng du lịch thúc đẩy cần theo đó là chất lượng dịch vụ được nâng cao, bên cạnh đó, cũng cần có thêm nhiều sản phẩm du lịch có tính địa phương và có thể phát triển mạnh mẽ như một sản phẩm chủ lực và dựa trên nhân lực địa phương. Bởi lẽ, chính con người địa phương mới am hiểu văn hóa, ẩm thực... của chính địa phương đang sinh sống, từ đó cũng tạo ra nguồn thu nhập cho chính người dân.
Đồng thời, cần kiểm soát tốt các mô hình kinh doanh, sản phẩm du lịch một cách chặt chẻ, thực tế phải đáp ứng phù hợp với địa phương, tránh lãng phí tài nguyên du lịch và để du khách nước ngoài có thể trải nghiệm đúng về bản chất của đất nước, người Việt Nam. Đây cũng là cách mà để bạn bè quốc tế quãng bá rộng rãi đến thế giới.
“Cánh cửa chính” để thu hút khách quốc tế
Ngoài các chương trình ưu đãi, khuyến mãi đang được triển khai thực hiện của ngành để có thể đáp ứng được nhu cầu lựa chọn của khách du lịch quốc tế, các sở ban ngành các địa phương đã chủ động tạo liên kết vùng để khai thác tối đa tiềm năng du lịch của địa phương đã làm du lịch lâu năm và phát triển các địa phương đang có tìm năng nổi trội.
Phó Giám đốc công ty lữu hành Sacotourist ông Phạm Ngọc Hà cũng cho biết, hiện công ty đã nhận được lịch đặt tour từ tháng 11/2022 – 4/2023. Hiện tại, công ty cũng phối hợp các đơn vị du lịch để áp dụng các gói dịch vụ ngắn này thích ứng sau dịch. Đặc biệt, đơn vị cũng đang mở rộng khai thác thị trường tại Tây Ninh, nhằm phát triển mạnh mẽ du lịch tỉnh của tỉnh này.
“Sắp tới chúng tôi sẽ tạo ra nhiều sản phẩm du lịch cho Tây Ninh vì địa phương này mới. Văn hóa, ẩm thực, cơ sở hạ tầng đang phát triển và thời gian di chuyển ngắn nên rất được kỳ vọng thu hút khách du lịch quốc tế đến theo mô hình trải nghiệm”, ông Hà cho biết.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, được sự liên kết của Sở Du lịch TP.HCM cùng với các địa phương trên cả nước, riêng tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận lượng khách du lịch quốc tế lớn.
“Hy vọng thị trường phía nam có thể đến với Quảng Ninh vào mùa thu này, đối với các vùng biên giới như Bình Lưu, vùng văn hóa tâm linh như Uông Bí – Đông Triều; vùng Móng Cái, nhất là khi 1/10 sẽ mở cao tốc Vân Đồn đến Móng Cái”.
Đồng thời, vị này cũng cho biết sẽ hợp tác cùng TP.HCM cùng Tổng cục Du lịch đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về du lịch tỉnh. Hiện tại, khách Ấn Độ đến tỉnh khá nhiều, sắp tới mở rộng lượng khách tại Đông Nam Á, Đông Bắc Á và lượng khách lớn từ Trung Quốc, nếu quốc gia này đã kiểm soát dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, đã đề nghị mỗi địa phương phải có một sản phẩm du lịch đặc sắc, làm tròn trách nhiệm của địa phương trong phát triển du lịch. Cùng với đó là việc xây dựng bản đồ số du lịch, tìm kiếm các nguồn lực, vai trò dẫn dắt, làm tốt hơn nữa vai trò của các địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước. Khi người dân là chủ thể của các chương trình, sản phẩm du lịch, lễ hội thì mới phát huy được sức mạnh của cộng đồng.
Cũng theo vị Bộ trưởng này, vấn đề trọng yếu trong phát triển liên kết vùng là phải đi vào thực hiện, không dừng lại ở ký kết. Vì vậy, cần có sự thúc đẩy, vào cuộc của hiệp hội du lịch, các địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp du lịch phải giữ vai trò kết nối với nhau, xây dựng trên mối quan hệ bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi nhằm phát triển bền vững với tinh thần đi cùng nhau.
Riêng TP.HCM, thực tế với kỳ vọng đạt 3,5 triệu lượt khách trong 2022, thế nhưng, trong 7 tháng đầu năm, mới đạt khoảng hơn 765 ngàn lượt khách quốc tế. Tổng thu du lịch ước đạt 60 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 76% so với kế hoạch năm 2022. Số lượng khách quốc tế còn rất “khiêm tốn” so với trước đại dịch Covid-19.
Để đạt con số 5 triệu lượt khách đến Việt Nam, có thể nói, trong năm nay, nhất là chỉ còn 5 tháng cần có sự phối hợp, liên kết giữa các chính quyền và doanh nghiệp du lịch, từ đó vừa phát triển du lịch, vừa phát triển kinh tế - du lịch tại các địa phương. Qua đó, cũng có thể phát huy tối đa nguồn tài nguyên du lịch khắp cả nước.
Huyền Diệu