Thứ bảy, 23/11/2024 07:47 (GMT+7)
Thứ hai, 12/07/2021 11:08 (GMT+7)

Cảnh báo chiêu trò 'thổi' giá bất động sản

Theo dõi KTMT trên

"Trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến giao dịch BĐS giảm mạnh ở hầu hết các phân khúc, nhưng tổng tiền đổ vào thị trường lại tăng. Thực tế này cho thấy hiện tượng BĐS đang bị đẩy giá" - ông Nguyễn Văn Đính nhận định.

Bất động sản đang bị đẩy giá, tạo cơn "sốt ảo"

Đánh giá tổng quan về thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2021, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, lượng sản phẩm chào bán trên thị trường 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng cao so với cùng kỳ các năm 2019, 2020. Trong đó, các sản phẩm chào bán đa phần là hàng tồn từ trước.

Tuy nhiên, ngay từ đầu quý II/2021, Việt Nam đối diện đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Đợt dịch lần này nguy hiểm nhất, lây lan trên diện rộng và kéo dài nhiều tháng đã gây ảnh hưởng rất lớn cho cả nền kinh tế và thị trường bất động sản.

Cũng theo ông Đính, do ảnh hưởng dịch Covid-19 thu nhập người dân trên tổng thể bị suy giảm. Và theo nguyên lý kinh tế vĩ mô, đường cầu phải dịch chuyển về bên trái, nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm đi, giá bán cũng bị áp lực giảm.

Cảnh báo chiêu trò 'thổi' giá bất động sản - Ảnh 1
Đất nền ven đô được coi như là "điểm sáng" của thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua. (Ảnh: Dân Việt)

Nhưng trên thực tế thị trường lại cho thấy những dấu hiệu không phù hợp quy luật và nguyên lý. Cụ thể như, cầu thực giảm, thể hiện ở số lượng giao dịch giảm, nhưng tổng tiền vào thị trường có nhu cầu đầu tư bất động sản lại đang cho thấy có dấu hiệu mạnh lên.

Nguyên nhân của thực tế này là do nhiều nhà đầu tư đã rút lượng tiền lớn từ các lĩnh vực khác (chứng khoán, ngoại hối, vàng...) để đầu tư mạnh vào thị trường bất động sản, tìm cơ hội giao dịch. Nguồn tiền thị trường lớn, trong khi nguồn hàng khan hiếm, chính là nguyên nhân khiến giá bất động sản đẩy lên, tạo ra các cơn sốt ngay từ đầu năm.

Ngoài ra, mức giá bất động sản ở hầu hết các phân khúc bị đẩy lên cao một phần cũng là do khung giá đất ở các nhiều địa phương đồng loạt được bị điều chỉnh tăng lên 15%, cộng với giá vật liệu xây dựng đã tăng 30 - 40% so với cuối năm 2020 (đây nhóm chi phí chiếm tỉ trọng tới trên 50% giá thành đầu vào các dự án bất động sản).

"Các yếu tố trên khiến thị trường bất động sản tăng giá và trở thành cơ hội cho không ít người đầu cơ thị trường không tuân thủ quy định pháp luật, lợi dụng chủ trương, chính sách, kẽ hở, chia lô các loại đất ở, đất rừng, thậm chí cả đất ruộng để bán với giá "ảo", làm xáo trộn thị trường ở nhiều địa phương trên cả nước", ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ.

Cần sớm sửa đổi quy định pháp luật

Để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển ổn định, bền vững, minh bạch về giá, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Nguyễn Văn Đính cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình sửa đổi quy định pháp luật để cải thiện nguồn cung cho thị trường bất động sản, kiểm soát lạm phát, tăng giá mạnh các yếu tố đầu vào của bất động sản; đồng thời, kích thích phát triển kinh tế ở các lĩnh vực khác bất động sản... Qua đó, điều chỉnh các dòng vốn về đúng mục tiêu để hiệu quả hóa nguồn lực quốc gia.

Nhận định về thị trường bất động sản trong quý III và 6 tháng cuối năm 2021, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc doanh nghiệp quản lý trang Batdongsan.com.vn cho rằng, đại dịch Covid-19 là rủi ro, nhưng cũng là cơ hội cho thị trường. Dòng tiền đầu tư mạnh vào thị trường bất động sản khẳng định Việt Nam luôn là thị trường tiềm năng và bất động sản vẫn là kênh "trú ẩn" tài sản an toàn, sinh lời trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hay đại dịch.

“Khó xảy ra tình trạng mất thanh khoản thị trường và giảm giá. Quý III và 6 tháng cuối năm vẫn là giai đoạn có nhiều khó khăn, nhưng giá bất động sản khó giảm sâu, chỉ dưới mức 5%. Do đó, nhà đầu tư cần xác định đầu tư dài hạn để có biên độ tăng giá tốt, còn trong ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh. Các doanh nghiệp bất động sản cũng mong chờ các cơ chế chính sách tháo gỡ những bất cập hiện nay, hạn chế tình trạng có văn bản 6 tháng mới có hiệu lực, nhưng cũng có văn bản có hiệu lực ngay khiến cho doanh nghiệp không xoay xở kịp", ông Nguyễn Quốc Anh cho hay.

Giá nhà ở đang chịu sự tác động của giá nguyên vật liệu

Theo đánh giá của các chuyên gia, giá chung cư đang được dự báo sẽ tăng mạnh khi giá nguyên vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, cát… đang “leo thang”. “Chi phí xây dựng (vật liệu, nhân công, lắp đặt thiết bị,...) thường chiếm khoảng 60% giá thành xây dựng của bất động sản. Trong chi phí xây dựng thì chi phí vật liệu lại chiếm khoảng 60%. Do đó, khi giá vật liệu xây dựng tăng thì giá bất động sản đương nhiên sẽ tăng theo.

Chẳng hạn như giá thép xây dựng đã tăng từ 30%- 40% từ cuối năm 2020. Một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến giá căn hộ, đó là sự khan hiếm nguồn cung. Đặc biệt, nguồn cung nhà giá rẻ đang co hẹp khi doanh nghiệp không mặn mà với dòng sản phẩm này, chưa kể ảnh hưởng của Covid-19 làm gián đoạn thời gian căn hộ được đưa ra thị trường.

Cùng với đó, tình trạng sốt đất kéo dài ở một số địa phương, giá đất không ngừng thiết lập mặt bằng mới. Điều này kéo theo chi phí đất gia tăng trong quá trình mua bán các dự án hoặc đấu giá đất. Đây cũng là nguyên nhân góp phần đẩy giá nhà tăng cao”, ông Nguyễn Đức Cây, Tổng giám đốc Contrexim HOD nhận định.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo chiêu trò 'thổi' giá bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới