Hà Nội cảnh báo rủi ro khi 'khai khống' giá chuyển nhượng bất động sản
Cục Thuế TP.Hà Nội vừa cảnh báo các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân về tình trạng kê khai sai giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, tờ khai thuế là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo Cục Thuế Hà Nội, bất động sản đất đai, nhà cửa là tài sản lớn, gắn liền với đời sống của gia đình, cá nhân. Pháp luật quy định đây là tài sản phải đăng ký sở hữu và quyền sử dụng đất. Vì vậy, khi mua bán chuyển nhượng bất động sản, việc thiết lập hồ sơ cẩn thận, chính xác, đầy đủ rất quan trọng. Hồ sơ chuyển nhượng và đăng ký là cơ sở pháp lý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người sử dụng, sở hữu và các giao dịch dân sự nếu có.
Thời gian qua, vì nhiều nguyên nhân khác nhau có những trường hợp khai không đúng giá giao dịch mua bán bất động sản đất đai, nhà, trong đó có cả các trường hợp do tư vấn trái pháp luật. Hậu quả có thể ảnh hưởng lâu dài tới tất cả bên mua - bán và liên quan.
Việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản không phù hợp trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng hay trên các tờ khai xác định nghĩa vụ thuế giảm số thuế phải nộp là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Khi phát sinh khiếu nại, kiện cáo, tố cáo và các tình huống pháp lý khác. Việc xác định, khai báo sai giá trị tài sản nhằm giảm tiền thuế phải nộp có thể gây nên những phiền hà, thiệt hại nếu cơ quan thuế, cơ quan bảo vệ pháp luật xác minh khi nghi ngờ có sự khai gian nhằm trốn thuế.
Vì vậy, Cục thuế Hà Nội khuyến nghị các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khi phát sinh các giao dịch mua, bán, chuyển nhượng bất động sản cần thực hiện các thủ tục cẩn thận, chính xác, đúng quy định, trung thực về việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cũng như khi kê khai các nghĩa vụ thuế phát sinh để bảo vệ chính quyền lợi của người mua và người bán bất động sản.
Trường hợp người dân đã kê khai giá mua bán, chuyển nhượng bất động sản thấp hơn thực tế phát sinh, vì lý do nào đó không điều chỉnh được trên hợp đồng mua bán đã công chứng, người dân có thể chủ động liên hệ với cơ quan thuế trên địa bàn nơi phát sinh hoạt động mua, bán, chuyển nhượng để kê khai điều chỉnh bổ sung nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ nhằm tránh những phiền hà về thuế có thể phát sinh khi cơ quan thuế và cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện xác minh điều tra.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) khẳng định, việc kê khai giá bán nhà thấp hơn giá trị thực là hành vi vi phạm pháp luật về thuế của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp kê giá bán trong hợp đồng thấp hơn giá thực tế sẽ làm cho mức thu của Nhà nước bị giảm xuống. Khách hàng chấp nhận dù biết phạm luật, một phần do cơ chế hiện nay chưa thực sự chặt chẽ.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Sơn (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, hành vi của các doanh nghiệp, cá nhân khi ký hợp đồng mua bán nhà đất giá thấp hơn giá thực tế và thu giá chênh không hoá đơn là hành vi trốn thuế, vi phạm pháp luật của chủ đầu tư. Các cá nhân tham gia đều liên đới chịu trách nhiệm về tội trốn thuế, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả, tội không tố giác tội phạm...
Kiểm soát được thu nhập sẽ hạn chế lách thuế
Theo PGS.TS Dương Anh Sơn, Trưởng khoa Luật kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật cho rằng, quan trọng nhất trong việc hạn chế trốn thuế chuyển nhượng bất động sản là làm sao để người dân tự nguyện thực hiện và giám sát lẫn nhau. Để làm được điều đó thì thuế thu nhập phải đánh trên thu nhập thực tế, không nên đánh trên doanh thu cào bằng như hiện nay.
Khi tính thuế trên thu nhập thì người dân phải tự chứng minh, tự khai thuế và tự chịu trách nhiệm khi kê khai. Khi đó, bên bán muốn ký hợp đồng giảm giá để “nhẹ” thuế thì bên mua sẽ không chấp nhận, vì bên mua muốn ký đúng giá để chứng minh “giá vốn” cho mình, nhằm mục đích sau này sẽ chứng minh giá được trừ khi tính thuế sang nhượng lại. Như vậy, các bên sẽ tự ý thức kiểm soát thu nhập của mình, điều đó cũng có nghĩa Nhà nước sẽ kiểm soát được thu nhập người dân. Ngoài ra, nếu bên bán đề nghị ký hợp đồng với giá thấp, bên mua còn phải cân nhắc cả về rủi ro sẽ có nguy cơ phạm tội trốn thuế.
Bên cạnh đó, muốn ngăn ngừa trốn thuế trong lĩnh vực bất động sản nói chung thì Nhà nước phải kiểm soát được tài sản của cá nhân, tổ chức và như vậy đòi hỏi phải có luật thuế tài sản. Hiện nay, Nhà nước quản lý dựa trên khung giá đất mà khung giá đất thì theo tôi là thiếu cơ sở khoa học. Việc khung giá đất thường xuyên thay đổi, thậm chí rất khác xa so với thị trường, càng khiến thị trường thiếu tính ổn định.
Thậm chí nhiều người đặt vấn đề, tại sao trong cơ chế thị trường mà Nhà nước lại ban hành khung giá đất, khung giá đất đó để làm gì? Việc của thị trường nên để thị trường điều tiết, Nhà nước phải ban hành khung pháp lý để người dân tự kiểm soát thu nhập của mình, hiểu rõ rủi ro, khi đó pháp luật sẽ được người dân tuân thủ một cách tự nguyện.
Hà Lan