Thứ sáu, 22/11/2024 21:01 (GMT+7)
Thứ hai, 21/09/2020 06:15 (GMT+7)

Các “ông lớn” cam kết gì trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu?

Theo dõi KTMT trên

Microsoft, Nike, Unilever, Apple và nhiều công ty đã tham gia nhóm chống biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu.

Theo Neowin, Microsoft, Nike, Unilever, Danone, Mercedes-Benz, Moller-Maersk, Wipro và Natura đã thành lập một nhóm hợp tác để giảm thiểu mối đe dọa từ sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Nhóm này được đặt tên là "Transform to Net Zero" - tiêu chí của nhóm là tập trung vào việc chia sẻ tài nguyên và chiến thuật để cắt giảm lượng khí thải carbon.

Bên cạnh đó, nhóm này đang hướng tới hợp tác với Quỹ Bảo vệ Môi trường để khuyến khích sử dụng công nghệ giảm carbon, phối hợp với chính sách công về lĩnh vực này tại nhiều quốc gia. "Transform to Net Zero" đang có kế hoạch tuyển thêm nhiều thành viên nữa.

"Transform to Net Zero" xuất hiện vào thời điểm mà mối quan tâm về biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu tăng lên đáng kể trong vài năm trở lại đây. Do vậy, nhiều "đại gia" công nghệ nổi tiếng và các tập đoàn đa quốc gia đã cam kết giảm lượng khí thải carbon của họ.

Microsoft nỗ lực xóa bỏ dấu chân carbon vào năm 2030

Vào đầu năm nay, hãng Microsoft đã tuyên bố rằng họ đã và đang thực hiện các kế hoạch để trở thành một công ty đầu tiên xóa bỏ dấu chân carbon vào năm 2030.

Microsoft đang thực hiện các cam kết tiếp theo để chống biến đổi khí hậu, với việc Chủ tịch Microsoft Brad Smith tuyên bố mới đây rằng, tất cả các hoạt động, sản phẩm và bao bì trực tiếp của gã khổng lồ công nghệ sẽ không thải ra môi trường vào năm 2030.

Các “ông lớn” cam kết gì trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu? - Ảnh 1
Microsoft nỗ lực trong cuộc chống biến đổi khí hậu. (Ảnh: Internet)

Để làm được điều này, công ty sẽ giảm chất thải gần như bằng không và họ sẽ tái sử dụng hoặc tái chế chất thải từ các hoạt động và sản phẩm của mình. Mục tiêu đến năm 2030, sản xuất tất cả các thiết bị và bao bì cho thiết bị Surface bằng vật liệu có thể tái chế, giảm đến 90% chất thải có nguồn gốc từ các cơ sở và trung tâm dữ liệu của tập đoàn, cũng như giảm ít nhất 75% các chất thải từ việc xây dựng, phá hủy và từ bãi rác của họ.

Cam kết này đòi hỏi phải thực hiện một loạt các bước, bắt đầu bằng việc giới thiệu các trung tâm thông tin, sẽ được đặt bên cạnh các cơ sở và khu vực trung tâm dữ liệu. Khi ngừng hoạt động một máy chủ, các trung tâm này sẽ cho phép Microsoft xác định ngay lập tức bộ phận nào có thể được tái chế, tái sử dụng hoặc bán.

Microsoft đã thí điểm khái niệm này tại trung tâm thông tin Amsterdam, Hà Lan và cho biết họ đã giảm thời gian ngừng hoạt động của máy chủ, tăng tính sẵn sàng của các bộ phận mạng của công ty, các đối tác và cũng giảm chi phí vận chuyển các máy chủ mới đến những trung tâm này. Microsoft cho biết, các trung tâm này có thể tăng khả năng tái sử dụng các máy chủ và linh kiện của mình lên 90% vào năm 2025.

Microsoft cũng tuyên bố rằng họ sẽ loại bỏ nhựa sử dụng một lần ra khỏi bao bì của các sản phẩm kinh doanh chính được tiến hành giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, cũng như trong các trung tâm dữ liệu của mình vào năm 2025.

Các biện pháp khác bao gồm nỗ lực xây dựng dữ liệu tốt hơn về rác thải để có thể phân tích và hiểu rõ tác động của rác thải một cách dễ dàng hơn.

Apple đã cam kết "xanh hóa" vào năm 2030

Tất cả sản phẩm của Apple sẽ không ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu. Đó là cam kết của tập đoàn công nghệ Mỹ về lượng khí thải của mình với thế giới. Apple đang có kế hoạch đưa toàn bộ khí thải cacbon về 0% sớm hơn các mục tiêu của IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu).

"Những phát minh thân thiện môi trường không chỉ đem lại lợi ích cho hành tinh của chúng ta, mà chúng còn giúp cho những sản phẩm của Apple tiết kiệm năng lượng hơn và cung cấp nguồn năng lượng sạch cho toàn cầu. Những hành động vì môi trường có thể làm nên nền tảng của kỷ nguyên sáng tạo mới giúp gia tăng thêm các cơ hội việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững... Cùng với cam kết gắn liền với việc giảm lượng khí thải cacbon về 0, chúng tôi hy vọng sẽ là những người tạo tiền đề cho sự thay đổi tích cực tới môi trường" - CEO Apple Tim Cook chia sẻ.

Để làm điều này, Apple có kế hoạch giảm 75% lượng khí thải bằng cách phát triển các giải pháp đổi mới loại bỏ carbon, như các dự án phục hồi thảo nguyên ở Kenya hoặc đầu tư vào hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Colombia...

Các “ông lớn” cam kết gì trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu? - Ảnh 2
Apple cam kết tất cả sản phẩm của mình sẽ không ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu. (Ảnh: Internet)

Unilever đầu tư 1 tỉ Euro vào quỹ chống biến đổi khí hậu trong hơn 10 năm tới

Hồi giữa năm 2020, Unilever, công ty sản phẩm tiêu dùng Anh - Hà Lan sở hữu những thương hiệu quen thuộc như Dove và Knorr, cho biết họ đã và đang ứng phó với "quy mô và tính cấp bách" của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đang diễn ra. Quỹ này sẽ đầu tư vào các dự án bao gồm trồng rừng, bảo tồn nước và cô lập carbon trong mười năm tới.

Mục tiêu "không còn khí carbon" là một phần trong nỗ lực đã được thực hiện nhằm cắt giảm khí thải trong công ty cho đến năm 2030 - chẳng hạn như giảm tiêu thụ điện trong văn phòng.

Theo trang web của Unilever, tổng lượng khí nhà kính mà công ty thải ra là khoảng 60 triệu tấn carbon dioxide, tương đương năm 2019.

Marc Engel, Giám đốc của Unilever cho biết: "Hiện tại chúng tôi đang tiến hành nhiều hơn trong các cam kết của mình, đó như là một căn cứ để chúng tôi cam kết về giá trên toàn chuỗi cung ứng".

Unilever có doanh thu hàng năm 52 tỉ euro (khoảng 58,5 tỉ USD), cho biết họ sẽ ưu tiên hợp tác với các nhà cung cấp đã đặt mục tiêu giảm khí thải và đã thiết lập một hệ thống thông báo lượng khí thải carbon của hàng hóa và dịch vụ. Tất cả các bao bì từ năm 2039 sẽ hiển thị dấu carbon trên sản phẩm.

Các “ông lớn” cam kết gì trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu? - Ảnh 3

Ford Motor đặt mục tiêu trung hòa carbon trên toàn cầu trước năm 2050

Theo Báo cáo Phát triển Bền vững hàng năm lần thứ 21, tập đoàn Ford Motor đã tuyên bố mục tiêu của hãng - trung hòa carbon trên toàn cầu trước năm 2050. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đặt ra các mục tiêu ngắn hạn để giải quyết những vấn đề cấp bách về biến đổi khí hậu.

Trung hòa carbon là phương pháp cân bằng hoặc loại bỏ lượng khí carbon thải ra môi trường, sao cho tổng lượng khí thải carbon bằng 0. Để đạt được mục tiêu này, Ford sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực đang chiếm khoảng 95% lượng phát thải CO2 của hãng: phương tiện giao thông, chuỗi cung ứng và các nhà máy.

Đồng thời, tập đoàn Ford Motor cũng không ngừng đề ra 3 mục tiêu mới – dựa trên các cơ sở khoa học. Trong đó, Mục tiêu 1 kiểm soát khí thải trực tiếp từ các nguồn thuộc sở hữu hoặc trong tầm kiểm soát của Ford; Mục tiêu 2 giảm phát thải gián tiếp trong quá trình năng lượng như điện, hơi nước, hệ thống làm nóng, làm mát được tiêu thụ bởi công ty; và Mục tiêu 3 giảm phát thải từ các xe Ford đã được bán ra thị trường.

Cam kết có thành hiện thực?

Những tập đoàn đa quốc gia khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dầu mỏ hoặc nông sản trong những năm gần đây đã liên tục đưa ra lời hứa sẽ trung hòa carbon.

Nhưng, các nhà bảo vệ môi trường thường xuyên thể hiện sự nghi ngờ về các lời hứa của các công ty. Chẳng hạn như Amazon, đầu năm 2020, đã hứa sẽ đạt được tính trung hòa carbon vào năm 2040 và Jeff Bezos đã tạo ra “Quỹ cho trái đất” và tặng 10 tỉ USD vào quỹ này. Tuy nhiên, Amazon cũng đã xây dựng thành công một mạng lưới hậu cần vận tải đường bộ khổng lồ để bảo đảm việc giao hàng ngày càng nhanh chóng và mạng lưới này thải ra lượng khí thải nhà kính rất lớn.

“Khoảng cách giữa những gì chúng ta đang thực hiện để chống lại sự thay đổi khí hậu và những gì chúng ta cam kết ngày càng xa. Cũng như khoảng cách giữa các công ty chỉ nói về việc trung hòa carbon và những công ty khác thực sự thực hiện nó” - Fred Krupp, Chủ tịch Quỹ Bảo vệ môi trường của Mỹ, phát biểu hôm 21/7.

Xu hướng Trái đất nóng dần lên chủ yếu do khí nhà kính làm biến đổi khí hậu. Nhưng không chỉ có nhiệt độ gia tăng, nhân loại đang và sẽ còn gánh chịu hàng loạt thảm họa khác, bao gồm băng tan nhanh ở Greenland và Nam Cực, cháy rừng không thể kiểm soát từ Úc đến California (Mỹ), những đợt sóng nhiệt và siêu bão dữ dội hơn bao giờ hết...

Các “ông lớn” cam kết gì trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu? - Ảnh 4
Những đám cháy rừng ở California bùng phát từ đầu tháng 8 đến nay vẫn chưa được kiểm soát.

Mùa hè năm 2020, thế giới đã trải qua tháng 5 nóng nhất trong lịch sử. Ở nơi có nhiều băng giá của Trái đất như Siberia, nhiệt độ tăng vọt 10°C so với mức trung bình tháng trước.

Trên toàn cầu, nhiệt độ trung bình trong 12 tháng đến tháng 5/2020 là gần 1,3°C so với mức trước công nghiệp, mức chuẩn mà theo đó sự nóng lên toàn cầu thường được đo.

Trước đó, năm 2019 là năm nóng thứ hai từ trước đến nay, vượt qua thập kỷ nóng nhất thế giới trong lịch sử được ghi nhận.

Sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra chưa hề có dấu hiệu suy giảm. Năm 2015, các quốc gia đã ký Thỏa thuận chung Paris về hạn chế khí thải, nỗ lực ngăn chặn nhiệt độ tăng quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp nhưng mục tiêu đó đến nay vẫn còn là một điều xa vời.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Các “ông lớn” cam kết gì trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới