Thứ bảy, 23/11/2024 02:46 (GMT+7)
Thứ năm, 17/09/2020 16:16 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu không dừng lại bất chấp dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Dịch Covid-19 đã và đang khiến nhiều khía cạnh trong cuộc sống bị gián đoạn vào năm 2020, nhưng biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục không suy giảm.

Để đối phó với sự lây lan của dịch bệnh, các quốc gia trên thế giới đã thực hiện lệnh giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới, nhà máy, phương tiện giao thông “ngủ đông”, các hãng hàng không ngừng hoạt động, hàng tỉ người hạn chế ra đường…

Những điều khó tưởng tượng này diễn ra khi “cơn bão” dịch Covid-19 càn quét toàn cầu, được cho sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải làm nhiệt độ Trái Đất nóng lên, nhờ đó giảm ô nhiễm môi trường và làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu.

Thế nhưng, thực tế không phải vậy. Theo một báo cáo đa cơ quan từ các tổ chức khoa học hàng đầu - United in Science 2020 công bố mới đây cho thấy, những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng và không thể đảo ngược, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sông băng, đại dương, thiên nhiên, nền kinh tế và điều kiện sống của con người.

Sự nguy hiểm thường được cảm nhận qua nước - các mối nguy hiểm liên quan như hạn hán hoặc lũ lụt. Bản báo cáo cũng cảnh báo cách Covid-19 cản trở khả năng giám sát những thay đổi của tự nhiên thông qua hệ thống quan sát toàn cầu.

Báo cáo khoa học United in Science 2020 số thứ 2 được thực hiện bởi Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), với tư liệu đầu vào từ Dự án Carbon Toàn cầu, Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ của UNESCO, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc và Văn phòng UK MET.

Báo cáo trình bày những dữ liệu khoa học mới nhất và những phát hiện liên quan đến biến đổi khí hậu nhằm cung cấp thông tin cho các nhà chính sách và các kế hoạch hành động toàn cầu.

Tổng thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas cho biết: “Nồng độ khí nhà kính - vốn đã ở mức cao nhất trong 3 triệu năm - tiếp tục tăng. Trong khi đó, những vùng đất rộng lớn ở Siberia đã chứng kiến một đợt nắng nóng kéo dài đột biến trong nửa đầu năm 2020, điều rất khó xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu do con người gây ra. Khoảng thời gian 2016-2020 được ghi nhận là khoảng thời gian 5 năm ấm nhất từ trước đến nay. Báo cáo này cho thấy mặc dù nhiều khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta đã bị gián đoạn vào năm 2020, nhưng biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục không suy giảm”.

Biến đổi khí hậu không dừng lại bất chấp dịch Covid-19 - Ảnh 1
Không khí tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới trong lành hơn nhờ lệnh giãn cách xã hội. (Ảnh: Internet)

WMO ước tính lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm nay sẽ giảm 6% vì hoạt động giao thông và sản xuất năng lượng công nghiệp giảm. Đây sẽ là mức giảm mạnh nhất hằng năm kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai.

WMO cho rằng dịch Covid-19 có tác động rất ít đến biến đổi khí hậu. Khi đại dịch qua đi và người dân thế giới bắt đầu trở lại “guồng quay” công việc, khí thải CO2 trong bầu khí quyển sẽ tăng trở lại, có thể bằng, thậm chí hơn mức khí thải trước giai đoạn dịch bệnh này.

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không nên đánh giá quá cao tình trạng khí thải giảm trong một vài tháng vừa qua bởi chúng ta không thể chống lại sự biến đổi khí hậu bằng loại virus này”.

Trong một cuộc họp báo hôm 9/9, ông António Guterres cũng lưu ý rằng: Như báo cáo này chỉ ra, việc ngừng hoạt động trong thời gian ngắn không thể thay thế hành động khí hậu bền vững mà chúng ta cần để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu.

“Hậu quả của việc chúng ta không thể đối phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu ở khắp mọi nơi: những đợt nắng nóng kỷ lục, cháy rừng tàn phá, lũ lụt và hạn hán” – ông nói thêm. "Và những thách thức này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn".

Biến đổi khí hậu không dừng lại bất chấp dịch Covid-19 - Ảnh 2
Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân gây cháy rừng tại nhiều bang của nước Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Theo người đứng đầu Liên Hợp quốc, không có thời gian để lãng phí nếu chúng ta muốn làm chậm xu hướng và hạn chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C. Ông nêu rõ: “Hành động vì khí hậu là cách duy nhất để bảo đảm một hành tinh có thể sống được cho thế hệ này và các thế hệ tương lai. Cho dù chúng ta đang đối phó với đại dịch hay khủng hoảng khí hậu, rõ ràng là chúng ta cần khoa học, đoàn kết và có các giải pháp mang tính quyết định".

Tổng thư ký Liên Hợp quốc cũng đã kêu gọi tăng cường các nỗ lực để vực dậy nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19, từ đó xây dựng một thế giới tốt đẹp và bền vững hơn.

Tổng thư ký António Guterres kêu gọi 6 hành động liên quan đến khí hậu để định hình quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên Hợp quốc, trước tiên, khi chúng ta chi một khoản tiền khổng lồ để phục hồi sau đại dịch, chúng ta “cần tạo ra việc làm mới và các doanh nghiệp mới thông qua quá trình chuyển đổi xanh và sạch”.

“Thứ hai, khi tiền của người đóng thuế được sử dụng để cứu các doanh nghiệp, nó phải được liên kết với việc tạo ra việc làm xanh và duy trì tăng trưởng” – ông nói thêm. “Thứ ba, sức mạnh tài khóa phải dẫn đến sự chuyển dịch từ nền kinh tế xám sang nền kinh tế xanh và làm cho xã hội và các cá nhân trở nên linh hoạt hơn”.

Thứ tư, người đứng đầu Liên Hợp quốc cũng cho rằng công quỹ nên được sử dụng để đầu tư cho tương lai chứ không phải quá khứ và hướng tới các lĩnh vực và dự án bền vững đóng góp cho môi trường và khí hậu. Ông nói: “Trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch phải chấm dứt, những người gây ô nhiễm phải trả tiền cho sự ô nhiễm của họ và không có nhà máy nhiệt điện than mới nào được xây dựng”.

“Thứ năm, các rủi ro và cơ hội về khí hậu cần được tích hợp vào hệ thống tài chính, cũng như tất cả các khía cạnh của chính sách công và phát triển cơ sở hạ tầng. Và, cuối cùng, chúng ta phải làm việc cùng nhau trong một cộng đồng quốc tế” – ông kết luận.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu không dừng lại bất chấp dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới