Cá nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu
Báo cáo của tổ chức World Wide Fund (WWF) liệt kê ô nhiễm, đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu là những mối nguy hiểm lớn nhất đối với các quần thể cá nước ngọt trên thế giới.
Theo đánh giá mới nhất, các loài cá nước ngọt đang bị đe dọa, với khoảng 1/3 số lượng trên toàn cầu có nguy cơ tuyệt chủng.
Các quần thể cá nước ngọt di cư đã giảm mạnh 76% kể từ năm 1970, và những con cá lớn (nặng hơn 30kg) đã bị xóa sổ ở hầu hết các con sông. Số lượng cá lớn đã giảm 94%, đặc biệt có tới 16 loài cá nước ngọt đã bị tuyên bố tuyệt chủng vào năm ngoái.
Báo cáo mang tên The World’s Forgotten Fishes (Những loài cá bị lãng quên), cho biết số lượng các quần thể cá nước ngọt trên toàn cầu đang rơi tự do.
Các nguyên nhân rất đa dạng, bao gồm ô nhiễm, đánh bắt quá mức, sự du nhập của các loài ngoại lai xâm lấn, biến đổi khí hậu và phá vỡ hệ sinh thái sông. Hầu hết các con sông trên thế giới hiện đều bị khai thác để lấy nước làm nông nghiệp hoặc dòng chảy tự nhiên của chúng bị gián đoạn, gây khó khăn cho cuộc sống của cá nước ngọt.
"Sông, hồ và đất ngập nước là một trong những nơi đa dạng sinh học nhất trên Trái đất. Dù chiếm ít hơn 1% tổng bề mặt hành tinh, nhưng đây là nhà của gần 1/4 tất cả các loài động vật có xương sống - bao gồm hơn một nửa số loài cá trên thế giới".
Báo cáo cho biết 80 loài cá đã được tuyên bố là tuyệt chủng. WWF cũng chỉ ra rằng "ít nhất 200 triệu người dân trên toàn cầu" phụ thuộc vào cá là nguồn cung cấp protein động vật và khoáng chất thiết yếu chính của họ.
Trên hết, "việc làm trong ngành thủy sản nước ngọt chiếm từ 2,5-6% lực lượng lao động nông nghiệp toàn cầu".
Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) về các loài bị đe dọa đã đánh giá 10.336 loại cá và phát hiện ra rằng 30% số loài "có nguy cơ bị tuyệt chủng". Sách Đỏ cũng báo cáo rằng tình trạng đa dạng sinh học đang suy giảm, "với hơn 35.500 loài bị đe dọa tuyệt chủng, bao gồm 40% loài lưỡng cư, 34% loài cây lá kim, 33% rạn san hô xây dựng, 26% động vật có vú và 14% chim".
Bắc Hiệp