Thứ bảy, 23/11/2024 03:37 (GMT+7)
Thứ hai, 01/02/2021 14:32 (GMT+7)

Danh sách động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng dày thêm

Theo dõi KTMT trên

Danh sách ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng dày thêm, hiện đã lên đến gần 1.000 loài. Với tốc độ săn bẫy để phục vụ cho các nhà hàng sang trọng như hiện nay thì dù hàng trăm khu bảo tồn hoạt động hết công suất cũng không bao giờ đuổi kịp.

Có đến 70% bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang con người hiện nay có nguồn gốc từ động vật hoang dã (ĐVHD). Đây là thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại Việt Nam, tình hình buôn bán trái phép các loài động thực vật hoang dã trong những năm gần đây vẫn diễn ra khá sôi động và phức tạp. Từ năm 2016 đến 2019, Việt Nam đã bắt giữ trên 25 tấn ngà voi, 30 tấn vảy tê tê và 400 kg sừng tê giác. Đến nay đã có nhiều “luồng” buôn lậu các mẫu vật có nguồn gốc từ châu Phi đã bị bắt giữ tại Việt Nam.

Scott Roberton (Giám đốc Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD (WCS) - Văn phòng Hà Nội) đã từng làm luận án tiến sĩ về đề tài bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam đưa ra con số ước tính đáng giật mình: Mỗi năm tại hơn 2.700 nhà hàng trong cả nước có tới 15.100 tấn thịt ĐVHD được tiêu thụ. Việc săn bắt và buôn bán ĐVHD đang trong tình trạng báo động. Điều tra của WCS tại 200 nhà hàng ở khu vực miền Trung cho thấy, hươu, nai, lợn rừng được "đánh chén" nhiều nhất, chiếm tới 70% số thịt ĐVHD được tiêu thụ, tiếp đó là rùa, rắn, cầy, chồn và nhím.

Danh sách động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng dày thêm - Ảnh 1
Từ năm 2016 đến 2019, Việt Nam đã bắt giữ trên 25 tấn ngà voi. (Ảnh minh họa: Internet)

Tình trạng săn bắt, vận chuyển trái phép ĐVHD, tiêu bản ĐVHD quý hiếm qua biên giới cũng đang cực kỳ báo động. Có đến 95% ĐVHD được buôn bán trái phép từ nước ta sang Trung Quốc qua cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn. Gần đây, số lượng các vụ tịch thu tàu vận chuyển ĐVHD qua cửa khẩu Móng Cái rất lớn, chứng tỏ đây là tuyến đường thuận lợi để đưa ĐVHD trái phép qua biên giới. Riêng tại Quảng Ninh, trong hai năm 2008-2009, Phòng Cảnh sát môi trường đã bắt được 57 vụ buôn bán ĐVHD, thu giữ hơn 7.612 cá thể và hơn 8 tấn ĐVHD, chủ yếu là tê tê, rùa, báo lửa, ngà voi, chồn... Các đối tượng bị bắt tại Quảng Ninh đến từ nhiều địa phương trong cả nước.

GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam lo ngại: "Danh sách ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng dày thêm, hiện đã lên đến gần 1.000 loài. Với tốc độ săn bẫy để phục vụ cho các nhà hàng sang trọng như hiện nay thì dù hàng trăm khu bảo tồn hoạt động hết công suất cũng không bao giờ đuổi kịp tốc độ tiêu xài thịt thú rừng trên bàn tiệc của các đại gia”.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Việt Nam từng bị một số tổ chức quốc tế nhìn nhận là một “điểm trung chuyển” trong chuỗi buôn bán ĐVHD, nhất là đối với các loài hổ, gấu, tê giác.

Tuy nhiên với nỗ lực từ việc hoàn thiện thể chế, chính sách đến thực hiện đồng bộ các giải pháp của Việt Nam, việc ngăn chặn đường dây buôn bán xuyên quốc gia ĐVHD bất hợp pháp đã phát huy hiệu quả. Việt Nam đã từng bước ngăn chặn từ xa hoặc cắt đứt tại chỗ các luồng buôn bán bất hợp pháp, tạo được chuyển biến rõ nét, giảm cả về số lượng và quy mô của các điểm nóng.

Tạo sự chuyển biến này không phải là câu chuyện một sớm một chiều bởi theo nhìn nhận của lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) về phương diện quốc tế, các nước tiêu thụ, trung chuyển và quốc gia có nguồn cung chưa thực sự hợp tác chặt chẽ và kịp thời, trong khi thủ đoạn của tội phạm ĐVHD ngày một tinh vi. Hiện còn thiếu các cơ chế tương trợ tư pháp giữa các nước. Hệ thống pháp luật của các quốc gia về ĐVHD cũng khác nhau, nên có ứng xử khác nhau đối với cùng tình huống.

Danh sách động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng dày thêm - Ảnh 2
Cần thiết Việt Nam nên có một luật riêng về bảo vệ động vật quý hiếm. (Ảnh minh họa: Internet)

Để quản lý ĐVHD nói chung, trong đó có hoạt động nuôi ĐVHD nói riêng, Nhà nước đã quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Chăn nuôi 2018, Luật Thủy sản năm 2017 và được cụ thể hoá tại các Nghị định như: Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản

Kèm theo đó là các chế tài xử lý vi phạm từ hành chính đến hình sự đối với các hoạt động săn, bắt, tàng trữ, vận chuyển, nuôi nhốt ĐVHD gồm: Nghị định số 35/2019/NĐ-CP, ngày 25/04/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Thuỷ sản; Nghị định 155/2016/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13, sửa đổi 2017 gồm các Điều 234 "Tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD " và Điều 244 "Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm". Theo đó, tội phạm trong lĩnh vực ĐVHD được pháp luật xem là loại hình tội phạm nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng.

Việt Nam cũng đã tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Mục tiêu của công ước là kiểm soát buôn bán quốc tế các mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp được bền vững. CITES không cấm buôn bán, nuôi sinh sản, sinh trưởng ĐVHD vì mục đích thương mại, tuy nhiên, có một số loài bị cấm nuôi, trong đó có hổ. CITES quy định khá đầy đủ trình tự, thủ tục, điều kiện để nuôi các loài ĐVHD có tên trong Phụ lục CITES. Một trong các điều kiện tiên quyết và xuyên xuốt đó là "Việc nuôi ĐVHD không được làm ảnh hưởng đến sự sinh tồn của loài trong tự nhiên".

Ngày 14/2/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 679 về tăng cường quản lý ĐVHD và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép.

Mới đây, ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD, trong đó yêu cầu dừng nhập khẩu ĐVHD cho đến khi có chỉ đạo mới và kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán ĐVHD trái pháp luật.

Giám đốc Văn phòng Dự án tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam Sarah Ferguson khẳng định: Việt Nam đã đạt được những thành tựu tiến bộ trong việc ban hành các công cụ pháp lý nhằm chấm dứt nạn buôn bán ĐVHD. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ ĐVHD nguy, cấp, quý hiếm.

Bà cũng nhấn mạnh, nếu tình trạng săn bắn, tiêu thụ ĐVHD diễn ra dưới mọi hình thức thì việc suy thoái môi trường sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến môi trường sống của con người. Vì vậy, Việt Nam cần có thêm những giải pháp hữu hiệu để bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và biện pháp xử lý vi phạm mạnh hơn. Cần thiết Việt Nam nên có một luật riêng về bảo vệ động vật quý hiếm.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Danh sách động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng dày thêm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới