Thứ năm, 28/03/2024 15:43 (GMT+7)
Chủ nhật, 29/11/2020 09:55 (GMT+7)

Bảo vệ động vật hoang dã để góp phần bảo tồn đa dạng sinh học

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam là một trong những nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều hệ sinh thái tự nhiên khác nhau, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tài nguyên đa dạng sinh học của nước ta đang tiếp tục trên đà suy giảm do các áp lực từ biến đổi khí hậu và hoạt động của con người như chia cắt, thu hẹp các sinh cảnh, phá rừng, ô nhiễm môi trường…

Do đó, việc tăng cường bảo tồn các loài hoang dã hiện nay được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dũng – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm nỗ lực bảo tồn các loài hoang dã và đa dạng sinh học, Chính phủ Việt Nam đã tích cực tham gia hợp tác quốc tế về bảo tồn các loài hoang dã và đa dạng sinh học. Theo đó, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế về bảo tồn loài và đa dạng sinh học như: Công ước Đa dạng sinh học; Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp…

Bảo vệ động vật hoang dã để góp phần bảo tồn đa dạng sinh học - Ảnh 1
Nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm tại Vinpearl Safari. (Ảnh: VNE)

Việt Nam cũng tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường chỉ đạo, điều hành quản lý, bảo tồn loài hoang dã. Trong đó, Luật đa dạng sinh học là văn bản pháp lý điều chỉnh toàn diện nhất về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài hoang dã, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. Cùng với khung pháp luật, thể chế quản lý, bảo vệ và phát triển các loài sinh vật cũng dần được hoàn thiện với việc phân công, phân cấp rõ ràng.

Song song với việc xây dựng và ban hành các quy định, chính sách pháp luật, các cơ quan quản lý, thực thi pháp luật và các tổ chức bảo tồn cũng nỗ lực thực thi pháp luật về bảo tồn các loài hoang dã. Theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao năm 2018, từ năm 2015-2017, Tòa đã thụ lý 231 vụ vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã với 339 bị cáo, đã có 37 bị cáo bị phạt tù dưới 3 năm và 3 bị cáo bị phạt tù từ 3-7 năm.

Hiện cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500 ha, gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan (tăng 7 khu bảo tồn so với năm 2015, diện tích tăng thêm gần 73.260 ha). Nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và khu vực đã được công nhận các danh hiệu quốc tế. Trong số đó có 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích hơn 4,2 triệu ha; 2 khu di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 9 khu Ramsar hơn 120.000 ha; 10 khu bảo tồn biển đã được thành lập với gần 188.000 ha.

Trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng hồ sơ đề cử và được Ban Thư ký ASEAN công nhận thêm 4 Vườn di sản ASEAN, nâng tổng số vườn di sản ASEAN của Việt Nam thành 10 khu; hoàn thành việc thiết lập mới 3 hành lang đa dạng sinh học; trong đó có 2 Khu Bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy (Thái Bình) và Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) vừa mới được công nhận. Về bảo tồn loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm, từ nhiều năm nay, các loài hoang dã nguy cấp cũng đã được đánh giá và đưa vào “Sách đỏ” để bảo tồn thông qua việc lập các danh mục với mức độ nguy cấp và ưu tiên bảo vệ để quy định chế độ quản lý tương ứng.

Nhiều chương trình bảo tồn loài đã được phê duyệt và triển khai (chương trình bảo tồn hổ; voi, linh trưởng, rùa nguy cấp...). Nhờ đó, việc bảo vệ các loài hoang dã trong những năm qua đã được chú trọng đẩy mạnh, góp phần ngăn chặn việc buôn bán, tiêu thụ các loài nguy cấp, vừa góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới.

Về bảo tồn nguồn gen, quản lý việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thông qua Chương trình quỹ gen đã tiến hành bảo tồn nguồn gen quý trên phạm vi cả nước, đặc biệt nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản và dược liệu, đến nay, trên toàn quốc đã có trên 30 tỉnh đưa các loại hình nhiệm vụ quỹ gen vào thực hiện hàng năm.

Hiện số lượng các nguồn gen quý hiếm được lưu giữ, bảo tồn tiếp tục gia tăng với 45.974 nguồn gen cây trồng nông nghiệp, 3.727 nguồn gen cây dược liệu, 887 giống vật nuôi, 207 giống thủy sản và 21.393 chủng vi sinh vật được lưu giữ…

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ động vật hoang dã để góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.
Cùng VPBank khám phá lễ hội ẩm thực Pháp Balade en France
Từ ngày 5 đến 7/4/2024, lễ hội ẩm thực Pháp Balade en France với quy mô lớn nhất từ trước đến nay sẽ diễn ra tại công viên Thống Nhất. Lễ hội với quy mô tăng gấp rưỡi so với năm ngoái, nhằm quảng bá ẩm thực Pháp và Thế vận hội Mùa hè Paris 2024.