Thứ sáu, 22/11/2024 23:32 (GMT+7)
Thứ sáu, 24/07/2020 08:00 (GMT+7)

Cà Mau phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng ở ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm năng lượng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng kho, cảng, đường ống dẫn khí và hệ thống FSRU...

Cà Mau phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng ở ĐBSCL - Ảnh 1
Một góc thành phố Cà Mau. (Nguồn: TTXVN)

Tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm năng lượng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng kho, cảng, đường ống dẫn khí và hệ thống FSRU; hoàn thiện kết cấu hạ tầng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu giải phóng công suất các dự án nguồn năng lượng.

Đến năm 2045, Cà Mau hoàn thiện hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực được nâng cao, kinh tế công nghiệp năng lượng phát triển bền vững, thật sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Cà Mau cung cấp nguồn năng lượng điện cho khu vực với tổng công suất các dự án nguồn tăng thêm khoảng 4.000MW; trong đó phấn đấu các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 1.000MW vào năm 2030 và tăng thêm khoảng 5.000MW vào năm 2045.

Hệ thống trạm, kho nổi chứa khí và đường ống tái hóa khí nhập khẩu (hệ thống FSRU) đồng bộ đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đạt khoảng 7 triệu m3/năm vào năm 2030, và đạt khoảng 10 triệu m3/năm vào năm 2045.

Tỉnh thực hiện tốt các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm tổn thất điện năng đến mức thấp nhất, tỉ lệ tiết kiệm năng lượng đạt 7% vào năm 2030 và 14% vào năm 2045.

Tại Chương trình Hành động số 42 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau nêu rõ quan điểm trong công tác chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là thực hiện có hiệu quả nguồn năng lượng có thế mạnh của tỉnh như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phù hợp với quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau xác định rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, phải kể đến nhiệm vụ phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, đảm bảo tính hiệu quả, tin cậy, bền vững.

Cụ thể, đối với phát triển năng lượng khí, tỉnh quan tâm thu hút đầu tư các nhà máy điện khí và khí hóa lỏng, chủ động đáp ứng tốt nhu cầu điện, các sản phẩm xăng dầu trong tỉnh và các vùng lân cận; xây dựng các hệ thống FSRU đảm bảo cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu cho các nhà máy điện khí của tỉnh và khu vực.

Cà Mau đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án năng lượng tái tạo điện gió và điện năng lượng mặt trời đã được các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án. Tỉnh xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư nghiên cứu sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn để phát điện; nghiên cứu, đánh giá tiềm năng định hướng phát triển các dạng năng lượng tái tạo khác.

Để phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Cà Mau đề xuất Trung ương đưa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045 danh mục các dự án nguồn điện tiềm năng của tỉnh và hệ thống lưới truyền tải đồng bộ để giải phóng công suất lên lưới điện quốc gia, đảm bảo điều kiện thu hút phát triển nhanh và bền vững các dự án nguồn, lưới điện phù hợp với tiềm năng lợi thế của tỉnh.

Cùng với đó, Cà Mau khuyến khích phát triển các dự án điện gió, mặt trời tại tỉnh, ưu tiên các dự án phù hợp với quy hoạch, đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải; phát triển các dự án điện mặt trời áp mái và các dự án trên mặt nước, bãi bồi ven biển, kết hợp nuôi trồng thủy sản. Tỉnh quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế biển, du lịch của tỉnh.

Tỉnh Cà Mau chú trọng thu hút phát triển các dự án điện khí (LNG) và đầu tư hệ thống kho lưu trữ nhiên liệu khí nổi trên biển; đề xuất các dự án điện sinh khối đồng phát từ rơm rạ, phế phẩm rừng sản xuất và nguồn rác thải đô thị, chất thải rắn.

Song hành với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả, phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực, tỉnh Cà Mau quan tâm khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng, phát triển khoa học-công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng, thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính...

Đồng thời, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội trong phát triển ngành năng lượng.

Kim Há

Bạn đang đọc bài viết Cà Mau phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng ở ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới