Bộ TN&MT: Tăng cường phổ biến Điều ước quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh về việc Nhà nước và các Bộ ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các Điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu để các địa phương kịp thời nắm bắt và triển khai thực thi.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, trong những năm qua, Việt Nam đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện các Điều ước quốc tế; Bổ sung, hoàn thiện bộ máy, thẩm quyền, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng đáp ứng các nhiệm vụ quản lý, chủ trì thực hiện các Điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu và các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa. |
Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ chủ trì tổ chức đàm phán, ký kết, thực hiện Điều ước quốc tế và tham gia tổ chức quốc tế về biến đổi khí hậu đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên với các hoạt động chính như sau:
Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về Điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu như các diễn đàn đối thoại chính sách, hội nghị hội thảo về cơ chế phát triển sạch CDM, JCM; tập huấn sử dụng các phần mềm kiểm kê khí nhà kính; tăng cường năng lực thực hiện công ước khí hậu tại Việt Nam; các hội thảo 3 miền Bắc, Trung, Nam về Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; các hội thảo tham vấn xây dựng, rà soát cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC; các hội thảo chuẩn bị cho việc tham dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) và tóm tắt kết quả của COP; tổ chức Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone hàng năm.
Xây dựng các ấn phẩm về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozone như: Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Nghị định thư Kyoto; Thông báo quốc gia của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (lần thứ nhất, lần thứ hai và lần thứ ba); Nghị định thư Kyoto,Cơ chế phát triển sạch và v ận hội mới; Hỏi/đáp về Nghị định thư Kyoto và Cơ chế phát triển sạch; Giới thiệu Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung cua Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và tình hình thực hiện Cơ chế phát triển sạch tại Việt Nam; Hướng dẫn xây dựng, cấp Thư xác nhận, cấp Thư phê duyệt Dự án theo Cơ chế phát triển sạch trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto; Kịch bản đường cơ sở quốc gia phát thải khí nhà kính - Kinh nghiệm các nước đang phát triển trên thế giới.
Xây dựng Báo cáo cập nhật hai năm một lần của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (lần thứ nhất và lần thứ hai); Đề án Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới; Thông tin biến đổi khí hậu (2 số/năm); Sổ tay hướng dẫn thực hiện cơ chế JCM; Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu…
Ngoài ra, Bộ đã phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng các tin, bài, các phim phóng sự về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ozone.
Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua việc lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến trong các chương trình, dự án về biến đổi khí hậu, huy động sự tham gia của người dân, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Đồng thời, Bộ khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn cả nước, trong đó, chú trọng tại các vùng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu như vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân và phát triển bền vững.