Thứ sáu, 11/04/2025 02:28 (GMT+7)
Thứ sáu, 20/11/2020 15:54 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu khiến một số nơi ở ĐBSCL bị hạ thấp 1,5 - 2,5 cm/năm

Theo dõi KTMT trên

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ĐBSCL đang bị hạ thấp, nhất là vùng ven biển, tỉ lệ hạ thấp một số nơi từ 1,5 - 2,5cm/năm.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 1/5 GDP của cả nước trên diện tích chỉ 1/8 cả nước, cung cấp gần 60% sản lượng lúa và 40% lượng thuỷ sản. Nhưng theo các nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Thế giới, trong vòng 100 năm nữa, ĐBSCL sẽ thấp hơn mực nước biển một mét.

Nước biển dâng và triều cường sẽ là nguy cơ biến đổi khí hậu lớn nhất ở ĐBSCL. Nước biển dâng gây hiện tượng nhiễm mặn trên diện rộng. Triều cường làm ngập lụt đô thị là một thực tại mới mà mọi người đang dần chấp nhận. Các cơn bão xuất hiện thường xuyên hơn, với cường độ mạnh hơn sẽ là mối đe dọa mới với ĐBSCL.

Biến đổi khí hậu khiến một số nơi ở ĐBSCL bị hạ thấp 1,5 - 2,5 cm/năm - Ảnh 1
Nhiều nơi ở ĐBSCL bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Internet)

Ngày 20/11, Bộ KH&ĐT tổ chức Hội thảo tham vấn về “Định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại TP.Cần Thơ.

Theo báo Pháp luật TP.HCM, phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, vùng đồng ĐBSCL được xác định là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn quả của cả nước, góp phần quan trọng vào an toàn, an ninh lương thực quốc gia và đóng góp to lớn vào xuất khẩu nông sản, thủy sản.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, ĐBSCL càng có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đứng trước các thách thức như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, và các thảm họa thiên tai gây ra bởi thời tiết cực đoan làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt ở các đô thị, khu dân cư… ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống người dân và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội.

Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Trong đó Chính phủ giao cho Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Theo ông Phương, hiện nay, quy hoạch đã hình thành và đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, dự kiến báo cáo trình hội đồng thẩm định quy hoạch vùng trong tháng 12/2020 và trình Thủ tướng phê duyệt vào cuối tháng 12/2020.

Tại hội thảo, các nhà khoa học và lãnh đạo các tỉnh, thành đã được nghe trình bày những định hướng phát triển của vùng trong giai đoạn mới. Theo đó, mục tiêu nổi lên là bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường.

Biến đổi khí hậu khiến một số nơi ở ĐBSCL bị hạ thấp 1,5 - 2,5 cm/năm - Ảnh 2
Hạn mặn đến sớm và kéo dài hơn. (Ảnh: Internet)

ĐBSCL tập trung thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lấy chất lượng, thu nhập, lợi nhuận, ổn định làm những chỉ tiêu chính thay vì chạy theo số lượng. Về sản xuất lúa gạo, giữ ở mức cần thiết tối thiểu, tăng giá trị sản phẩm, tập trung vào vùng có lợi nhất những khu vực khác cho phép chuyển đổi, giảm và tiến tới bỏ lúa vụ 3. Xác định nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực mũi nhọn để tăng thu nhập đi đôi với đầu tư hạ tầng thuận lợi.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ĐBSCL đã và đang là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước. Song đang chịu nhiều tác động nghiêm trọng do phát triển ở thượng nguồn sông Mê Kông làm suy giảm phù sa, thay đổi quy luật dòng chảy; không còn lũ lớn, xâm nhập mặn vùng ven biển diễn ra sớm hơn 1 - 1,5 tháng và biến động khó lường. Đồng bằng đang bị hạ thấp, nhất là vùng ven biển, tỉ lệ hạ thấp một số nơi từ 1,5 - 2,5cm/năm.

Các nhà khoa học cho rằng, cần phát triển ĐBSCL theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên để giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong phát triển kinh tế, nhất là ngành nông nghiệp. Cần hoàn thiện các hệ thống thủy lợi ven biển, tăng cường hạ tầng chuyển nước ngọt cho các vùng khan hiếm ven biển có tiềm năng kinh tế. 

Lãnh đạo các địa phương như: An Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Cần Thơ… đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó lưu ý: Định hướng quy hoạch cần quan tâm đến phát triển kinh tế biển và ven biển, xây dựng và phát triển một vùng kinh tế biển phát triển năng động gắn với khai thác luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu. Cần định hướng ban hành chính sách liên kết vùng để tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lợi vốn là lợi thế của ĐBSCL trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu khiến một số nơi ở ĐBSCL bị hạ thấp 1,5 - 2,5 cm/năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nồm ẩm sắp tái diễn ở miền Bắc
Theo cơ quan khí tượng, đợt không khí lạnh hiện tại sẽ suy yếu từ khoảng ngày 9-10/3, sau đó tình trạng mưa nhỏ, mưa phùn, nồm ẩm ở miền Bắc xuất hiện trở lại.

Tin mới

Giá xăng giảm hơn 1.700 đồng/lít
Giá xăng, dầu giảm mạnh trong kỳ điều chỉnh hôm nay (10/4). Nguyên nhân do Mỹ công bố mức thuế cao đối với hàng hóa của nhiều đối tác thương mại, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng, xung đột quân sự giữa Nga với Ukraine vẫn tiếp diễn.
Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Làng Sen 2025
Hướng tới chào mừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), UBND tỉnh Nghệ An và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An tổ chức họp báo tổ chức Lễ hội Làng Sen năm 2025 và khánh thành tượng đài "Bác Hồ về thăm quê".
VPBank tung gói ưu đãi lãi suất cho chủ hộ kinh doanh
Nhằm tiếp sức nguồn vốn và tạo đà tăng trưởng bền vững cho hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chính thức triển khai chương trình ưu đãi lãi suất hấp dẫn bậc nhất thị trường, với gói vay kinh doanh thế chấp...