Biến đổi khí hậu có thể đe dọa an ninh lương thực của hàng tỉ người
Một nghiên cứu mới cho thấy các hình thái vành đai mưa nhiệt đới rất có thể sẽ thay đổi, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và an ninh lương thực của hàng tỉ người trên thế giới.
Hiện nay, vành đai mưa nhiệt đới mang nhiều mưa cho vùng xích đạo. Nhưng do khí quyển ở nhiều vùng khác nhau của Trái Đất đang ngày một nóng lên khiến cho vành đai này bị phá vỡ, đe dọa đa dạng sinh học và lấy đi nguồn nước sinh hoạt của nhiều người, kể cả nước tưới tiêu để trồng trọt.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích 27 mô hình khí hậu mới nhất và đi đến kết luận trên, nhưng toàn bộ tác động của khủng hoảng khí hậu đối với vành đai mưa nhiệt đới chỉ thực sự rõ ràng khi có những hậu quả ở từng bán cầu Đông và Tây.
Biến đổi khí hậu sẽ khiến cho vành đai mưa nhiệt đới dịch chuyển theo những hướng ngược lại ở hai khu vực kinh độ bao trùm hầu hết 2/3 hành tinh. Quá trình này sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp đối với nguồn nước và việc sản xuất lương thực trên toàn thế giới.
Khắp vùng Thái Bình Dương và Đại Tây Dương ở bán cầu Tây, sự biến đổi của vành đai mưa nhiệt đới dịch chuyển về phía Nam sẽ làm hạn hán trở nên trầm trọng hơn ở Trung Mỹ. Trong khi đó, một số nơi ở bán cầu Đông, trong đó có Đông Phi và Ấn Độ Dương, vành đai này sẽ dịch chuyển về phía Bắc, có nghĩa là hạn hán sẽ xảy ra nhiều hơn và kéo dài hơn ở các khu vực như Đông Nam châu Phi và Madagascar, đồng thời làm tăng nguy cơ và sự khốc liệt của lũ lụt ở Nam Ấn Độ.
Ở châu Á, biến đổi khí hậu làm cho sông băng ở Himalayas tan chảy, giảm lượng tuyết che phủ ở Bắc Á sẽ làm cho khí quyển ấm lên nhanh hơn nhiều ở các khu vực khác. Vành đai mưa biến đổi theo xu hướng ấm lên này và việc nó dịch chuyển về phía Bắc ở bán cầu Đông chắc chắn sẽ xảy ra cùng với các tác động của biến đổi khí hậu.
Sẽ chỉ đến cuối thế kỷ này thôi, những biến đổi rõ rệt đó sẽ xảy ra, càng làm cho việc kiểm soát phát thải khí nhà kính trở nên vô cùng cấp bách.
Hành tinh của chúng ta đang nóng dần lên, các sông băng đang tan chảy, mực nước biển đang tăng lên, các sự kiện thời tiết cực đoan như hạn hán, lốc xoáy và lũ lụt ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Ở quy mô toàn cầu, an ninh lương thực vẫn đang là thách thức lớn khi dân số toàn cầu vẫn tiếp tục gia tăng, dự báo sẽ tăng từ 7,2 tỉ người hiện nay lên 9,6 tỉ người vào năm 2050. Khi đó sản xuất có tăng lên những cũng chưa thể bắt kịp sức tiêu dùng của người dân, bởi để đáp ứng được nhu cầu lương thực vào thời điểm đó, sản lượng lương thực toàn cầu sẽ phải tăng thêm 70%.
Trong khi đó, cả thế giới đã có gần 1 tỉ người suy dinh dưỡng vì thiếu ăn, biến đổi khí hậu lại có thể làm sản lượng nông sản nhiều nơi trên thế giới tổn thất từ 50% đến 60%. Bởi thế, nếu không có hành động khẩn cấp, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, khiến số người bị đói và suy dinh dưỡng tăng vọt.
Việt Nam là một trong những nước đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong đó, nền nông nghiệp và an ninh lương thực, tài nguyên nước là những lĩnh vực, đối tượng dễ bị tổn thương. Biến đổi khí hậu tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại; ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng của gia súc, gia cầm, gia tăng dịch bệnh... Hậu quả là giảm sản lượng, giảm năng suất, ảnh hưởng đến thu nhập người nông dân, an ninh lương thực.
Theo nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), BÐKH làm giảm năng suất một số loại cây trồng chủ lực. Cụ thể, năng suất lúa vụ xuân sẽ giảm 0,41 tấn/ha vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050. Năng suất cây ngô có nguy cơ giảm 0,44 tấn/ha vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050…
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định là một trong những vùng chịu tác động mạnh mẽ nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu. Dự báo đến năm 2100, khu vực ĐBSCL có nguy cơ bị ngập 89.473 ha, tương ứng khu vực này sẽ mất khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm nếu nước biển dâng 100 cm. Thực tế cho thấy, nêu như trước đây, nhiều nơi chưa hề chịu ảnh hưởng thì nay nước mặn đã xâm nhập vào các nhánh sông, có địa phương nước mặn lấn sâu vào nội đồng làm nhiều diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại.
Trong mùa khô 2020, xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL đã ở mức độ nghiêm trọng, xấp xỉ lục xâm nhập mặn của năm 2016 - vốn được xem là “mùa mặn” lớn nhất trong lịch sử. Xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 đã khiến 5 tỉnh của ĐBSCL là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau phải ban bố khẩn cấp về tình trạng hạn mặn; gần 340.000 ha lúa, 136.000 ha cây ăn quả của 9 tỉnh ĐBSCL bị ảnh hưởng; gần 160.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Theo TS Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam - nông nghiệp là một trong những ngành dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp và các ngành liên quan về kinh tế có thể làm giảm 0,7-2,4% GDP của Việt Nam vào năm 2050. Tổng năng suất nông nghiệp có thể sẽ giảm 5,8 lần nếu không có hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và sẽ tăng thêm 5,4 lần nếu các bên liên quan trong nông nghiệp thực hiện các hành động chủ động hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhật Hạ