Thứ sáu, 26/04/2024 09:41 (GMT+7)
Thứ sáu, 15/01/2021 06:30 (GMT+7)

Bếp than tổ ong vẫn 'đỏ' trên nhiều tuyến phố Hà Nội

Theo dõi KTMT trên

Theo Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND TP.Hà Nội, từ đầu năm 2021, trên địa bàn thành phố sẽ xoá bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều nơi vẫn sử dụng loại bếp gây ô nhiễm môi trường này.

Vẫn xuất hiện trên nhiều tuyến phố

Ô nhiễm không khí trở thành nỗi lo lắng của người dân và chính quyền Thủ đô Hà Nội và tình trạng này đặc biệt căng thẳng khi đỉnh điểm là các chỉ số quan trắc không khí trong vài tháng vừa qua liên tục chạm hoặc vượt ngưỡng nguy hại. Chi cục Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) từng chỉ ra 12 nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố gồm khí thải từ ô tô xe máy; đun bếp than tổ ong, bếp củi; xây dựng, phá dỡ công trình chưa kiểm soát được nguồn bụi; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước; mùi hôi thối, ô nhiễm từ các khu chăn nuôi chưa đạt chuẩn; đốt rơm rạ ở các quận, huyện; quản lý chưa tốt trong thu gom rác thải; ô nhiễm ao hồ lâu năm, bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất của Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận; các nguồn phát thải khác từ con người…

Riêng bếp than tổ ong, năm 2019, theo số liệu thống kê của Sở TN&MT, TP.Hà Nội có khoảng 55.000 bếp than tổ ong, trung bình mỗi ngày toàn thành phố tiêu thụ hơn 528 tấn than, phát thải 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí… 

Để quyết tâm “khai tử” nguồn ô nhiễm này, TP.Hà Nội đã có Chỉ thị số 15, trong đó, yêu cầu đến năm 2021, trên toàn thành phố phải xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong. Sau thời gian thực hiện, đến nay, trên địa bàn TP.Hà Nội số lượng bếp than tổ ong đã giảm đáng kể, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Bếp than tổ ong vẫn 'đỏ' trên nhiều tuyến phố Hà Nội - Ảnh 1

Theo Sở TN&MT TP.Hà Nội, tính đến quý III/2020, từ hơn 55.000 bếp than, thành phố còn khoảng 11.081 bếp than tổ ong, sau khi đã loại bỏ được 43.411 bếp (giảm 79,66% so với năm 2017). Các địa bàn có tỉ lệ giảm bếp than tổ ong cao nhất so với năm 2017 là quận Hoàn Kiếm (giảm 100%), huyện Thạch Thất (giảm 100%), huyện Sóc Sơn (giảm 98,9%).

Bên cạnh đó, tại một số quận/huyện vẫn còn số lượng bếp than ở mức cao nhất lần lượt là các quận: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa và huyện Đan Phượng.

Trong số rất nhiều nguyên nhân tồn tại, vấn đề cốt yếu vẫn là sức hấp dẫn từ kinh tế. Ngay thời điểm này, tuy số lượng đã giảm, nhưng không khó để chúng ta bắt gặp sự hiện diện của loại bếp được xem là “rẻ và tiện lợi” từ những quán ăn cho đến các hộ dân sống riêng lẻ hay ở các khu tập thể đông dân cư.

Chia sẻ với báo Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Thắng (45 tuổi, quê Phúc Thọ) cho rằng, không còn nhiều hộ gia đình đặt mua than tại xưởng vì tính tiện lợi thua xa bếp điện. Xưởng sản xuất nơi ông làm việc hằng ngày chỉ cung cấp cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn phường Ngọc Thụy là chủ yếu.

“Thực ra, các hộ dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn mới duy trì sử dụng bếp than tổ ong, vì giá rẻ hơn nhiều so với bếp điện”, ông Thắng nói.

Chị N.T.C (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm), chủ một tiệm kinh doanh đồ ăn cho hay: “Biết việc sử dụng than tổ ong là độc hại, nhưng do chi phí bỏ ra thấp, mỗi ngày cửa hàng của tôi chỉ dùng dưới 10 nghìn đồng tiền mua than tổ ong phục vụ chế biến thực phẩm nên tôi vẫn dùng. Giờ nếu thay thế bằng bếp điện, bếp gas chi phí sẽ đội lên 600.000 đến 700.000 đồng/tháng, gấp đôi so với bếp than”.

Theo chị C, người làm kinh doanh luôn mong muốn bỏ vốn ít và tối ưu lợi nhuận. Nhưng nếu nhà nước đã cấm, chị sẵn sàng thay đổi, không tiếp tục sử dụng bếp than tổ ong trong kinh doanh nữa.

Xóa bỏ 100% bếp tổ ong

Xóa sổ bếp than tổ ong là một trong những mục tiêu trọng điểm của Hà Nội. Thế nhưng, để về đích cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền và người dân.

Theo Chỉ thị của UBND thành phố, từ ngày 1/1/2021, Sở TN&MT, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã áp dụng Nghị định 155 ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu.

Cùng với đó, tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh, môi trường, các quy định về quản lý quy hoạch, quản lý đất và các yêu cầu về quản lý kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh than tổ ong trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, theo lãnh đạo TP.Hà Nội, nếu chỉ bằng quyết định hành chính, khó có thể chấm dứt việc sử dụng than tổ ong cũng như việc đốt rơm rạ trên địa bàn, mà phải có chính sách hỗ trợ, vận động nhân dân thực hiện…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa có chỉ đạo triển khai các biện pháp cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn, yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức ra quân từ đầu năm 2021 để kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã vận động người dân không đốt rơm rạ, không tái sử dụng bếp than tổ ong, rà soát vận động các cơ sở sản xuất bếp than/than tổ ong chuyển đổi loại hình kinh doanh, nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố.

“UBND các quận, huyện thị xã phải tập trung, tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước, hoàn thành chỉ tiêu loại bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố; từ 6/1/2021, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn đảm bảo việc thu gom triệt để rác thải, vận chuyển, xử lý đúng quy trình, quy định, không để tồn đọng gây ô nhiễm môi trường; không để tái diễn việc sử dụng bếp than tổ ong, hạn chế đốt rơm rạ; tăng cường trồng cây xanh, trồng rừng…”, công văn nêu.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Bếp than tổ ong vẫn 'đỏ' trên nhiều tuyến phố Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới