Ô nhiễm không khí ở Hà Nội sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2030
Chuyên gia khuyến cáo, ô nhiễm không khí ở Hà Nội sẽ còn kéo dài ít nhất từ nay đến 2030. Nếu không hành động ngay thì đến thời điểm 2030 sẽ có biến chuyển.
Những ngày vừa qua, ghi nhận tại 35 điểm quan trắc, chất lượng không khí ở Hà Nội đều nằm trong ngưỡng xấu và rất xấu, tác động nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng. Đỉnh điểm là ngày 4/1/2021, có 11/35 trạm quan trắc, chỉ số chất lượng không khí (AQI) từ 201 đến 250 - ở thang cảnh báo 5/6.
Trong khi đó, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 1 - 3/2021 sẽ xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi, gây suy giảm chất lượng không khí ở các đô thị trên cả nước, trong đó có thành phố Hà Nội...
Lý giải về tình trạng nêu trên, chuyên gia môi trường Phạm Hải Dương (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) cho biết, thời điểm này, nền nhiệt thấp, ít ánh sáng, ít mưa khiến không khí bị ô nhiễm nặng hơn. Mặt khác, mùa đông thường xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, chất ô nhiễm không phát tán được. Hiện tượng này xảy ra khi càng lên cao, nhiệt độ càng cao (trái với quy luật là càng lên cao, nhiệt độ càng thấp). Lớp nghịch nhiệt giống như cái mũ, ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao. Những hôm có sương mù, không khí càng ô nhiễm nặng...
Tuy nhiên, điều kiện thời tiết chỉ là yếu tố khách quan, nguyên nhân sâu xa vẫn do nguồn phát thải như: Đốt rơm rạ, rác thải; sử dụng than tổ ong; hoạt động của phương tiện giao thông, đặc biệt là xe cũ nát không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải; hoạt động phá dỡ công trình xây dựng; xe vận chuyển vật liệu không được che chắn để đất, cát rơi vãi ra đường... Trong đó, bụi mịn từ hoạt động giao thông và xây dựng là “thủ phạm” chính gây ô nhiễm môi trường. Do đó, ngăn chặn được phát thải từ hai nguồn này, không khí ở Hà Nội sẽ được cải thiện.
Ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, thành phố Hà Nội đã xác định được 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Bước đầu, thành phố đã hạn chế được một số nguồn phát thải ô nhiễm như: Giảm được 85% số lượng bếp than tổ ong; hạn chế 75% số lượng rơm rạ, phụ phẩm cây trồng đốt trên đồng ruộng; tăng cường quét, hút bụi, tưới nước rửa đường trên các tuyến phố; ra quân xử lý xe ô tô chở vật liệu, rác thải gây ô nhiễm môi trường...
“Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu phương án thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường không khí”, ông Mai Trọng Thái cho biết thêm.
Tại buổi tọa đàm “Không khí Hà Nội ô nhiễm ở mức nào?” diễn ra hôm 9/1, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có nghiên cứu về ô nhiễm không khí Thủ đô trong vòng 20 năm trở lại đây cho biết, thống kê tại 5 điểm ở Hà Nội gồm Nguyễn Văn Cừ, Mỹ Đình, cầu Chương Dương, khu Thượng Đình và Bách Khoa cho thấy, trong 20 năm qua, bụi PM 10 nhiều năm liền cao hơn quy chuẩn Việt Nam, đặc biệt là vào mùa khô.
Với PM 2.5, trung bình ngày trong 20 năm qua luôn luôn cao hơn tiêu chuẩn cho phép. So với thế giới, với bụi PM 10 của Việt Nam chỉ thấp hơn một vài nước như Ấn Độ, Băng-la-đét. Còn với bụi PM 2.5 thì Việt Nam luôn ở nhóm nước cao nhất thế giới. So sánh với các thành phố trong khu vực thì Việt Nam cũng luôn ở mức cao.
“Tôi thấy có một bất cập là hiện chúng ta chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn cho bụi nano. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu quan trắc tại Gia Lâm và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì thấy rằng, hàm lượng bụi nano trong không khí của chúng ta cũng cao hơn nhiều nước. Nguy hiểm là bụi nano có thể đi vào khí quyển, đi vào máu, rất nguy hại cho sức khỏe.
Với các chất ô nhiễm dạng khí SO2, NO2 và Benzen… thấy rằng, khí NO2 trong nhiều năm đều vượt quy chuẩn ở khu vực nội thành. Ozon có dấu hiệu vượt ngưỡng trung bình giờ của QCVN 05:2013/BTNMT”, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng cho hay.
Tôi khuyến cáo là ô nhiễm không khí ở Hà Nội sẽ còn kéo dài ít nhất từ nay đến 2030. Nếu chúng ta bắt tay vào hành động ngay thì đến thời điểm 2030 sẽ có biến chuyển. Giải quyết bài toán này không dễ dàng một sớm một chiều mà cần đến rất nhiều năm”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội nhận định.
Theo các chuyên gia, để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, cần khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu. Tổ chức và duy trì hoạt động phun nước rửa đường nhiều lần trong ngày tại các trục, tuyến đường giao thông chính. Thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến đường giao thông. Thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm...
Minh Tuệ