Thứ sáu, 22/11/2024 18:51 (GMT+7)
Thứ ba, 12/01/2021 15:31 (GMT+7)

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ phương tiện cũ nát: Cần phải có lộ trình

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia giao thông, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường phải hạn chế những xe máy cũ nát. Tuy nhiên, phải có giải pháp toàn diện và theo lộ trình chứ không thực hiện nửa vời.

Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước hiện có gần 223.000 xe hết niên hạn sử dụng, gồm hơn 170.000 xe tải và gần 53.000 xe chở người. Đặc biệt, trong năm 2020, toàn quốc có gần 16.500 xe ô tô hết niên hạn sử dụng.

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ phương tiện cũ nát: Cần phải có lộ trình - Ảnh 1
Thu hồi xe máy cũ nát cần phải có lộ trình và chính sách phù hợp. (Ảnh minh họa).

Trả lời phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho biết, phương tiện cũ nát là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, việc hạn chế những chiếc xe cũ nát thải nhiều khí độc hại ra môi trường là điều cần thiết. Tuy nhiên, để kiểm soát cũng như thu hồi các phương tiện cũ nát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường phải có biện pháp đồng bộ toàn diện và theo lộ trình chứ không thực hiện nửa vời.

Đặc biệt ở Việt Nam, cuộc sống người dân đang rất khó khăn. Lượng người sử dụng xe máy cũ rất nhiều, vậy nên khi sàng lọc những phương tiện cũ nát phải có những chế tài rõ ràng và có lộ trình chứ không nên thực hiện đại trà gây khó khăn cho người dân. "Trước tiên cần triển khai thử tiêu chuẩn gây ô nhiễm môi trường của xe máy và ô tô như thế nào chứ không nên theo thời hạn. Cơ quan chức năng phải kiểm tra những phương tiện lưu thông trên đường xả khói đen cần thu hồi nhưng ngược lại phải có chính sách phù hợp", TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết thêm.

Khi được hỏi về giải pháp trong vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, trong thời điểm kinh tế khó khăn và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ hợp lý để không ảnh hưởng đến người dân. Cơ quan chức năng tiến hành thu giữ những xe máy cũ nát thay vào đó là hỗ trợ người dân một số tiền từ 3 đến 5 triệu đồng. Số tiền này có thể được trích từ tiền xử phạt những xe vi phạm để hỗ trợ người dân mua chiếc xe khác.

“Tôi nghĩ chính sách này rất hợp lý và nhân văn mà lại mang tính thực tế cao. Hơn nữa chúng ta vẫn có thể giám sát được vấn đề ô nhiễm môi, trường mặt khác tạo điều kiện cho người dân”, TS Thủy chia sẻ.

Trả lời báo chí ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, việc hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy xe máy mới là một trong những chính sách chính đáng để giảm ô nhiễm, song hành với sự khuyến khích giảm phương tiện cá nhân và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Việc hỗ trợ người dân cần được làm từng bước, có thể hỗ trợ thêm bằng thuế, phí, đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của chương trình này, từ đó khuyến khích họ sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện môi trường.

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ phương tiện cũ nát: Cần phải có lộ trình - Ảnh 2
Hiện nay chưa có một văn bản nào quy định niên hạn sử dụng đối với xe mô tô, xe gắn máy nên rất khó để thu hồi. (Ảnh minh họa).

Trước đó, Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.Hà Nội đã có đề xuất UBND TP.Hà Nội chấp thuận phối hợp với Hiệp hội Xe máy Việt Nam triển khai chương trình "Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe môtô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn TP". Theo chương trình, thành phố sẽ lựa chọn và lắp đặt thiết bị đo kiểm tại 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy trên địa bàn để phục vụ cho việc đo khí thải nằm trên địa bàn 6 quận gồm Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân.

Hà Nội dự kiến lựa chọn 30 đại lý xe máy trên địa bàn TP để thí điểm chương trình đăng ký tham gia đổi xe môtô, xe gắn máy cũ (sản xuất trước năm 2002) với các cơ chế hỗ trợ khác nhau.

Sở TN&MT TP.Hà Nội cho biết Hiệp hội Xe máy Việt Nam là đơn vị chủ động kinh phí đầu tư các thiết bị đo khí thải và lắp đặt 8 trạm đo kiểm khí thải và 30 trạm đổi xe, cùng các cán bộ kỹ thuật để thực hiện hoạt động này. Người dân đưa xe đến kiểm tra khí thải sẽ được hỗ trợ bằng hiện vật có giá trị khoảng 300.000 đồng. Còn người dân muốn đổi xe máy, dự kiến được hỗ trợ từ 2 đến 4 triệu đồng.

Dự kiến có khoảng 5.000 xe được đo kiểm khí thải. Kinh phí hỗ trợ người dân được trích từ nguồn ngân sách nhà nước, giao cho Sở TN&MT nhiệm vụ triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, chương trình còn lên kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất để lưu trữ xe máy cũ và phối hợp với các công ty tái chế đảm bảo xe máy cũ được thu hồi và xử lý 100%, không tái sử dụng.

Theo Quyết định 16/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, người có sản phẩm thu hồi có quyền: Được hưởng quyền lợi theo chính sách của nhà sản xuất; yêu cầu nhà sản xuất tiếp nhận các sản phẩm thải bỏ do chính nhà sản xuất đó đưa ra thị trường; thông báo cho Bộ TN&MT hoặc Sở TN&MT trong trường hợp nhà sản xuất từ chối tiếp nhận sản phẩm thải bỏ. Như vậy, chưa có quy định cụ thể nào về việc hỗ trợ đối với người bị thu hồi với xe cũ nát.

An Nhiên

Bạn đang đọc bài viết Giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ phương tiện cũ nát: Cần phải có lộ trình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới