Thứ sáu, 22/11/2024 22:21 (GMT+7)
Thứ hai, 11/01/2021 11:00 (GMT+7)

Thiếu hành lang pháp lý, xe hết niên hạn vẫn 'còn cửa' gây ô nhiễm môi trường

Theo dõi KTMT trên

Ông Thân Văn Thanh, chuyên gia giao thông cho rằng, hiện nay chưa có chế tài xử phạt, thiếu hành lang pháp lý, cơ chế quản lý nên việc các phương tiện hết "đát" vẫn được sử dụng và gây ô nhiễm môi trường.

Trong phụ lục kèm theo Quyết định số 16/2015 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có quy định, từ ngày 1/1/2018, môtô, xe máy và ôtô các loại hết niên hạn sử dụng sẽ bị thu hồi. Song, việc quy định niên hạn hiện mới chỉ áp dụng với ôtô chở hàng và ôtô chở người, riêng với ôtô con (dưới 9 chỗ ngồi) và môtô, xe máy vẫn chưa có. Đây đang được xem là một trong những khó khăn trong việc xử lý thu hồi các xe quá hạn sử dụng.

Thiếu hành lang pháp lý, xe hết niên hạn vẫn 'còn cửa' gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 1
Xe cũ nát, hết niên hạn sử dụng là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường. Ảnh internet

Về vấn đề này, trao đổi với PV Kinh tế Môi trường, ông Thân Văn Thanh, chuyên gia về vận tải và an toàn giao thông cho biết, rất nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường tại Thủ đô. Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm không khí là khói và khí thải từ phương tiện giao thông. Những phương tiện như xe máy, ô tô hết niên hạn sử dụng chính là những “thủ phạm” gây ra ô nhiễm môi trường đáng cảnh báo.

Ông Thanh nêu rõ, hiện nay chưa có chế tài hay quy định pháp luật nào chỉ ra niên hạn sử dụng của xe máy, mô tô. Đối với ô tô khi hết niên hạn sử dụng sẽ không được phép đăng kiểm, không được phép lưu hành. Thế nhưng hầu hết những phương tiện hết niên hạn sử dụng sẽ được đưa về vùng sâu vùng xa để tiếp tục sử dụng nên việc thu hồi xe hết niên hạn sử dụng đang là vấn đề nan giải.

Theo quy định tại Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ về quy định niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người, xe tải có niên hạn sử dụng 25 năm, xe khách 20 năm. Tuy nhiên niên hạn sử dụng của xe máy hiện chưa có quy định cụ thể. Do vậy trên cơ sở rà soát, qua kiểm tra, phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng tạm giữ các xe vi phạm có niên hạn sử dụng 30 – 40 năm, Công an thành phố Hà Nội đã kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất thanh lý, hủy các phương tiện này.

Thiếu hành lang pháp lý, xe hết niên hạn vẫn 'còn cửa' gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 2
Chuyên gia vận tải Thân Văn Thanh (Ảnh: Ngân Anh).

Trước thông tin thu hồi xe mô tô, xe gắn máy có niên hạn từ 10 đến 20 năm, GS. TS Bùi Xuân Cậy, giảng viên Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, quy định này là chưa sát thực tế. Xe máy cũ nát phải thu hồi là điều cần thiết để giảm ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông. Ở nước ta có rất nhiều xe máy cũ, thiếu an toàn nhưng vẫn lưu hành.

Tuy nhiên, không thể đánh đồng những xe này với các xe máy khác cho dù là cùng thời gian sử dụng, bởi chất lượng xe sẽ khác nhau. Có xe đi nhiều, có xe đi ít, có xe được chủ chăm chút kĩ lưỡng, duy trì bảo dưỡng thường xuyên. Thậm chí có xe không trong thời gian phải thu hồi nhưng do bảo dưỡng kém thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông, ô nhiễm môi trường… Như vậy, phải căn cứ vào chất lượng xe, độ an toàn chứ không đơn thuần dựa vào niên hạn sử dụng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Thanh Đức, hội đồng khoa học của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, hiện chưa có cơ sở nào để biết xe có niên hạn sử dụng hay không. Không thể đặt ra khái niệm 5 năm, 10 năm thì tịch thu như thế là không có cơ sở. Điển hình như chiếc xe Dream Thái thời điểm hiện tại có giá trị kinh tế cao công suất và an toàn gấp mấy lần xe máy nhập khẩu với giá bán cao hơn.

Theo ông Đức không thể tính niên hạn sử dụng mà phải tính mức độ ô nhiễm mà những chiếc xe cũ nát, xe tự chế gây ra. Cần tịch thu và có chế tài cụ thể cho những chiếc xe tự chế không có phanh, đèn, xả khói gây ô nhiễm môi trường. “Việc thu hồi loại phương tiện trên cần có lộ trình để không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân”, ông Đức nhấn mạnh.

Trả lời báo chí, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết đang có những cách hiểu chưa đúng xung quanh Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg. Không có chuyện sản phẩm điện tử, xe máy hết hạn sử dụng là bắt buộc phải thu hồi ngay. Nếu như những chiếc xe máy dù đã cũ lắm rồi nhưng vẫn hoạt động tốt thì người dân vẫn có quyền sử dụng, đi lại bình thường, không ai bắt buộc họ phải giao nộp lại sản phẩm đó. Cũng không có cơ quan Nhà nước nào đi thu hồi sản phẩm đó cả. Tinh thần của Quyết định 16 là khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất chịu trách nhiệm tới cùng đối với sản phẩm của mình. Đó thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội trong việc bảo vệ môi trường.

Thí điểm kiểm tra khí thải xe máy 

Tháng 5/2020, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM phát động "Chương trình thí điểm kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn TP.HCM". Trong chương trình này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cùng Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Viện Khoa học - Công nghệ Giao thông vận tải hợp tác đánh giá hiện trạng xe máy phát thải đang lưu hành trên địa bàn TP. Các đơn vị cũng khảo sát, đánh giá tác động kinh tế xã hội của việc kiểm soát khí thải xe máy tới người dân, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có liên quan.

Tháng 9/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô, Sở đã đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở chủ trì chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe môtô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố."Thời gian triển khai chương trình dự kiến trong 3 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12/2020, với khoảng 5.000 môtô, xe máy được đo kiểm khí thải.

Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết Thiếu hành lang pháp lý, xe hết niên hạn vẫn 'còn cửa' gây ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới