Thứ bảy, 23/11/2024 00:40 (GMT+7)
Thứ tư, 06/01/2021 06:15 (GMT+7)

'Xóa sổ' xe cũ nát: Còn thiếu hành lang pháp lý

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia cho rằng, lộ trình thải loại xe cũ nát hiện đang gặp một số vướng mắc nhất định; chủ yếu là do hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ, hoàn thiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Hà Nội, TP.HCM thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là TP.Hà Nội và TP.HCM xu hướng gia tăng đã gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa.

Thực tế không khó để tìm kiếm những chiếc xe máy cũ nát đang lưu thông tại các thành phố lớn. Những chiếc xe này thường không giống như hình dáng ban đầu mà chỉ còn lại bộ khung và động cơ, rồi được lắp thêm vào các khung sắt để “cõng” trên đó các thùng hàng, tải hàng hoặc “móc” thêm xe cải tiến phía sau để chở sắt thép xây dựng cồng kềnh. Các thiết bị bắt buộc như màu xe, hãng xe, đèn chiếu sáng, đèn xi nhan, gương... bị lược bỏ hoặc nếu có thì không thể sử dụng.

Mỗi ngày các phương tiện này thải ra một lượng lớn khí thải độc hại ra môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân đô thị. Trong khi đó, lực lượng chức năng lại rất khó xử lý những phương tiện này.

'Xóa sổ' xe cũ nát: Còn thiếu hành lang pháp lý - Ảnh 1
Xe cũ nát được sử dụng phổ biến để chuyên chở hàng hoá cồng kềnh. (Ảnh: Internet)

Ông Đặng Trần Khanh - Phó Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) thừa nhận vướng mắc trong việc thực hiện quy định thu hồi với xe cũ nát. “Hiện chưa có quy định nào yêu cầu xe máy phải kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không quy định niên hạn sử dụng cho xe máy nên cơ quan chức năng không có căn cứ xử lý vi phạm ảnh hưởng đến môi trường. Trong khi đó, chủ phương tiện không chú trọng bảo dưỡng định kỳ nên những chiếc xe đã cũ lại càng xuống cấp”.

Trao đổi với báo Giao thông về vấn đề này, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc thu gom, loại bỏ các phương tiện giao thông cơ giới cũ nát gây ô nhiễm môi trường là cần thiết, song cần áp dụng theo đúng nghĩa là “thu hồi sản phẩm gây ô nhiễm môi trường” để xử lý, không phải là tịch thu tài sản.

“Tất cả phương tiện cũ nát cần phải được thu hồi để xử lý, nhưng để làm được, trách nhiệm trước hết là của nhà sản xuất phương tiện và có sự hỗ trợ của nhà nước. Nhà nước quản lý chặt chẽ về an toàn kỹ thuật và môi trường của phương tiện, không cho phương tiện không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật và môi trường lưu thông. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ để nhà sản xuất thu hồi sản phẩm cũ nát, với sự đồng thuận của chủ phương tiện”, ông Tạo cho biết.

Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện phương tiện giao thông cơ giới gây ô nhiễm chủ yếu là xe máy, ô tô và chủ yếu gây ô nhiễm từ khí thải. Đối với xe ô tô, nhiều năm qua, việc kiểm soát đối với xe cũ nát, gây ô nhiễm môi trường đã được thực hiện bằng quy định áp dụng niên hạn sử dụng và kiểm định khí thải định kỳ. Trường hợp xe thuộc diện áp dụng niên hạn sử dụng (xe tải, xe chở người), khi hết niên hạn phải nộp lại biển số, không được cấp giấy tờ để lưu hành; còn các xe đủ điều kiện tham gia giao thông định kỳ phải được kiểm định đạt tiêu chuẩn về ngưỡng phát thải mới được cấp chứng nhận đăng kiểm để tham gia giao thông.

Đối với xe máy, các xe sản xuất, lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu mới phải đạt tiêu chuẩn khí thải mới được đưa ra thị trường. Còn xe máy đang lưu hành, từ năm 2010, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 909/2010 phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Nội dung đề án đưa ra lộ trình áp dụng theo địa phương, theo loại xe (kiểu loại, năm sử dụng) và giải pháp triển khai.

Tuy nhiên, thời gian qua do Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định trên nên phải chờ để có cơ sở pháp lý triển khai. Hiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ đang được xây dựng cũng đã có nội dung kiểm soát khí thải xe máy để lấy ý kiến, chuẩn bị cho việc kiểm soát môi trường đối với xe máy.

'Xóa sổ' xe cũ nát: Còn thiếu hành lang pháp lý - Ảnh 2
Lộ trình thải loại xe máy cũ nát hiện đang gặp một số vướng mắc. (Ảnh: VOV)

Các chuyên gia cũng cho rằng, lộ trình thải loại xe cũ nát hiện đang gặp một số vướng mắc nhất định; chủ yếu là do hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ, hoàn thiện. Việc chưa triển khai thực hiện Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố theo đúng lộ trình của Chính phủ là một khó khăn trong việc đề xuất quy định này trong thời gian tiếp theo. Hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy vẫn chưa được xem xét, phê duyệt và ban hành.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy là vấn đề xã hội lớn, nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến đa số người dân với đủ mọi đối tượng, thành phần, lứa tuổi và có nhận thức rất khác nhau. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng, tác hại của khí thải xe mô tô, xe gắn máy, việc sử dụng xe mô tô, xe gắn máy cũ không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết 'Xóa sổ' xe cũ nát: Còn thiếu hành lang pháp lý. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới