Thứ năm, 28/03/2024 19:20 (GMT+7)
Thứ ba, 05/01/2021 06:15 (GMT+7)

Cần thu hồi xe cũ nát để bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Nhằm tăng hiệu quả bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT đã đề nghị Hà Nội, TP.HCM thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm.

Ngày 4/1, trao đổi với Vnexpress, Thứ trưởng TN&MT Võ Tuấn Nhân cho hay nội dung trên được nêu trong văn bản của Bộ gửi UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí, xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.

Theo Bộ TN&MT, thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là TP.Hà Nội và TP.HCM xu hướng gia tăng đã gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Cần thu hồi xe cũ nát để bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Bộ đề nghị Hà Nội và TP.HCM thu hồi xe cũ nát gây ô nhiễm môi trường.

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi (do hiện tượng nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa.

"Chúng tôi đưa ra đề nghị trên để các địa phương nghiên cứu, xây dựng lộ trình thích hợp khi ban hành quy chuẩn. Trước mắt là vận động người dân tự giác bỏ các loại xe cũ, lạc hậu", Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.

Để hiện thực hóa điều này, thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ cùng các bộ ngành liên quan, địa phương xây dựng, ban hành hệ thống quy chuẩn về khí thải để từ đó có phương án thực thi cụ thể việc loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát.

Cho ý kiến về đề xuất này, chuyên gia giao thông Vũ Thị Vinh cho rằng, việc thu hồi các phương tiện cũ, lạc hậu là cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm không khí, tuy nhiên, cơ quan quản lý cần đưa ra hệ thống quy chuẩn để xác định mức phát thải cụ thể, tránh gây hoang mang cho người dân.

"Khi đã có quy chuẩn, chính quyền cần tổ chức hệ thống kiểm tra thường xuyên và có phương án hỗ trợ để người dân chuyển đổi phương tiện thì quy định mới có thể đi vào cuộc sống", chuyên gia Vũ Thị Vinh đề xuất.

Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng đề nghị Hà Nội và TP.HCM khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân; điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài..

TS Nguyễn Văn Nguyên - Giảng viên Viện Cơ khí Động lực, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: "Theo thiết kế, động cơ xe máy khi sử dụng di chuyển quãng đường từ 20.000 km hoặc có thời gian từ 2 năm trở lên bắt đầu có biểu hiện xuống cấp nên chắc chắn các tiêu chuẩn thiết kế về độ bền, khí thải tạo ra cũng sẽ không đạt đủ tiêu chuẩn.

Nếu tiếp tục sử dụng sẽ góp phần không nhỏ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP.HCM, TP.Hà Nội...".

Trước đó, Sở TN&MT Hà Nội cũng trình UBND thành phố dự thảo chương trình Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thành phố”.

Theo đó, người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo kiểm về khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được Hiệp hội xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 – 4 triệu đồng/trường hợp. Nguồn kinh phí này sẽ do VAMM chủ động cung cấp.

Người dân Hà Nội muốn được hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe mới phải có đủ ít nhất hai điều kiện: Chiếc xe của mình đăng ký trước năm 2002 và không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải.

Những chiếc mô tô, xe máy cũ sau khi đổi sẽ được chính các nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm thu hồi và xử lý theo quy định chứ không được tái sử dụng.

Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000 và trên 730.000 ô tô, chưa kể nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn.

Còn tại TP.HCM có gần 9 triệu phương tiện cá nhân, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có hơn 825.000 ô tô (tăng gần 16%) và 8,12 triệu xe máy (tăng hơn 6%). Từ năm 2010 đến nay, thành phố đã tăng thêm hơn 4 triệu phương tiện giao thông cá nhân, đồng nghĩa với việc tăng nguồn phát thải, gây ô nhiễm môi trường.

Đáng chú ý, nhiều xe máy đang lưu hành cũ nát, không thường xuyên được bảo dưỡng nên hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại thải ra môi trường cao, không bảo đảm tiêu chuẩn về khí thải.

Theo Sở TN&MT Hà Nội, khí thải từ các phương tiện này bao gồm các dạng hạt bụi lơ lửng, khí ô xít carbon (CO), HC, ô xít nitơ và các chất khác gia tăng theo thời gian và ngày càng vượt quá giới hạn cho phép. Các chất ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Cần thu hồi xe cũ nát để bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.