Thứ sáu, 22/11/2024 21:46 (GMT+7)
Thứ hai, 09/10/2023 14:35 (GMT+7)

Báo chí và hành trình chuyển đổi số

Theo dõi KTMT trên

Kể từ khi tờ báo điện tử đầu tiên ra đời năm 1997, đến nay, báo chí Việt Nam đã phát triển ra nhiều mô hình truyền thông mới như: Báo chí đa phương tiện, Báo chí đa nền tảng, Báo chí di động, Báo chí mạng xã hội...

Năm 1997 được xem là 1 dấu mốc quan trọng của ngành báo chí Việt Nam, khi Tạp chí Quê hương điện tử ra đời, đây chính là tờ báo trực tuyến đầu tiên của Việt Nam. Quê hương Online là cơ quan báo chí của Uỷ ban về người Việt ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao, phát hành số đầu tiên vào ngày 6/2/1997, chính thức khai trương ngày 3/12/1997.

Sau Quê hương Online, đầu những năm 2000 là giai đoạn xuất hiện thêm hàng loạt các trang báo điện tử mà tiêu biểu như Thanhnien online, Tuoitre Online, vietnamnet, vnexpress, Dân Trí… Tuy nhiên, ở thời kỳ này các tờ báo còn đơn giản cả về nội dung và hình thức, thậm chí là những bản sao của các phiên bản báo in.

Báo điện tử chỉ thật sự bùng nổ khi có sự xuất hiện của smartphone. Chỉ với chiếc điện thoại nhỏ gọn có kết nối internet trên tay, bạn đọc có thể đọc báo ở bất cứ đâu, điều này đã tạo nên một mạng lưới thông tin báo chí điện tử sôi động có sức thu hút hàng triệu lượt người truy cập hàng ngày, báo mạng đã và đang trở thành một công cụ hữu ích có tác động lớn đến độc giả.

Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ và đa dạng như hiện nay, nhiều cơ quan báo chí phải cạnh tranh gay gắt trong việc đưa thông tin để thu hút độc giả, khán thính giả.

Cùng với đó, khó khăn lớn nhất thường được đưa ra là một tờ báo chính thống rất khó thu hút độc giả vì không thể chạy theo đưa những thông tin, câu chuyện gây “sốc,” giật gân. Thực tế chứng minh rằng, không phải tờ báo nào đi theo con đường gây “sốc” cũng hiệu quả, số lượng người xem đông đảo những nội dung này không tỷ lệ thuận với kết quả về thương mại.

Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố năm 2021 cho thấy lượng truy cập toàn hệ thống báo chí điện tử chính thống giảm hơn 10%. Hầu hết các cơ quan báo chí dường như đang giảm sức thu hút với công chúng trong “cuộc đua” với mạng xã hội. Điều này chứng tỏ rằng, hơn lúc nào hết, việc chuyển đổi số và phát triển báo chí đa nền tảng đang đóng vai trò mang tính sống còn đối với nhiều cơ quan báo chí.

Báo chí và hành trình chuyển đổi số - Ảnh 1
Báo VietnamPlus đang đẩy mạnh sản xuất nội dung podcast.

Dự báo trước các tác động đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, theo đó mục tiêu của chiến lược là: “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.

Thực hiện chuyển đổi số các cơ quan báo chí truyền thông chính là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí, là sự thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí.

Đồng thời, là hoạt động phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chính trị như định hướng thông tin và định hướng dư luận trong bối cảnh mới của cách mạng Việt Nam.

Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí chuyển đổi số không đơn giản chỉ là số hóa dữ liệu và nâng cấp mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động báo chí, mà là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí: Từ mô hình tòa soạn, tổ chức bộ máy, quy trình sản xuất, phát triển nội dung, phương thức tác nghiệp, tiếp thị công chúng, quản lý dữ liệu, văn hóa tòa soạn, đến hoạt động lãnh đạo, quản lý báo chí. Có thể thấy sự thay đổi này ở các cơ quan báo chí trọng điểm như Báo Nhân dân; Thông tấn xã Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam…

Một trong những kết quả của chuyển đổi số báo chí là sự xuất hiện phổ biến các mô hình truyền thông mới như: Tòa soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện, Báo chí đa nền tảng, Báo chí di động, Báo chí mạng xã hội... Nhiều tờ báo in, chương trình phát thanh, truyền hình cũng dịch chuyển lên nền tảng internet. Cùng với đó, công nghệ kỹ thuật hiện đại cho phép nhà báo sáng tạo thêm nhiều hình thức truyền thông hấp dẫn: Megastory, infographics, long form, data journalism, media, lens, podcast, video... Chuyển đổi số báo chí cũng giúp lãnh đạo cơ quan báo chí thay đổi phương thức quản trị nội bộ tòa soạn, quản trị quy trình xuất bản, quản trị dữ liệu, quản trị tương tác công chúng... dựa trên phần mềm kỹ thuật số.

Chuyển đổi số báo chí là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông.

Hải An

Bạn đang đọc bài viết Báo chí và hành trình chuyển đổi số. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới