Thứ bảy, 23/11/2024 04:48 (GMT+7)
Chủ nhật, 29/03/2020 07:30 (GMT+7)

'Bảng xếp hạng bi thương'

Theo dõi KTMT trên

Trong tuần này, thế giới đã ghi nhận nhiều số liệu đáng chú ý về đại dịch Covid-19. Theo đánh giá của WHO thì đây là “những con số bi thương”. Mỹ đã vượt Trung Quốc, trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm trên toàn cầu vượt xa ngưỡng 500 nghìn. Dù những diễn biến này đã được dự báo nhưng nó vẫn khiến thế giới không khỏi quan ngại về quỹ đạo của dịch bệnh.

'Bảng xếp hạng bi thương' - Ảnh 1
Tây Ban Nha kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 12/4. (Ảnh: Reuters)

Trong báo cáo tình hình dịch bệnh ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá rủi ro do đại dịch Covid-19 gây ra là “rất cao” ở “cấp độ toàn cầu”. Để mô tả tốc độ lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, WHO đưa ra thống kê, thế giới đã cán mốc ca bệnh thứ 100 nghìn sau 67 ngày phát hiện ca bệnh đầu tiên, nhưng chỉ mất 12 ngày để số ca bệnh vượt mức 200 nghìn, mất bốn ngày sau đó để chạm mốc 300 nghìn, và chỉ ba ngày để tăng thêm 100 nghìn ca nữa.

Dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường tại các khu vực trên thế giới và vùng dịch lớn nhất hiện là châu Âu và Mỹ. WHO cũng xác nhận đại dịch đã cướp đi tính mạng ít nhất 20 nghìn người, nhưng bên cạnh đó, hơn 100 nghìn người bệnh đã bình phục.

Thứ tự “bảng xếp hạng Covid-19” thay đổi

Hôm qua, thế giới đã chứng kiến sự thay đổi đáng chú ý trong “bảng xếp hạng Covid-19” khi Mỹ vượt Trung Quốc và Italy, trở thành nước có nhiều ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất. Chỉ ba ngày trước đó, WHO cảnh báo, với tình trạng ca bệnh tăng nhanh tại Mỹ, quốc gia này có nguy cơ trở thành tâm dịch mới và dự đoán của WHO đã trở thành sự thật. Từ tuần trước, Mỹ bắt đầu đẩy mạnh công tác làm xét nghiệm cho người dân và đây được coi là một trong những lý do dẫn đến sự tăng vọt trong tổng số ca nhiễm mới tại nước này.

Theo thống kê của Worldometers, tính đến sáng 28/3 (giờ Việt Nam), số ca bệnh tại Mỹ đã vượt mức 100 nghìn, riêng bang New York chiếm khoảng 50% số ca bệnh trong cả nước. Thống đốc Andrew Cuomo còn so sánh dịch bệnh tại New York đang lan rộng nhanh hơn tốc độ của tàu cao tốc. Giới chức Mỹ quan ngại rằng, sau New York, bang Louisiana sẽ trở thành điểm nóng tiếp theo tại Mỹ khi New Orleans, thành phố lớn nhất bang này, có thể sẽ thiếu máy thở từ ngày 2/4 và giường bệnh từ ngày 7/4.

Số ca nhiễm và tử vong do virus SARS-CoV-2 tại "lục địa già" tăng chóng mặt trong vài ngày qua. Đến nay, có sáu quốc gia châu Âu ghi nhận hơn 10 nghìn ca bệnh, gồm: Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Thụy Sĩ và Anh.

Số ca bệnh tại Italy (hơn 86.400 ca) cũng đã vượt Trung Quốc (hơn 81.300 ca). “Đất nước hình chiếc ủng” hiện là quốc gia ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trên thế giới (9.134 ca). Hệ thống bệnh viện tại Lombardy, vùng dịch ở miền bắc đất nước, đang bị quá tải, thậm chí các y tá và bác sĩ đã về hưu cũng được mời đi làm. Tình hình càng phức tạp hơn khi giới chức Italy cho rằng dịch bệnh đang có xu hướng lan rộng từ miền bắc sang miền nam. Tương tự nhiều nước khác, Italy đang chật vật xoay xở tìm kiếm vật tư y tế, đặc biệt là khẩu trang. Italy đã huy động hàng loạt công ty thời trang bắt tay sản xuất khẩu trang để đáp ứng 50% nhu cầu khẩu trang y tế của nước này. Tại Đức, số ca nhiễm mới tăng nhanh nhưng tỉ lệ tử vong thấp hơn nhiều lần so với các nước khác.

Theo Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, với số ca tử vong chỉ thấp hơn Italy (5.138 ca), đất nước của ông đang “trong một cuộc chiến tranh”. Mới đây, giới chức thủ đô Madrid đã chuyển đổi công năng của một sân trượt băng trong thành phố thành nơi tạm thời chứa thi thể các nạn nhân. Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đang tự cách ly sau khi tiếp xúc với một bác sĩ nhiễm virus SARS-CoV-2. Còn tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson hôm qua thông báo ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng virus mới này. Tuy nhiên, ông vẫn sẽ dẫn dắt “quốc đảo sương mù” chiến đấu với dịch bệnh thông qua hình thức làm việc trực tuyến. Thái tử Anh Charles cũng nhiễm virus SARS-CoV-2 và đang tự cách ly tại nhà.

Tại châu Á, Trung Quốc, quốc gia ghi nhận ca bệnh Covid-19 đầu tiên trên thế giới, khẳng định đã kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh tại tỉnh Hồ Bắc và thủ phủ Vũ Hán của tỉnh này. Trung Quốc dự định dỡ bỏ lệnh phong tỏa tâm dịch Vũ Hán từ ngày 8/4. Trong tuần này, số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc cũng có xu hướng giảm và chính quyền Seoul hy vọng các trường học có thể được mở cửa trở lại vào tháng tới.

Tăng cường biện pháp hạn chế đi lại và tung gói kích thích kinh tế chưa từng có

Các chính phủ trên toàn cầu đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như phong tỏa, ban bố lệnh giới nghiêm, hoãn các chuyến bay quốc tế, đặc biệt là yêu cầu người dân ở trong nhà và chỉ ra ngoài trong trường hợp rất cần thiết.

Dù Mỹ không ra lệnh phong tỏa toàn quốc, nhưng nhiều bang đã triển khai biện pháp ngăn chặn ca bệnh mới xuất hiện như đóng cửa nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, khách sạn, phòng tập... Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông muốn nới lỏng hạn chế đối với các hoạt động vào tháng tới.

Liên hiệp châu Âu (EU) đang đóng cửa biên giới ngoài EU đối với những người không phải là công dân của khối. Song, EU đã thiết lập các "tuyến đường xanh" ưu tiên cho giao thông thiết yếu để bảo đảm vận chuyển hàng hóa và vật tư y tế thông suốt.

Theo ứng dụng theo dõi di chuyển Citymapper, người dân tại các thành phố lớn như London, Barcelona và New York đang di chuyển ít hơn so với một vài tuần trước. Ấn Độ, quốc gia có hơn 1,3 tỉ dân, mới đây đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc trong ba tuần. Điều đó có nghĩa là 1/4 dân số thế giới (gần 7,8 tỉ người) đang phải hạn chế đi lại và tiếp xúc xã hội để đẩy lùi dịch bệnh.

Trong bối cảnh quy mô và tốc tộ của lây lan của dịch bệnh chưa có dấu hiệu sụt giảm, nhiều nước trên thế giới đã tung ra gói kích thích kinh tế chưa từng có, mà theo ước tính của CNN đã xấp xỉ 7.000 tỉ USD. Riêng gói kích thích kinh tế của Mỹ đã lên tới 2.000 tỉ USD. Thống kê mới nhất cho thấy số người không có việc làm tại Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục, gần 3,3 triệu người. Số người thất nghiệp cao nhất được ghi nhận gần đây nhất tại Mỹ là vào năm 1982 với 695 nghìn người đề nghị được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Anh đã công bố gói giải cứu nền kinh tế trị giá 397 tỉ USD, theo đó Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp chi trả 80% lương của người lao động có tên trong bảng lương với số tiền lên tới 2.500 bảng Anh/tháng trong ít nhất ba tháng. Gói giải cứu kinh tế mà Đức đã công bố trị giá 825 tỉ USD, còn Italy đã quyết định dành 27,5 tỉ USD để hỗ trợ người lao động và hệ thống y tế đất nước. Pháp đã thông qua gói 50 tỉ USD để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và người lao động bị mất việc làm. Ủy ban châu Âu đã phê chuẩn đề xuất của Pháp nhằm bảo đảm khoản viện trợ quốc gia lên tới 323 tỉ USD giúp giảm bớt những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Trong vài tuần tới, Nhật Bản sẽ xem xét một gói thúc đẩy nền kinh tế có tổng giá trị hơn 274 tỉ USD.

G7, G20 và EU đưa ra ưu tiên trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19

Trong tuần này, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Hội đồng châu Âu cũng tiến hành hội nghị trực tuyến riêng rẽ để thảo luận về cách ứng phó với đại dịch. Trong cuộc họp của G7, các nhà lãnh đạo tái khẳng định sự hợp tác trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Các ngoại trưởng trong G7 đã nhất trí về những ưu tiên trong ứng phó với đại dịch, trong đó có nỗ lực bảo vệ nền kinh tế toàn cầu, hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương, phát triển vaccine và cho phép những công dân bị mắc kẹt được về nhà một cách an toàn. Về phần mình, các nhà lãnh đạo G20 cam kết thành lập một mặt trận thống nhất chống dịch Covid-19 và tuyên bố việc đối phó với đại dịch cũng như các tác động về y tế, xã hội và kinh tế là ưu tiên tuyệt đối của nhóm. Trong khi đó, tại tâm chấn của đại dịch, Hội đồng châu Âu nêu rõ, ưu tiên của EU trong cuộc chiến chống Covid-19 là bảo đảm tự do lưu thông hàng hóa và phát triển vaccine ngừa bệnh.

Trung tuần tháng 3-2020, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, thể chế tài chính này sẵn sàng huy động 1.000 tỉ USD trong nguồn quỹ để hỗ trợ 186 nước thành viên

Để giải quyết những thách thức ngày càng lớn do đại dịch toàn cầu gây ra, WHO đã gửi tới các quốc gia thông điệp: Chúng ta phải chiến đấu, đoàn kết và hành động quyết liệt. WHO kêu gọi các chính phủ tận dụng mọi nguồn lực sẵn có để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lan rộng trong cộng đồng. WHO cho rằng, nhân loại đang đối mặt với một kẻ thù chung và không quốc gia nào có thể hành động riêng lẻ, thay vào đó chúng ta chỉ có thể chiến thắng Covid-19 khi sát cánh bên nhau.

Hoàng Hà

Bạn đang đọc bài viết 'Bảng xếp hạng bi thương'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới