39 đại biểu đăng ký chất vấn và khi giá xăng dầu làm “nóng” nghị trường Quốc hội
Vấn đề cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu, 'găm' hàng chờ tăng giá… là những nội dung làm “nóng” phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3.
Phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà, ngày 16/3 được đánh giá là diễn ra sôi nổi, trách nhiệm cao, thẳng thắn và xây dựng với tổng số 64 Đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó có 48 Đại biểu tham gia chất vấn, 10 Đại biểu dùng quyền tranh luận.
Có thể khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu ứng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn này chính là việc lựa chọn đúng và trúng hai lĩnh vực đang được dư luận cử tri hết sức quan tâm, trong đó nổi lên là nguồn cung, giá cả xăng dầu và quản lý đất đai, đấu giá đất.
Diễn biến trên nghị trường cho thấy rõ điều đó khi ý kiến, nguyện vọng của cử tri được các Đại biểu Quốc hội phản ánh mạnh mẽ, với dẫn chứng cụ thể và đề nghị có giải pháp rõ ràng, khẩn trương để giải quyết hiệu quả trong bối cảnh nỗ lực phục hồi kinh tế.
Liên quan đến công tác điều hành giá xăng dầu được coi là “điểm nóng” trong thời gian qua, Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, tình hình dịch còn phức tạp và khó dự báo, xung đột Nga –Ukraine tác động đến việc tăng giá xăng dầu, kéo theo các mặt hàng tăng giá, gây nhiều khó khăn thì Bộ Công Thương có giải pháp nào về trước mắt và lâu dài để xử lý vấn đề này.
Trả lời chất vấn Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, giá xăng dầu thế giới vừa qua tăng đột biến vì nhiều lý do, trong đó có tác động từ xung đột Nga – Ukraine làm thị trường đảo lộn. Trong nước, nguồn cung gặp khó khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm nguồn cung đột ngột, từ 100% xuống có lúc chỉ 55% trong khi nguồn từ nhà máy này bình thường cung ứng tới 35-40% sản lượng mỗi tháng.
Trước tình hình đó, ngay từ đầu tháng 1, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu Chính phủ nhiều giải pháp cũng như trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu xăng dầu đảm bảo đủ sản lượng.
“Số liệu cho thấy nguồn cung trong nước đủ đáp ứng đến hết tháng 3. Bộ tiếp tục chỉ đạo doanh nghiệp có kế hoạch nhập khẩu tháng 3 vượt sản lượng bình thường (từ 1 triệu khối trở lên). Nguồn cung không lúc nào thiếu” – ông Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Về giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, dù giá thế giới có biên độ tăng rất cao, từ 40-60%, song biên độ tăng trong nước chỉ 29-40% nhờ có sự điều hành linh hoạt, nhất là việc sử dụng quỹ bình ổn giá. Các Bộ liên quan cũng đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm thuế môi trường để tiếp tục góp phần giảm giá xăng dầu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Diên, sắp tới quỹ bình ổn không còn trong khi giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thì cũng cần nghiên cứu các chính sách khác, nhất là công cụ thuế, phí để giữ nền kinh tề và đối tượng dễ bị tổn thương không khó khăn thêm.
Cũng nêu vấn đề tranh luận, Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề có hay không việc găm hàng từ cấp trên, không chịu “buông” hàng xuống cấp dưới?
Trong phần chất vấn, Đại biểu Phạm Văn Hoà cho biết, theo tự tìm hiểu một số đại lý, khi hỏi tại sao không bán hàng, người ta trả lời không có xăng dầu lấy gì bán. Do nguồn cung từ nhà điều hành ở cấp vĩ mô họ không cung cấp xuống, cho nên các đại lý không có xăng dầu để mà bán.
“Dư luận rất bức xúc, người dân đến đổ xăng nhỏ lẻ không có hàng để bán, đại lý thì bảo không có xăng do ở trên không đưa xuống. Có hay không việc găm hàng từ cấp trên không chịu buông hàng xuống cấp dưới?”, Đại biểu đoàn Đồng Tháp đặt câu hỏi.
Trả lời Đại biểu Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng khẳng định, qua thanh tra của 16.800 cửa hàng bán lẻ, có 211 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa, trong đó phần lớn đóng cửa do sự cố về kỹ thuật.
“Có nơi nói là không có hàng, truy đến tận cùng thì các cửa hàng này nhận xăng dầu từ Nghi Sơn mà Nghi Sơn dừng đột ngột thì cửa hàng bán lẻ ấy không dễ gì đi nhận hàng ở một doanh nghiệp đầu mối khác. Bộ Công Thương đã chỉ đạo kịp thời là chia sẻ nguồn cung từ các nhà cung ứng mà không lấy hàng của Nghi Sơn là hàng nhập hoặc từ các nguồn của Bình Sơn nên chỉ vài ngày đã khắc phục”, Bộ trưởng giải thích.
Ông khẳng định, quan điểm của Bộ Công Thương đang tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Đến giờ đã có kết quả bước đầu nhưng do chưa đầy đủ dữ liệu, căn cứ, quy trình nên chưa thể báo cáo cụ thể.
“Tình thần là nếu phát hiện thấy những doanh nghiệp đầu mối nào không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình theo quyết định, chứ không nói “găm hàng” như Đại biểu nói thì dứt khoát sẽ xử lý theo quy định của pháp luật và hình thức cao nhất là đình chỉ kinh doanh, rút giấy phép”, Bộ trưởng quả quyết.
Tư lệnh ngành công thương cũng khẳng định không có độc quyền xăng dầu. Theo quy định khi cấp phép cho doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu, phân phối thì đều có quy định cụ thể, có bao nhiêu cơ sở bán lẻ, cam kết nhập vào sản lượng tối thiểu là bao nhiêu và hoạt động thế nào.
“Có thể có hiện tượng găm hàng, có thể có hiện tượng này kia thì chúng tôi đang thanh tra toàn diện 33 doanh nghiệp đầu mối. Tôi xin hứa với các Đại biểu khi có kết quả thì vào thời điểm thích hợp chúng tôi sẽ báo cáo lại, có thể bằng văn bản gửi tới các Đại biểu để thấy rằng thái độ và trách nhiệm của chúng tôi rất cao, không có hiện tượng bao che, không có hiện tượng cho qua chuyện”, ông Diên nhấn mạnh.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP.Hà Nội) cho rằng, việc xem xét điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường trong thời điểm hiện nay là cần thiết để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trước áp lực giá cả, tuy nhiên giảm sắc thuế nào cần tính toán lại.
Đại biểu cho rằng giảm thuế môi trường có ba điểm bất hợp lý như sau: Thứ nhất, sẽ không phù hợp với bản chất thuế bảo vệ môi trường. Vì thuế bảo vệ môi trường đánh vào mặt hàng gây ô nhiễm, mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm. Nếu giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu sẽ dẫn đến một nghịch lý đó là có những đối tượng có thể gây ô nhiễm cao thì thuế suất thấp nhưng những đối tượng gây ô nhiễm thấp có thể phải chịu thuế cao.
Thứ hai, đối với xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định đã chịu mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành là 4.000 đồng nhưng khi bán ra sau thời điểm giảm thuế chắc chắn sẽ phải chịu lỗ và điều này chưa phù hợp với nguyên tắc điều hành giá cả, là phải đảm bảo lợi ích của các bên. Nếu lựa chọn một sắc thuế khác thì sẽ không phát sinh nghịch lý này.
Thứ ba, xét về kinh nghiệm quốc tế hiện nay đối với các quốc gia sử dụng công cụ thuế để điều tiết bình ổn giá cả thì đều lựa chọn các sắc thuế khác như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu… Như đối với Canada, Anh và Bồ Đào Nha hiện nay đang lựa chọn giảm thuế VAT, đối với Ấn Độ, Thái Lan, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt…
Đại biểu cho rằng việc dùng công cụ thuế để điều tiết giá cả trong một số trường hợp là cần thiết, tuy nhiên, lựa chọn sắc thuế nào, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính đưa ra giải pháp hợp lý.
Đồng tình với nhận định công cụ điều hành giá, nhất là giá xăng dầu thì phải dùng đến Quỹ bình ổn, sau đó đến thuế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, chọn sắc thuế nào, ngành công thương cũng rất cân nhắc. Qua
bàn bạc trong liên ngành và báo cáo với Chính phủ, Bộ Công Thương thấy rằng tình hình rất căng thẳng khi biến động giá thế giới như thế này mà xử lý tình huống nhanh nhất chỉ có thể là thuế môi trường. Ở đây thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều thứ hai nữa là thuế môi trường 4.000đ/lít, ông Diên cũng nghĩ rằng chưa phải có cơ sở thật khoa học để khẳng định rằng là phải là 4.000 đồng chứ không phải là 5.000 mà không phải là 3.000 hay 2.000 đồng. Trong lúc khó khăn chúng ta giải quyết như vậy để cấp bách giảm giá, để cứu được kinh tế, hỗ trợ được người dân. Còn trong tương lai, ông đồng ý cần phải nghiên cứu cho phù hợp.
Ông Diên cũng cho rằng, mọi động thái cấp bách phải vì người dân chứ không phải mang lại gì cho Bộ này, Bộ kia mà là giải quyết bài toán trước mắt. Nếu chờ Quốc hội sửa luật và thông qua thì phải tháng 6 tháng 7, lúc đó đã hết quỹ bình ổn mà giá thế giới tăng hàng ngày hiện tại thì công tác điều hành vô cùng khó khăn.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) hỏi xăng dầu có giảm giá được hay không? Cơ cấu tính giá xăng dầu có nhiều yếu tố phức tạp, có nhiều loại thuế mà cử tri cho rằng chưa hợp lý, ông Phương đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị làm rõ tại sao đây là mặt hàng thiết yếu lại phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt? Việc thu thuế bảo vệ môi trường thực chất đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường hay chưa?
Trả lời chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết giá xăng dầu trong nước có giảm được hay không tuỳ thuộc vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, khi giá trên thế giới tăng, Bộ và cơ quan liên quan sẽ cố gắng điều hành biên độ tăng trong nước ở mức "có thể chấp nhận được".
Công cụ để "kìm" đà tăng giá xăng dầu là quỹ bình ổn, nhưng khi quỹ không còn thì dùng đến công cụ thuế phí. "Khi thuế phí đã giảm hết cỡ thì áp dụng chính sách an sinh, chính sách hỗ trợ trực tiếp các đối tượng sử dụng nhiều mặt hàng này"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Về vấn đề cơ cấu thuế phí trong giá xăng dầu, trong đó có vấn đề cử tri quan tâm là xăng dầu là mặt hàng thiết yếu sao lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính hỗ trợ trả lời làm rõ vấn đề này.
Tham gia làm rõ nội dung này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thuế tiêu thụ đặc biệt là một loại thuế gián thu (loại thuế không trực tiếp đánh vào thu nhập và tài sản của người nộp thuế mà đánh một cách gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa và dịch vụ - PV). Theo đó, nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu xăng dầu phải nộp loại thuế này.
"Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định nhằm để sử dụng tiết kiệm. Xăng dầu, bia rượu, thuốc lá đều là những mặt hàng xác định áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Do vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu hiện nay"- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết thêm, theo tính toán, khi giá xăng RON92 thế giới ở mức 130 USD/thùng thì các khoản thuế, phí được tính trên giá xăng gồm: Thuế nhập khẩu chiếm 8% là 1.508 đồng, thuế VAT 10% là 2.036 đồng, chi phí định mức chiếm 6% là 1.050 đồng, lợi nhuận định mức là 300 đồng, trích quỹ bình ổn 300 đồng, thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng, thuế giá trị gia tăng là 2.805 đồng.
Như vậy, với giá dầu thô 130 USD thì giá cơ sở là 30.800 đồng/lít, tỉ lệ thuế/giá xăng dầu là 33,5%. Do đó, ông Phớc cho rằng phương án mà ta giảm thuế cũng chỉ là một giải pháp. Bởi khi giá xăng 130 USD/thùng, ta giảm 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu, giảm thu ngân sách là 31.938 tỉ đồng.
"Khi dầu thô tăng lên với giá dầu 130 USD/thùng, nền kinh tế của ta rất thiệt hại, càng tăng thì sản xuất càng bị đình trệ, nên sắp tới các Bộ sẽ phải tham mưu Chính phủ giải pháp đảm bảo nguồn cung, chống buôn lậu xăng dầu, giảm thuế bảo vệ môi trường, linh hoạt hơn để giá giảm" - ông Phớc nói.
Phát biểu kết luận phần chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản rõ ràng về đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, đảm bảo cung cầu, về giá xăng dầu trong bất cứ tình huống và hoàn cảnh nào.
"Đây là yêu cầu rất bức thiết đặt ra, phải có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn, bằng kịch bản rất rõ ràng. Cân đối năng lượng, nhất là xăng dầu, là một việc hết sức hệ trọng đối với quốc kế, dân sinh, đối với sản xuất kinh doanh, quốc phòng, an ninh, ổn định xã hội.
Đặc biệt là trong điều kiện tình hình căng thẳng trên thế giới và nguồn cung trong nước đang gặp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong vận hành một số dự án..." - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có giải pháp tổng thể, căn cơ để kịp thời giải quyết những vướng mắc của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đảm bảo an ninh năng lượng ngay từ trong nước; xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng về đầu tư và kinh doanh; nghiên cứu, đề xuất mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống; thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch, rạch ròi giữa dự trữ quốc gia, dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh, đầu mối về xăng dầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Tiếp tục điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp."
Trong đó, Chính phủ tiếp tục rà soát lại, điều chỉnh các loại thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức hao hụt, định mức chi phí, định mức lợi nhuận,... cấu thành trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp trước tình hình thực tiễn, góp phần kiểm soát giá xăng dầu nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao.
Sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân.
Chính phủ sớm trình các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về giảm thuế môi trường đối với xăng dầu ngay tại Phiên họp thứ 9, đợt 2, trong tháng 3/2022, từ đó có thể thực hiện ngay từ tháng 4.
Trường hợp có những diễn biến phức tạp, kết hợp với Quỹ bình ổn xăng dầu và điều hành về thuế. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì phải sử dụng các công cụ khác về bình ổn thị trường, hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng, người dân có những khó khăn do giá xăng dầu tăng cao như ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp.
"Vấn đề này thực tế đã có kinh nghiệm quản lý điều hành trong giai đoạn 2011-2013, khi giá xăng dầu tăng rất cao", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, trái quy định; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu.
Nội dung: Hà Lan
Đồ họa: Hoàng Việt