Yên Bái: Cần làm rõ thông tin Công ty khoáng sản Đại Phát xả thải gây đổi màu dòng suối
Lượng lớn nước thải của nhà máy tuyển quặng Công ty khoáng sản Đại Phát (Văn Yên, Yên Bái) chảy ra suối.
Qua phản ánh của người dân và ghi nhận thực tế tại khu vực bể lắng thải nhà máy tuyển quặng của Công ty Cổ phần khoáng sản Đại Phát (địa chỉ thôn Khe Pháo, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường phát hiện đường ống nước thải làm đổi màu dòng suối chảy ra sông Hồng.
Một số người dân sinh sống gần đây cho biết, ống thải này thường xuyên thải ra dòng suối, nhưng việc này không biết có gây ô nhiễm hay không, phải cơ quan chức năng kiểm tra mới rõ được.
Tại hiện trường, nước tuyển quặng đổ ra với lưu lượng rất lớn từ bể lắng chảy qua đường ống thải kích thước đường kính lớn với màu nước đỏ ngầu, đục và có bọt làm đổi màu dòng suối, gây sói mòn dòng chảy. Con suối ấy chỉ một đoạn nhỏ là chảy ra sông Hồng.
Trao đổi qua điện thoại với Chủ tịch UBND xã Châu Quế Hạ - ông Ngô Quyết Chiến cho biết: "Phía xã không nhận được phản ánh nào. Và nhiều lần kiểm tra thì không thấy có vấn đề gì".
Về việc này, bà Vũ Thị Sáu - Giám đốc Công ty Cổ phần khoáng sản Đại Phát cho hay: "Hiện tại công ty có 4 hồ nước thải, nước thải qua 3 hồ sau đó mới qua hồ cuối cùng, phần nước mặt chúng tôi cho thải ra ngoài. Phần nước thải chảy ra ngoài là nước mặt, quặng sắt này không có chất độc, chất hại gì hết.
Khi nước trên mặt có màu lờ lờ thì không tránh khỏi vì khi tuyển, đất cát nó chảy ra mà. Phần nước ở bể chúng tôi bơm tuần hoàn lên, đợt vừa rồi, máy bơm bị hỏng chưa sửa được nên mới như vậy thôi. Về mẫu nước, bên Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Yên Bái đã lấy mẫu 4 lần rồi.
Còn về phần bùn thải chúng tôi đang xử lý vét lên để ở ven bờ rồi khi nắng lên cho nó khô thì sau đó chúng tôi mới mang đi đổ”.
Bà Sáu cho biết thêm, hiện các doanh nghiệp khai thác quặng sắt đang gặp nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được đi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xả thải ra ngoài môi trường không đúng quy định sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn nước và cuộc sống người dân dưới hạ lưu.
Mới đây, trong buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái (25/9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: "Là địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch, cảnh quan thiên nhiên, Yên Bái phải hết sức chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần."
Qua đó, việc bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế cũng được Chính phủ, tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm.
Theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản nêu tại Điều 21 quy định vi phạm quy định của giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
Bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như không thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động xả nước thải vào nguồn nước cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Không báo cáo kịp thời về cơ quan cấp phép và cơ quan chức năng ở địa phương trong trường hợp có sự cố ô nhiễm nguồn nước do hành vi xả nước thải gây ra; Báo cáo không trung thực, không đầy đủ về hoạt động xả nước thải vào nguồn nước cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm xả nước thải vào nguồn nước không đúng vị trí, tọa độ quy định trong giấy phép; xả nước thải vào nguồn nước không đúng chế độ, phương thức quy định trong giấy phép.
Hiện gần 70% lượng nước thải công nghiệp, sinh hoạt, 40% lượng nước thải y tế trong cả nước chưa được xử lý triệt để. Nhiều khu vực thuộc các lưu vực sông lớn như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đồng Nai,… luôn ô nhiễm nghiêm trọng do phải tiếp nhận các loại nước thải chưa qua xử lý. Các chuyên gia môi trường cho rằng việc xử lý triệt để nước thải đang đặt ra cấp thiết. Bởi nếu làm tốt công tác này chúng ta không chỉ xử lý ô nhiễm môi trường mà còn tái sử dụng, tiết kiệm tài nguyên nước.
Đức Hà