Thứ sáu, 22/11/2024 21:31 (GMT+7)
Thứ năm, 01/04/2021 17:00 (GMT+7)

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường

Theo dõi KTMT trên

Công nghệ xanh là ứng dụng công nghệ không gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, nó còn giúp giảm lượng khí thải carbon và thanh lọc không khí, tạo cho con người thói quen sống sạch và xanh hơn mỗi ngày.

Công nghệ xanh hay còn gọi là công nghệ môi trường hoặc công nghệ sạch là ứng dụng công nghệ không gây ô nhiễm môi trường. Công nghệ xanh sẽ thải ra ở mức thấp nhất các chất gây ô nhiễm. Ngoài ra, nó còn giữ cho môi trường tự nhiên và các nguồn tài nguyên bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất. 

Dưới đây là top 20 công nghệ xanh thân thiện với môi trường tự nhiên.

Hệ thống sưởi

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường - Ảnh 1

Con người là những sinh vật khá nhạy cảm với nhiệt độ. Điều đó có nghĩa là chúng ta sử dụng khá nhiều năng lượng vào hệ thống sưởi ấm và điều hoà mỗi năm. Nhưng hãy thử tưởng tượng có một hệ thống tích trữ không khí nóng của hè để sử dụng nó vào mùa đông. Nghe thật giống trong các bộ phim khoa học viễn tưởng phải không. Tuy nhiên, giấc mơ đó đã được biến thành hiện thực bởi một trường đại học ở Thuỵ Sĩ.

Thiết kế này được tạo ra bởi Gerhard Schmitt. Theo thiết kế này, các nguồn năng lượng dư thừa như sự tỏa nhiệt của máy móc sẽ được bơm xuống lòng đất và trữ trong suốt mùa hè. Khi mùa đông đến, những khí nóng này sẽ đẩy ngược lại vào các toà nhà như một hệ thống sưởi ấm. Thiết kế này không chỉ đem lại nhiều lợi ích mà còn giúp giảm thiểu lượng carbon thải ra môi trường.

Pin năng lượng mặt trời

Pin năng lượng mặt trời là thiết bị chuyển hoá trực tiếp ánh sáng của mặt trời thành năng lượng điện. Các tấm pin này sẽ được lắp trên mái nhà, ốp tường… Lúc này, nguồn điện được chuyển hoá sẽ dùng cho cả gia đình. Nó giúp các gia đình kiểm soát được lượng điện sử dụng. Không những vậy, nguồn năng lượng này là năng lượng sạch có thể tái tạo.

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường - Ảnh 2

Sản xuất điện từ năng lượng gió

Năng lượng gió là loại năng lượng được sử dụng từ hàng trăm năm nay. Con người đã sử dụng năng lượng gió để di chuyển khinh khí cầu, thuyền buồm, cối xay gió…

Ý tưởng sản xuất điện từ năng lượng gió được hình thành từ khi điện và máy phát điện ra đời. Ban đầu thiết bị này gọi là cối xay gió. Tuy nhiên, khái niệm này không còn phù hợp với hiện tại nữa. Do không còn có thiết bị nghiền nên hiện nay, người ta gọi các thiết bị này là tuabin gió.

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường - Ảnh 3

Gió là nguồn năng lượng từ tự nhiên và không thổi đều đặn. Vì vậy, để năng lượng được cung cấp liên tục, phải kết hợp sử dụng kèm với năng lượng khác như năng lượng mặt trời. Ngoài ra, có thể bơm nước vào bồn chứa để tuabin vận hành khi không đủ gió. Tuy nhiên, với những tuabin  gió có bơm trữ khi xây dựng sẽ ảnh hưởng đến thiên nhiên vì phải xây trên đỉnh núi cao.

Thẻ tín dụng xanh

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường - Ảnh 4

Theo điều tra, vấn đề môi trường mới chỉ dừng lại ở ý thức chứ chưa có hành động thực sự. Khi có các dịch vụ, nhiều người khá bỡ ngỡ và cảm thấy lạ, thậm chí là không thích vì chi phí cao. 

Để giảm chi phí, hãng tài chính GE Finance đã kết hợp với MasterCard tạo nên thẻ tín dụng xanh. Chiếc thẻ này hoạt động bằng cách trích 1% từ tiền mua sắm của chủ thẻ để bù đắp lượng CO2 thải ra. Lượng khí thải này được đánh giá bởi dịch vụ tài chính năng lượng GE và AES. Theo tính toán, nếu 1 người tiêu 750 USD/tháng thì họ đã tiêu đủ để bù lượng khí thải thải ra môi trường trong 1 năm.

Tấm lợp sinh thái

Tấm lợp sinh thái là loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, được sản xuất từ sợi hữu cơ cellulose, acrylic và chất chống thấm asphalt theo phương pháp ép lớp.

Nhờ vậy nó có khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt, không bị ăn mòn, rất phù hợp với các công trình ven biển. Ngoài ra, tấm lợp còn có khả năng chống nóng, cách âm tốt và giúp tiết kiệm điện năng dùng cho điều hòa vào những ngày nhiệt độ tăng cao.

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường - Ảnh 5
Tấm lợp sinh thái được sản xuất từ sợi hữu cơ.

Tại Việt Nam, ngói Onduline được sử dụng phổ biến cho lợp mái nhà sinh thái và cũng là thương hiệu sản xuất vật liệu xanh hàng đầu theo tiêu chí an toàn sức khỏe cho con người đạt chuẩn Quốc tế.

Đèn LED

Đèn LED là công nghệ đèn tiếp bước đèn CFL nhưng có giá rẻ hơn rất nhiều. Với năng lượng sử dụng chỉ bằng 1/10, tuổi thọ lên tới 50.000 giờ, đèn LED đã đánh bại đèn sợi đốt, thậm chí là đèn CFL. Công nghệ này hiện đang được ứng dụng trong đèn ô tô, điện thoại, tivi. Ngoài ra, với những cửa hàng thường xuyên phải thắp sáng thì đèn LED là lựa chọn tối ưu.

Xe máy điện

Xe máy điện là loại xe có thiết kế và công suất tương đương với xe máy 50cc đời mới. Điểm khác biệt là xe máy điện sử dụng động cơ điện thay vì động cơ xăng. Vì vậy xe máy chạy bằng điện không có khí thải trực tiếp ra môi trường như xe máy, ô tô… sử dụng động cơ đi-ê-zen, động cơ xăng…

Các dòng xe máy điện thường có công suất trung bình từ 500W trở lên. Vận tốc tối đa mà xe máy điện có thể đạt được là 50 km/h. Các dòng xe máy điện được nhiều người ưa chuộng có thể kể đến như Xmen, Vespa, Klara, Zoomer….

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường - Ảnh 6

Tái chế công nghệ cao

Tái chế công nghệ cao sử dụng bộ cảm biến có thể tự động phân loại rác mà không cần sức người. Sau khi phân loại sơ qua, nam châm sẽ hút sắt và thép có trong rác. Trong khi đó, quạt gió giúp thổi các bao giấy. Máy ly tâm và sàng lắc sẽ chia các chất thải còn lại.

Canh tác thẳng đứng

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường - Ảnh 7

Đây là phương pháp canh tác sử dụng hydroponics (trồng trong nhà, không dùng đất, chỉ dùng chất dinh dưỡng). Theo phương pháp này, các cây sẽ được trồng xếp lên nhau và chỉ sử dụng đèn LED làm ánh sáng quang hợp. Với phương thức canh tác này, năng suất sẽ cho gấp 100 lần so với bình thường.

Đô thị xanh

Đô thị này được xây dựng ở Thiên Tân (Trung Quốc). Dự kiến, khu đô thị sinh thái phức hợp này sẽ có chiều dài hơn 30 km. Sức chứa dân cư lên tới 350.000 người. Khu đô thị này sẽ sử dụng công nghệ khử mặn nước biển, tái chế nước thải, năng lượng gió và năng lượng mặt trời. 90% phương tiện trong đô thị xanh sẽ là phương tiện công cộng. Vì vậy, lượng thải carbon ra môi trường là hầu như không có.

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường - Ảnh 8

Tháp sinh thái

Tháp sinh thái Phoenix được xây dựng ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Tháp được trang bị bộ lọc làm sạch nước hồ gần đó. Tháp cũng trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời, tuabin gió để cung cấp năng lượng cho tháp. Trong khi đó, với vườn canh tác thẳng đứng và lớp hấp thụ ô nhiễm sẽ giúp làm sạch không khí thành phố.

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường - Ảnh 9

Ống vận chuyển hành khách Hyperloop

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường - Ảnh 10

Sáng chế này thuộc về ông Elon Musk. Ông đã đưa ý tưởng hệ thống giao thông Hyperloop dạng ống. Hệ thống này có thể đưa khách từ Washington DC đến Bắc Kinh chỉ trong vòng 2 giờ. Vận tốc của các ống vận chuyển này lên tới 700 – 800 dặm/giờ. Đường ống sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp điện mà không ảnh hưởng đến môi trường. Hiện hệ thống này mới chỉ trên trang giấy và chưa được thực thi.

Bê tông nhẹ

Đây là sản phẩm dùng công nghệ chưng áp khí, không nung. Bê tông nhẹ làm thành gạch khối, tấm sàn mái, tấm tường.

Ưu điểm sản phẩm là nhẹ hơn 1/2 so với gạch đất sét nung, từ đó, tiết kiệm được chi phí nền móng. Theo nhà sản xuất cho biết, do cấu trúc và thành phần bê tông nhẹ nên có khả năng cách nhiệt, có thể giảm khoảng 30% điện năng cho máy lạnh. Hơn nữa, loại bê tông này còn có khả năng cách âm, giảm khoảng 1/2 so với vật liệu gạch truyền thống, chống cháy được khoảng bốn giờ. Bề mặt phẳng đều nên tiết kiệm vữa trát tường.

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường - Ảnh 11

Công nghệ phủ HPS

Công nghệ phủ HPS là lớp phủ cách nhiệt nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí điện và khí carbon. Công nghệ này có thể chặn được 85% tia hồng ngoại và 99% tia tử ngoại. Khi sử dụng công nghệ này, nhiệt độ trong nhà có thể giảm 5 – 8 độ C. Chi phí điện năng có thể giảm được từ 20 – 30%.

Công nghệ này được đánh giá khá cao vì ứng dụng được cả với tường bê tông, gỗ và nhựa. Nó còn thích ứng được với mọi điều kiện thời tiết.

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường - Ảnh 12

Vỉa hè lạnh

Vào mùa hè, các thành phố lớn nắng nóng gay gắt, nhiệt độ lòng đường có thể lên tới 65°C. Với vỉa hè lạnh, nhiệt độ có thể giảm 4-5°C so với bình thường. Hiện các nhà nghiên cứu đang tìm cách để mặt đường phản xạ nhiều hơn, hấp thụ ít nhiệt hơn.

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường - Ảnh 13

Bê tông sinh thái

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường - Ảnh 14

Bê tông sinh thái được coi là vị cứu tinh của không khí. Theo đó, nó sẽ “nuốt” sương khói và các loại ô nhiễm bằng cách chuyển oxi nitơ có hại thành nitơ không có hại. Hà Lan là đất nước đầu tiên sử dụng công nghệ này. Kết quả đạt được là giảm 45% lượng khí thải trên đất nước này.

Máy lọc nước

Máy lọc nước là thiết bị sử dụng công nghệ lọc RO. Công nghệ này có thể loại bỏ mọi tạp chất như bùn đất, thuốc trừ sâu, lượng clo… Ngoài ra, nó còn có thể lọc các loại vi khuẩn, vi sinh vật có kích thước siêu nhỏ. Không những vậy, nó còn bổ sung các khoáng chất có lợi, tạo ra nguồn nước tinh khiết, an toàn.

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường - Ảnh 15

Sơn sinh thái

Sơn sinh thái là một trong những loại vật liệu xanh mà bạn không nên bỏ lỡ. Bởi nó đã được loại bỏ tạp chất độc hại, không có chì, thủy ngân cũng như chất hữu cơ độc hại VOC. Đặc biệt, nó có thể hấp thụ được mùi hôi, khí CO2, chống cháy và ăn mòn, chống lại các tầng sóng có hại như sóng điện tử, bảo vệ sức khỏe cho con người.

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường - Ảnh 16
Các dòng sơn sinh thái sản xuất hiện nay có khả năng hấp thụ được CO2.

Giá sơn sinh thái đắt hơn sơn thông thường 2 – 3 lần nhưng có độ bền đến 25 năm, không bị ẩm mốc hay nứt, trong khi các sơn thông thường chỉ vài năm sẽ có tình trạng xuống cấp, mất thêm chi phí sơn lại.

Lá quang điện Solar Ivy

Solar Ivy là một hệ thống pin năng lượng đáng ngạc nhiên với bề mặt mỏng và tạo ra năng lượng bằng cách treo chúng dưới ánh sáng mặt trời hoặc những nơi có gió. Các tấm lá này có thể dễ dàng tích hợp tại các toà nhà để tạo ra năng lượng. Phát minh được tạo ra bởi SMIT ở Brooklyn.

Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường - Ảnh 17

Cấu tạo của nó một lớp polyetylen và một máy phát áp điện. Khi mặt trời chiếu vào hoặc gió thổi, năng lượng sẽ được tạo ra thông qua Solar Ivy.

Solar Ivy có kích thước 4 x 7 feet và có khả năng tạo ra 85 Watts mỗi khi có ánh nắng hoặc gió thổi. Ưu điểm của hệ thống này là có thể dễ dàng gắn trên tường thẳng đứng do có trọng lượng nhẹ.

Đặc biệt, những chiếc lá này không đón nguồn sáng từ 1 hướng. Ngược lại với cơ chế có thể di chuyển, chúng có thể đón ánh mặt trời từ nhiều hướng khác nhau. Ngoài ra, nó được thiết kế khá giống với những chiếc lá thật nên đem lại thẩm mỹ cao.

Máy lọc không khí

Máy được sử dụng với mục đích lọc không khí. Theo đó, máy có thể loại bỏ các loại bụi kể cả bụi mịn, nấm mốc, mùi hôi. Ngoài ra, máy lọc không khí còn có chức năng giảm tĩnh điện, dưỡng ẩm cho tóc và da, bắt muỗi…

Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết Xu hướng công nghệ xanh thân thiện với môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới