Thứ sáu, 29/03/2024 13:42 (GMT+7)
    Thứ ba, 16/03/2021 06:20 (GMT+7)

    Tái chế vải vụn vì một tương lai xanh

    Theo dõi KTMT trên

    Ở Vụn Art, tận dụng nguồn vải vụn, vải thừa từ chính làng lụa Vạn Phúc, những người thợ đang ngày ngày tỉ mẩn tạo ra những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa truyền thống lại vừa hiện đại.

    Ngành dệt may nói chung và ngành may xuất khẩu ở Việt Nam nói riêng đang phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế- xã hội mà nó mang lại thì trong quy trình sản xuất, các xưởng may còn thải ra một khối lượng lớn chất thải rắn công nghiệp, với thành phần chủ yếu là vải vụn. Vì vậy, bài toán xử lý các chất thải công nghiệp, chủ yếu là vải vụn, từ các xưởng dệt may vẫn đang dừng lại ở việc thu gom, chôn lấp, trở thành mối nguy hại đe dọa đến môi trường.

    Tác động tiêu cực đến môi trường sống

    Tái chế vải vụn vì một tương lai xanh - Ảnh 1
    Những đống vải vụn ngày nào cũng âm ỉ cháy.

    Theo TS Đặng Chí Hiền, Trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ Hóa Dược phẩm, Viện Công nghệ hóa học cho biết, khói do đốt các loại phế thải như vải sợi tổng hợp, len dạ, thuộc da, nhựa vụn này cực kỳ nguy hiểm vì có chứa nhiều lưu huỳnh, Nox, sulfur dioxide (SO2), hydrocarbon, ammonia và nhiều hợp chất cực kỳ độc hại. Phải đốt trong lò chuyên dụng ở 1.000 độ C mới đảm bảo an toàn tuyệt đối, còn đốt âm ỉ sẽ sinh ra vô số chất độc hại trong đó có dioxin. Theo tính toán, nếu cho khói thải từ những nhiên liệu này vào trong phòng kín thì người trong phòng sẽ tử vong trong chốc lát. Còn trong không gian rộng, khí bị pha loãng nên chỉ có cảm giác ngạt, khó thở và ảnh hưởng từ từ. 

    Theo TS Phạm Tiến Dũng, nguyên Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ Lao động TP.HCM cho biết: Trong vải tổng hợp có các sợi polyester, khi đốt không cháy hết sẽ tạo thành khí carbon nặng tích tụ vào môi trường, trong đó có các thành phần gây ra những căn bệnh nguy hiểm cho con người tùy vào mức độ hít vào cơ thể.

    Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, việc đốt nhiều vải vụn, rơm rạ trong cùng một lúc sẽ làm nóng bầu khí quyển, khiến nhiệt độ trở nên nóng hơn. Vì lý do đó, sự lưu thông khí kém hơn, trong khi đó mức độ ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn (như Hà Nội, TP.HCM) liên tục gia tăng do khí thải độc hại từ động cơ và từ các khu công nghiệp không thoát lên cao, mà tập trung dưới mặt đất nên dễ gây ra hiện tượng mù quang hóa.

    Ông Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, vào những thời điểm chất lượng không khí xấu, chỉ số ô nhiễm cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên tim mạch, hô hấp cũng tăng cao.

    Tái chế vải vụn vì một tương lai xanh - Ảnh 2
    Khói đen, mùi vải cháy khét lẹt bốc lên khắp vùng.

    Ngoài ra, một phần việc tái chế rác thải (bao gồm vải vụn từ các ngành dệt may) đều được thực hiện chung một biện pháp xử lý duy nhất là chôn xuống đất. Biện pháp này là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm cho môi trường sinh thái, nhất là môi trường nước và ảnh hưởng đến cuộc sống của con người.

    Giải pháp xanh từ những mảnh vải vụn

    Tại Việt Nam, ngành dệt may đang phát triển mạnh cùng với những lợi ích kinh tế to lớn. Tuy nhiên, bài toán xử lý chất thải công nghiệp, chủ yếu là vải vụn, từ các xưởng dệt may vẫn đang dừng lại ở việc thu gom, chôn lấp, đe dọa môi trường sống.

    Hiểu được điều này, ở Hợp tác xã Vụn Art, tận dụng nguồn vải vụn, vải thừa từ chính làng lụa Vạn Phúc, những người thợ đang ngày ngày tỉ mẩn tạo ra những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa truyền thống vừa hiện đại. Những miếng vải tưởng chừng như thừa thãi, chỉ để vứt đi, lại có thể được "hồi sinh" một cách sống động, rực rỡ đủ sắc màu.

    Tái chế vải vụn vì một tương lai xanh - Ảnh 3
    Phòng trưng bày các sản phẩm phục vụ khách tham quan của Vụn Art. (Ảnh: Hà Hoài/Vietnam+)

    Được ra đời từ tháng 8/2018, tới nay hợp tác xã đã trở thành nơi đào tạo và làm việc của 21 người khuyết tật. Hằng ngày, những bạn trẻ khuyết tật vẫn dùng những đôi bàn tay tỉ mẩn với từng mảnh vụn vải nhỏ, cắt, ghép, dán…, tạo thành những bức tranh lớn nhỏ, những chiếc túi vải… đậm màu sắc văn hóa Việt Nam. Từ các bức tranh dân gian Đông Hồ, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hồ Gươm..., tất cả đều có ý nghĩa văn hóa và nhân văn sâu sắc.

    Nhận thấy những tích cực mà Vụn Art đem đến cho môi trường, nhiều xưởng may đã chủ động vận chuyển vải vụn về đây. Chất liệu để sản xuất tranh vải, túi vải thường là vải nỉ, bao bố thân thiện với môi trường. Điều này góp một phần to lớn trong việc giảm thiểu các chất thải dệt may bị thải ra môi trường.

    Tái chế vải vụn vì một tương lai xanh - Ảnh 4
    Những bức tranh dân gian được tái hiện sống động qua bàn tay tỉ mỉ của các thành viên Vụn Art. (Ảnh: Hà Hoài/Vietnam+)

    Bên cạnh đó, các hoạt động được tổ chức thường xuyên như trải nghiệm làm tranh ghép vải, làm túi thổ cẩm cắt, dán hình… cho các em nhỏ cũng góp phần rèn luyện sự khéo léo và truyền tải đến mọi người thông điệp bảo vệ môi trường, hướng đến một 'tương lai xanh'.

    Vụn Art vừa là ngôi nhà chung của đa số những người không may khiếm khuyết, vừa là nơi góp phần bảo vệ môi trường, lan tỏa “lối sống xanh” đến với cộng đồng.

    Thùy Linh

    Bạn đang đọc bài viết Tái chế vải vụn vì một tương lai xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    GDP quý I/2024 tăng 5,66%
    Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.