Thứ năm, 25/04/2024 01:15 (GMT+7)
    Thứ bảy, 06/03/2021 17:54 (GMT+7)

    Xu hướng sử dụng ‘vật liệu xanh’ trong xây dựng

    Theo dõi KTMT trên

    Ngày nay, xu hướng phổ biến đang được ngành xây dựng trên thế giới và trong nước lựa chọn là sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường bằng nguyên liệu mới, công nghệ mới.

    Theo các chuyên gia, các công trình xây dựng trên thế giới tiêu thụ khoảng 17% lượng nước sạch, 25% khối lượng gỗ từ rừng, gây ra 35% tổng lượng phát thải carbon trong quá trình xây dựng và vận hành.

    Ngoài ra, ngành sản xuất vật liệu xây dựng cũng gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường qua việc tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn khai thác nguyên liệu đến khâu xử lý và sản xuất các vật liệu thành phẩm. Những loại vật liệu xây dựng phổ biến như xi măng, thép, kính … cũng tiêu thụ rất nhiều năng lượng và tác động không nhỏ đến môi trường.

    Theo thống kê, để sản xuất được khoảng một tỉ viên gạch nung bằng đất sét sẽ phải tiêu tốn khoảng hơn 70 ha đất sét, hay đất nông nghiệp và lượng khí CO2 thải ra trong quá trình khai thác, sản xuất gạch lên tới gần 20 triệu tấn khí Hơn nữa, chưa kể đến sau khi công trình bị dỡ bỏ gạch nung hầu như không sử dụng tái chế lại được mà còn rất khó phân hủy, khi phân hủy gây hại cho đất và môi trường. Như vậy, có thể thấy rằng với việc sử dụng vật liệu truyền thống là gạch nung không chỉ rất gây hại cho môi trường sống của con người mà còn làm mất nguồn đất sử dụng trong nông nghiệp, gây xói mòn đất,…

    Vì vậy, xu hướng phổ biến đã và đang được ngành xây dựng trên thế giới và trong nước lựa chọn là sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường bằng nguyên liệu mới, công nghệ mới… Với việc sử dụng vật liệu xanh trong các công trình mang đến rất nhiều lợi ích như: tiêu tốn ít tài nguyên sản xuất hơn, có thể sử dụng tái chế giúp tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội,… quan trọng hơn cả góp phần bảo vệ môi trường một cách hiệu quả.

    Theo phân tích của các chuyên gia, việc phát triển dòng vật liệu thân thiện với môi trường còn giúp sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao...) mỗi năm để sản xuất vật liệu không nung. Từ đó có thể tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất thủ công.

    Trên thế giới, vật liệu xây dựng xanh đã và đang được sử dụng ở nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore… Tại các nước phát triển, tỉ lệ gạch không nung chiếm 70% trong các công trình xây dựng.

    Dưới đây là 5 loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường được sử dụng phổ biến hiện nay.

    Xốp cách nhiệt XPS

    Xốp cách nhiệt XPS được làm từ chất dẻo Polystyrene an toàn với người dùng và đặc biệt thân thiện với môi trường. Vật liệu này không tạo ra chất độc nguy hiểm bốc hơi nào, không bị nấm mốc, ăn mòn và các tấm dư thừa có thể tái sử dụng.

    Xu hướng sử dụng ‘vật liệu xanh’ trong xây dựng - Ảnh 1
    Ảnh minh họa.

    Loại xốp này có độ chắc khỏe, bền do sự ổn định của cấu trúc hóa học và vật lý của nó. Mặc dù đã được sử dụng trên 50 năm, khả năng cách nhiệt của nó vẫn đạt trên 80% so với giai đoạn ban đầu.

    Tấm lợp sinh thái

    Tấm lợp sinh thái là loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, được sản xuất từ sợi hữu cơ ellulose, acrylic và chất chống thấm asphalt theo phương pháp ép lớp.

    Nhờ vậy nó có khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt, không bị ăn mòn, rất phù hợp với các công trình ven biển. Ngoài ra, tấm lợp còn có khả năng chống nóng, cách âm tốt và giúp tiết kiệm điện năng dùng cho điều hòa vào những ngày nhiệt độ tăng cao.

    Xu hướng sử dụng ‘vật liệu xanh’ trong xây dựng - Ảnh 2
    Tấm lợp sinh thái được sản xuất từ sợi hữu cơ.

    Tại Việt Nam, ngói Onduline được sử dụng phổ biến cho lợp mái nhà sinh thái và cũng là thương hiệu sản xuất vật liệu xanh hàng đầu theo tiêu chí an toàn sức khỏe cho con người đạt chuẩn Quốc tế.

    Bê tông nhẹ

    Đây là sản phẩm dùng công nghệ chưng áp khí, không nung. Bê tông nhẹ làm thành gạch khối, tấm sàn mái, tấm tường.

    Cốt liệu sản phẩm được làm từ cát, nước, vôi, xi măng qua công nghệ trộn với bột nhôm, phụ gia đổ vào khuôn. Từ đó, hỗn hợp cho phản ứng lý hoá tạo sự giãn nở thành những túi khí bên trong nên sản phẩm có độ rỗng cao. Sau đó cho vào nồi hấp chưng áp có nhiệt độ và áp suất cao.

    Xu hướng sử dụng ‘vật liệu xanh’ trong xây dựng - Ảnh 3
    Bê tông nhẹ giúp tiết kiệm chi phí nền móng. (Ảnh minh họa)

    Ưu điểm sản phẩm là nhẹ hơn 1/2 so với gạch đất sét nung, từ đó, tiết kiệm được chi phí nền móng. Theo nhà sản xuất cho biết, do cấu trúc và thành phần bê tông nhẹ nên có khả năng cách nhiệt, có thể giảm khoảng 30% điện năng cho máy lạnh. Hơn nữa, loại bê tông này còn có khả năng cách âm, giảm khoảng 1/2 so với vật liệu gạch truyền thống, chống cháy được khoảng bốn giờ. Bề mặt phẳng đều nên tiết kiệm vữa trát tường.

    So với gạch thông thường, bê tông nhẹ có giá thành cao khoảng 10 – 15% nhưng lại giảm được nhiều chi phí khác như nền móng, vữa xây tô, điện năng điều hoà không khí… Đây là một loại vật liệu xây dựng không gây ảnh hưởng đến môi trường, giảm được khí thải phát ra trong quá trình sản xuất.

    Sơn sinh thái

    Sơn sinh thái là một trong những loại vật liệu xanh mà bạn không nên bỏ lỡ. Bởi nó đã được loại bỏ tạp chất độc hại, không có chì, thủy ngân cũng như chất hữu cơ độc hại VOC. Đặc biệt, nó có thể hấp thụ được mùi hôi, khí CO2, chống cháy và ăn mòn, chống lại các tầng sóng có hại như sóng điện tử, bảo vệ sức khỏe cho con người.

    Xu hướng sử dụng ‘vật liệu xanh’ trong xây dựng - Ảnh 4
    Các dòng sơn sinh thái sản xuất hiện nay có khả năng hấp thụ được CO2.

    Giá sơn sinh thái đắt hơn sơn thông thường 2 – 3 lần nhưng có độ bền đến 25 năm, không bị ẩm mốc hay nứt, trong khi các sơn thông thường chỉ vài năm sẽ có tình trạng xuống cấp, mât thêm chi phí sơn lại.

    Vật liệu từ đất

    Các vật liệu có nguồn gốc từ đất có thể kể đến như gạch không nung, hỗn hợp đất sét trộn với lõi ngô và vôi, đất nện từng được sử dụng cho mục đích xây dựng. Để gia tăng khả năng chịu lực và độ bền cho vật liệu, người ta có thể bổ sung thêm cỏ, rơm rạ hay các loại sợi cắt nhỏ khác. Các công trình được làm từ các vật liệu này có khả năng cách nhiệt rất cao và chi phí cạnh tranh.

    Trong tương lai, vật liệu xây dựng không nung sẽ thay thế gạch đất sét nung, giúp tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường. Hơn nữa loại vật liệu này có khả năng giảm bớt chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả chung cho xã hội.

    Thùy Linh

    Bạn đang đọc bài viết Xu hướng sử dụng ‘vật liệu xanh’ trong xây dựng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới