Tái chế khẩu trang đã qua sử dụng thành vật liệu làm đường
Trước thực trạng một lượng lớn khẩu trang dùng một lần bị vứt bỏ, nhất là khi đại dịch Covid-19 hoành hành, nhiều sáng kiến tái chế khẩu trang đã qua sử dụng được đưa ra.
Ước tính mỗi ngày có khoảng 6,8 tỉ khẩu trang dùng một lần được sử dụng trên toàn cầu. Do đó, việc tìm ra phương án xử lý khẩu trang và các trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) bị thải ra môi trường sau khi sử dụng trong dịch Covid-19 là một vấn đề rất quan trọng.
Mới đây, các nhà khoa học tại Đại học RMIT đã nghiên cứu thành công phương pháp xử lý lượng khẩu trang y tế khổng lồ bị thải ra môi trường mỗi ngày trong suốt năm qua.
Cuối cùng, giải pháp được đưa ra là tái chế khẩu trang đã qua sử dụng để làm đường. Vật liệu được sử dụng để làm đường là hỗn hợp nghiền nhỏ của khẩu trang loại dùng một lần và xà bần (gạch, vữa, đất, đá… sau khi dỡ bỏ các công trình cũ).
Theo thiết kế của nhóm nghiên cứu, phần đường được cấu tạo bởi 4 lớp gồm lớp đất nền tự nhiên, lớp nền, lớp lót nền và lớp nhựa đường trên cùng. Xà bần qua xử lý được xem là một loại bê tông tái chế tổng hợp và có thể sử dụng cho cả ba lớp nền.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc thêm khẩu trang nghiền nhỏ vào vật liệu bê tông tái chế tổng hợp làm tăng thuộc tính vật liệu, đồng thời giải quyết các vấn đề về môi trường do rác thải từ trang bị bảo hộ cá nhân và rác thải xây dựng. Tỉ lệ trộn tối ưu nhất, là 1% khẩu trang nghiền với 99% bê tông tái chế tổng hợp, tạo nên độ gắn kết cao giữa hai loại vật liệu.
Loại vật liệu này có thể đáp ứng các chỉ tiêu an toàn trong xây dựng công trình dân dụng. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, bột khẩu trang giúp tăng thêm độ cứng và độ bền cho thành phẩm. Hỗn hợp vật liệu này có thể dùng để lót các lớp nền cho mặt đường và vỉa hè.
Nhóm nghiên cứu cho biết, sẽ cần đến 3 triệu chiếc khẩu trang đã qua sử dụng để làm vật liệu cho 1 km đường với hai làn xe, tương đương với việc giảm 93 tấn rác thải bị đẩy ra môi trường.
Đây không phải là sáng kiến đầu tiên có ý tưởng tái chế khẩu trang đã qua sử dụng. Trước đó, Kim Ha-neul, 23 tuổi - nam sinh đang theo học chuyên ngành thiết kế nội thất tại Hàn Quốc, đã nảy ra ý tưởng độc đáo thân thiện với môi trường, đó là tái chế những chiếc khẩu trang này thành ghế đẩu.
Kim Ha-neul cho biết, đã nảy ra ý tưởng trên khi thấy nhựa đều có thể tái chế, trong khi hầu hết các loại khẩu trang đều được làm từ sợi tổng hợp.
Khẩu trang y tế hữu ích đối với con người nhưng là hiểm họa mới đối với tự nhiên. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, rác thải khẩu trang được tìm thấy ở khắp nơi, từ đường phố, vỉa hè cho đến các bãi biển trên toàn thế giới.
"Khẩu trang y tế sẽ không sớm biến mất. Loại mặt nạ bảo vệ mỏng manh này có thể mất hàng trăm năm để phân hủy ngoài tự nhiên. Khi bị thải ra môi trường, chúng gây hại cho các loài động vật hoang dã", Ashley Fruno thuộc nhóm bảo vệ quyền động vật PETA nói với AFP.
Vào tháng 10 năm ngoái, các nhiếp ảnh gia đã bắt gặp hai mẹ con khỉ Macaque nhai ngấu nghiến một chiếc khẩu trang bỏ đi bên ngoài thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia do nhầm lẫn là thức ăn.
Trong một sự việc gây xôn xao dư luận khác ở Anh, tổ chức bảo tồn RSPCA đã báo cáo phát hiện một con mòng biển nằm bất động dưới mặt đất do bị quai đeo khẩu trang quấn quanh chân ở thành phố Chelmsford. "Con vật chắc hẳn đã mắc kẹt trong một thời gian dài bởi khớp chân của nó bị sưng lên", thanh tra Adam Jones của RSPCA cho biết.
Rác thải khẩu trang không chỉ ảnh hưởng tới các loài trên cạn. Theo nhóm môi trường OceansAsia, hơn 1,5 tỉ chiếc khẩu trang y tế đã bị rửa trôi xuống các đại dương trên thế giới vào năm ngoái, tương đương khoảng 6.200 tấn rác thải nhựa, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của nhiều sinh vật biển.
Các nhà bảo tồn Brazil đã tìm thấy một chiếc khẩu trang bên trong dạ dày của một con chim cánh cụt sau khi xác của nó dạt vào bờ. Một mảnh khẩu trang khác cũng được tìm thấy trong xác cá nóc trôi nổi ngoài khơi bờ biển Miami của Mỹ. Hồi tháng 9, các nhà hoạt động vì môi trường của Pháp còn phát hiện một con cua chết do mắc kẹt bên trong khẩu trang ở một đầm phá nước mặn gần Địa Trung Hải.
Nhật Hạ