Dùng sợi nấm làm vật liệu cách âm
Việc sử dụng nấm làm vật liệu trong sản xuất da và bao bì "xanh" đang cho thấy nhiều hứa hẹn. Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã sử dụng nấm để thiết kế một loại vật liệu thân thiện với môi trường và có khả năng hấp thụ âm thanh hiệu quả.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều vật liệu cách âm khác nhau. Vật liệu cách âm chủ yếu được làm bằng vật liệu tổng hợp hoặc vật liệu gốc khoáng. Tuy nhiên, việc xử lý và tái chế cả hai vật liệu này không hề đơn giản và đặc biệt là có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Xuất phát từ thực tế trên, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Môi trường, An toàn và Năng lượng Fraunhofer của Đức đã sử dụng sợi nấm để chế tạo vật liệu thân thiện với môi trường có khả năng hấp thụ âm thanh.
Phần lớn nấm phát triển dưới dạng các sợi đa bào được gọi là sợi nấm. Sợi nấm là thành phần sinh dưỡng của nấm, được tạo thành từ các cấu trúc giống như sợi chỉ nên được gọi là sợi nấm. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu hoạch sợi nấm được trồng trong phòng thí nghiệm, sau đó bổ sung vào chất nền bao gồm rơm, sợi gỗ và chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất thực phẩm. Hỗn hợp này sau đó được in 3D thành hình dạng mong muốn.
Các sợi nấm tiếp tục phát triển trên khắp bè mặt ma trận ba chiều, tạo thành một chất rắn độc lập. Sau khi đạt độ rắn nhất định, vật liệu được sấy khô trong lò nung ở nhiệt độ cao nhằm ngăn chặn sự phát triển thêm của nấm. Kết quả là vật liệu có cấu trúc ô thoáng xốp "lý tưởng cho mục đích cách âm" ra đời.
Vật liệu mới không chỉ được làm hoàn toàn từ các thành phần tái tạo, có khả năng phân hủy sinh học. Một số thành phần có thể bị loại bỏ tuy nhiên vì được in 3D nên cấu trúc bên trong của vật liệu được tối ưu hóa để hấp thụ âm thanh.
Các nhà khoa học cho biết họ đang lên kế hoạch thực hiện những nghiên cứu sâu rộng hơn nhằm mục đích xác định dạng cấu trúc hoạt động hiệu quả nhất.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm ra ứng dụng của nấm trong việc sản xuất vật liệu xanh, thân thiện với môi trường.
Trước đó, Ecovative, một công ty ở Mỹ chuyên nghiên cứu về khoa học vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu xanh đã phát triển công dụng của nấm (thể sợi) như một nguồn nguyên liệu tự nhiên, cấu tạo nên vật liệu có thể thay thế cho bao bì nilon, nhựa tổng hợp truyền thống.
Được làm từ các phụ phẩm nông nghiệp kết hợp với sợi nấm, vật liệu xây dựng mới này có kết cấu rất chắc chắn, bền vững, và từng là một trong những ứng cử viên được đề cử cho giải thưởng Thiết kế của năm tại Bảo tàng Thiết kế Kensington, London, Anh.
Cụ thể, phần hệ sợi nấm được tách ra từ cấu trúc sinh dưỡng (rễ) cây nấm, đóng vai trò như một chất dính tự nhiên liên kết các chất thải cây trồng nông nghiệp như vỏ trấu, thân cây ngô,… lại với nhau. Hỗn hợp này kết dính chặt chẽ và tạo thành một loại “chất dẻo sinh học”.
Không giống như chất dẻo tổng hợp nhân tạo thông thường làm từ hóa dầu, “vật liệu sợi nấm” hoàn toàn từ hỗn hợp hữu cơ tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Trên thực tế, hãng kiến trúc The Living đã sử dụng loại vật liệu từ sợi nấm này để xây dựng tòa “tháp hữu cơ”, nằm tại sân trong của MoMA PS1 – trụ sở viện nghệ thuật New York, Mỹ. Tòa nhà với thiết kế dạng tròn hoàn toàn từ nguyên vật liệu tự nhiên, đã chiến thắng giải thưởng cao nhất tại hạng mục Chương trình Kiến trúc sư trẻ của năm (2014).
David Benjamin, người đứng đầu The Living cho biết, nguyên liệu mẫu mà bộ “Grow it Yourself” do Ecovative cung cấp là một phần vô cùng quan trọng trong quá trình thiết kế công trình. Nó không chỉ giúp đa dạng và thuận tiện hóa các sự lựa chọn, mà còn tạo cảm hứng khi sáng tạo.
Một số sản phẩm khác cũng sử dụng loại nguyên liệu này như: chiếc đèn bàn mang tên “Đèn nấm”, hoặc chậu cây trồng “Hoa nấm”, sáng tác bởi nhà thiết kế Danielle Trofe. Cả hai đều được làm hoàn toàn từ “vật liệu nấm” và tấm bần ép kết hợp với bê tông.
Hà My