Thứ năm, 02/05/2024 12:27 (GMT+7)
Thứ bảy, 26/03/2022 13:00 (GMT+7)

Xi măng đồng loạt tăng giá mạnh, Bộ Xây dựng yêu cầu công bố định kỳ giá vật liệu xây dựng

Theo dõi KTMT trên

Các nhà sản xuất xi măng trong nước vừa thông báo tăng giá bán xi măng ngay trong tháng 3 này. Nguyên nhân được đưa ra là, do giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt, giá xăng dầu và than đá tăng mạnh.

Trước áp lực tăng chi phí sản xuất, Xi măng Vissai Ninh Bình, Vicem Hà Tiên, Xuân Thành, Insee… đồng loạt tăng giá bán từ 100.000 đến 150.000 đồng/tấn từ nửa cuối tháng 3.

Xi măng tăng giá 3 lầntừ đầu năm 2021 đến nay

Trước đó, trong lần điều chỉnh giá vào ngày 11/3, giá xăng trong nước đã tăng lên mức gần 30.000 đồng/lít, đánh dấu kỳ tăng giá kỷ lục của mặt hàng này từ trước đến nay. Trong khi đó, giá than nhập khẩu đầu tháng 3/2022 cũng tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Xi măng đồng loạt tăng giá mạnh, Bộ Xây dựng yêu cầu công bố định kỳ giá vật liệu xây dựng - Ảnh 1
Từ đầu năm 2021 đến nay, xi măng đã tăng giá 3 lần. (Ảnh minh họa)

Để ổn định sản xuất, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, một số doanh nghiệp sản xuất xi măng đã phải điều chỉnh giá bán sản phẩm xi măng bao và xi măng rời. Thời điểm tăng giá được ấn định vào nửa cuối tháng 3.

Dưới tác động của Covid-19, sản lượng tiêu thụ giảm, trong khi chi phí sản xuất tăng cao, năm 2021, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp xi măng sụt giảm đáng kể.

Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 46% so với năm 2020, đạt 78 tỷ đồng.

Vicem Hà Tiên 1 đạt doanh thu 7.064 tỷ đồng, giảm 11,3% so với năm 2020 và chỉ thực hiện được gần 88% kế hoạch năm. Do chi phí tăng cao, nên lợi nhuận sau thuế giảm 31%, xuống còn 370 tỷ đồng.

Với toàn Tổng công ty Vicem, lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) năm 2021 đạt 2.050 tỷ đồng, bằng 86,5% kế hoạch năm và giảm 1,3% (26,6 tỷ đồng) so với năm 2020.

Mức tăng giá xi măng được các doanh nghiệp công bố khá thống nhất, phổ biến là tăng 100.000 đồng/tấn, như Xi măng Xuân Thành, Hà Tiên 1, Công Thanh, Duyên Hà, Xi măng Vissai Ninh Bình, Xi măng Hệ Dưỡng, Xi măng Sông Lam, Xi măng Insee, Chi nhánh phía Nam - Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả, Xi măng Đỉnh Cao (Topcement).

Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Long điều chỉnh tăng giá bán xi măng PCB40 các loại thêm 120.000 đồng/tấn. Cá biệt, một số đơn vị, như Công ty cổ phần Xi măng Thành Thắng Group tăng giá tới 150.000 đồng/tấn cho 2 thương hiệu xi măng Thành Thắng và Thịnh Thành.

Ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai cho biết trước quyết định tăng giá xi măng thêm 100.000 đồng/tấn kể từ ngày 20/3/2022, mức tăng này chưa đủ bù đắp chi phí đầu vào đang tăng “phi mã”. Đơn cử, tháng 2/2022, than cám phục vụ sản xuất xi măng có giá 60 USD/tấn, thì tháng 3 đã tăng lên tới 270 USD/tấn, mà cũng không dễ mua. Chưa kể, doanh nghiệp rất khó thuê tàu vận chuyển, giá cước vận tải biển cũng biến động hàng ngày.

Ông Trường cho hay: “Chúng tôi thường xuyên bị hãng tàu nước ngoài ‘delay’ như một chiêu trò để tăng giá cước”

Cùng với đó, Xí nghiệp Tiêu thụ và Dịch vụ Xi măng Hà Tiên 1 (Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1) cũng đã thông báo tăng giá bán xi măng Vicem Hà Tiên các loại xi măng bao và xi măng bao jumbo thêm 100.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT), áp dụng từ ngày 23/3. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, dù đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, nhưng vẫn không thể bù đắp chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay.

Do đó, Công ty phải xem xét cân đối lại giá bán xi măng để đảm bảo bù đắp một phần chi phí sản xuất.

Đẩy giá công trình xây dựng, nhà ở lên mặt bằng mới

Điều chỉnh tăng giá bán xi măng là việc tất yếu khi chi phí sản xuất tăng mạnh trong thời gian qua, nhất là giá xăng dầu và giá than. Giá than thường chiếm 35 - 40% giá thành sản xuất xi măng. Từ năm 2021, giá than nhập khẩu có thời điểm tăng khoảng 300%, thạch cao tăng khoảng 40%... Đà tăng này tiếp tục đi lên do căng thẳng Nga - Ukraine.

Xi măng đồng loạt tăng giá mạnh, Bộ Xây dựng yêu cầu công bố định kỳ giá vật liệu xây dựng - Ảnh 2
Thép chiểm tỷ trọng lớn trong giá vật liệu xây dựng. (Ảnh: VGP/ Toàn Thắng)

Giá than trên thị trường thế giới tăng mạnh từ cuối tháng 2/2022, có lúc đạt 446 USD/tấn, trong khi đầu năm 2022, giá chào bán chỉ là 175 USD/tấn. Hiện giá than được giao dịch ở mức hơn 350 USD/tấn. Công ty Kinh doanh và Nghiên cứu năng lượng Rystad Energy dự báo, giá than có thể vượt ngưỡng 500 USD/tấn trong năm 2022, khi giá khí đốt tăng mạnh có thể khiến các nước châu Âu chuyển sang sử dụng than.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, xi măng đã có 3 lần tăng giá, nhưng lần tăng giá này là cao nhất, với biên độ tăng 100.000-150.000 đồng/tấn. Trước đó, vào đầu năm 2021, các doanh nghiệp điều chỉnh giá bán xi măng tăng nhẹ ở mức 50.000 đồng/tấn và tháng 11/2021, tiếp tục điều chỉnh tăng 80.000-90.000 đồng/tấn.

Đà tăng “phi mã” của các loại vật liệu xây dựng thiết yếu, từ sắt thép, xi măng, đến gạch ngói, gốm sứ… đã đẩy giá công trình xây dựng, nhà ở lên mặt bằng mới. Bộ Xây dựng cho biết, quý IV/2021, giá chung cư tại TP.HCM tăng khoảng 2%, tại Bình Dương tăng khoảng 4%, tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng khoảng 5%. Thậm chí, giá căn hộ tại nhiều địa bàn đã tăng đến 10%. Các chuyên gia dự báo, giá công trình xây dựng trong năm 2022 sẽ còn đắt đỏ hơn.

Với mặt hàng xi măng, một khi chi phí sản xuất còn “nhảy múa”, trong khi than cho sản xuất xi măng chủ yếu đến từ nguồn nhập khẩu, chịu sự tác động trực tiếp từ giá thế giới, chưa ai dám khẳng định giá xi măng sẽ không tiếp tục biến động.

Kịp thời cập nhật công bố điều chỉnh giá vật liệu xây dựng

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Xây dựng bám sát diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, kịp thời cập nhật, công bố điều chỉnh giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh hiện tượng “đầu cơ, thổi giá”.

Theo quy định của Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 62/2020/QH14, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức xác định, công bố giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng tại địa phương, bảo đảm kịp thời với những biến động giá trên thị trường xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết.

Nghị định số 10/2021/NĐ -CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định UBND cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ này, trước tình hình giá cả nhiên liệu, vật liệu xây dựng chủ yếu đang có nhiều biến động, khó dự báo ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng, nhiều địa phương đã tổ chức xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng bám sát diễn biến thị trường và công bố kịp thời, theo định kỳ hàng tháng.

Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình trên địa bàn.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh các hiện tượng "đầu cơ, thổi giá".

Cùng với đó, thường xuyên rà soát, cập nhật các loại vật liệu xây dựng chủ yếu, thiết bị công trình phổ biến vào Danh mục để công bố. Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động nhiều, tổ chức xác định, công bố giá vật liệu xây dựng, hàng tháng, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện nghiêm việc công bố giá vật liệu xây dựng theo hướng dẫn và biểu mẫu quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021, đồng thời gửi kết quả về Bộ Xây dựng để theo dõi, tổng hợp.

Với các dự án, công trình được thực hiện theo cơ chế đặc thù thuộc phạm vi, đối tượng của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh chủ động giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về quản lý chi phí đầu tư xây dựng cho từng gói thầu/dự án thành phần.

Chỉ đạo Sở Xây dựng thường xuyên rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng, vận dụng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức dự toán xây dựng trong quá trình lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn; các công tác chưa có định mức, các định mức cần điều chỉnh, bổ sung, đề xuất giải pháp, báo cáo Bộ Xây dựng để được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời.

Đồng thời, cần tăng cường, nâng cao chất lượng công tác dự báo về khả năng cung - cầu trên địa bàn, về biến động giá, nhất là đối với các loại vật liệu xây dựng chủ yếu, chiếm tỉ trọng lớn trong chi phí đầu tư xây dựng đối với các dự án đang hoặc sẽ thực hiện trên địa bàn của tỉnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo; khắc phục các trường hợp thiếu nguồn cung trên địa bàn, tránh tình trạng lợi dụng khả năng cung – cầu để đầu cơ, tăng giá, trục lợi.

Trước tình hình giá cả nhiên liệu, vật liệu xây dựng chủ yếu đang có nhiều biến động, xu thế biến động tăng, khó dự báo ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xác định, công bố giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng…

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Xi măng đồng loạt tăng giá mạnh, Bộ Xây dựng yêu cầu công bố định kỳ giá vật liệu xây dựng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

9,27 tỷ USD vốn FDI chảy vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới