‘Bão giá’ vật liệu xây dựng: Nhà thầu điêu đứng, cao tốc Bắc - Nam gặp khó
Theo các chuyên gia, cần có chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các DN làm cao tốc càng sớm càng tốt. Bởi nếu “bão giá” tiếp tục kéo dài, không loại trừ sẽ có DN nghĩ tới giải pháp đối phó, kéo dài thời gian nhằm chờ giá vật liệu hạ nhiệt.
Giá vật liệu tăng phi mã
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1), hiện nay, trong 11 dự án hiện có một dự án đã hoàn thành (Cao Bồ - Mai Sơn), 7/10 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Trong đó, 4 dự án gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45; Cam Lộ - La Sơn; Dầu Giây - Phan Thiết; Phan Thiết - Vĩnh Hảo phải hoàn thành trong 2022.
Sau khi các nhà sản xuất công bố tăng giá đồng loạt từ cuối tháng 10/2021, giá nhiều loại vật liệu thiết yếu như: xi măng, sắt thép lại được đẩy lên một nấc mới. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng đã đồng loạt công bố đợt tăng giá mới trong những ngày cuối tháng 10. Mức điều chỉnh giá trong đợt này cao hơn nhiều so đợt tăng giá gần nhất. Trong đợt này, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã tăng giá bán khoảng 80.000 - 90.000 đồng/tấn. Thậm chí, có doanh nghiệp đã quyết định tăng đến 100.000 đồng/tấn như Xi măng Chinfon.
Không chỉ xi măng, thép cũng liên tục tăng giá và chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá nguyên liệu từ quặng sắt, than coke, thép phế liệu… tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (ở Trung Quốc và khu vực ASEAN) khiến giá phôi tăng mạnh. So với cuối năm 2021, giá thép các loại đã tăng hơn 3 triệu đồng/tấn và cao hơn đỉnh của năm 2021.
Giới kinh doanh sắt thép cho biết, giá thép liên tục tăng từ đầu năm đến nay chủ yếu do giá nguyên liệu thế giới đi lên. Cộng thêm một phần chi phí vận chuyển tăng cao vì cước tàu tăng, giá xăng dầu tăng… khiến giá thành sản xuất tại các công ty đi lên. Nguồn nguyên liệu trong nước vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp nên giá thép tại Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới.
Theo Báo cáo ngành vật liệu xây dựng từ VIRAC Research, dịch Covid-19 được kiểm soát nhờ độ tiêm phủ vaccine sẽ khiến các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động hơn. Các dự án đầu tư công được triển khai mạnh mẽ, những dự án bất động sản trên toàn quốc cũng sôi động hơn, tạo đà tiêu thụ mạnh vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép khiến giá các mặt hàng này sẽ tiếp tục neo cao. Hệ quả của đà tăng giá các mặt hàng vật liệu thiết yếu là đẩy giá công trình xây dựng lên mặt bằng mới. Việc giá thép tăng mạnh trong những tháng đầu năm và tiếp đà tăng giá trong quý IV đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư. Không ít chủ đầu tư đã không thể tiếp tục thi công vì tiếp tục làm thì lỗ, thậm chí nhiều chủ đầu tư đành buông xuôi để mặc dự án “đắp chiếu”.
Các chuyên gia dự báo, giá các loại vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Hoạt động sản xuất của Việt Nam liên thông với thế giới và chịu tác động trực tiếp từ các đợt tăng giá nguyên liệu nhập khẩu cũng như cung cầu tại từng thời điểm. Do đó, việc điều chỉnh tăng giá là đương nhiên. Có điều, nhiều ý kiến cho rằng, khi giá nguyên liệu đầu vào giảm, các doanh nghiệp trong nước vẫn không có động thái hạ giá, như vậy là không sòng phẳng với thị trường và người tiêu dùng.
Nhà thầu đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng
Thực tế, cho đến thời điểm này, biến động giá vật liệu xây dựng đã thực sự trở thành “cơn ác mộng” đối với các nhà thầu xây dựng, nhất là các nhà thầu thi công các dự án hạ tầng giao thông lớn.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ số giá xây dựng trong 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng 3,65% so cùng kỳ năm 2020, tác động chính là do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng đầu vào như: thép, nhựa đường, xi măng… và các mức tăng không phù hợp quy luật thông thường. Việc giá hàng loạt vật liệu xây dựng quan trọng tăng mạnh đang đẩy nhiều nhà thầu xây dựng đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn, phá sản. Theo đó, giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ thi công như đất, thép, xăng dầu, xi măng, nhựa đường… đang tăng từ 20 - 30%, vượt xa so với giá tại thời điểm bỏ thầu.
Cụ thể, thời điểm đấu thầu các gói thầu dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây cuối năm 2020, giá thép xây dựng khoảng 11.000 đồng/kg thì hiện nay đã tăng gấp đôi, vào khoảng hơn 20.000 đồng/kg. Với mức trượt giá này, đa số các nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đều lỗ nặng, càng thi công càng lỗ. Nếu tính theo giá hiện tại nhà thầu sẽ lỗ khoảng 30 - 40 tỷ đồng.
“Giá nguyên vật liệu đang tăng phi mã, như đợt bão giá từng xảy ra những năm 2008 - 2009. Không chỉ nguyên vật liệu chính như xăng dầu, nhựa đường, xi măng, sắt thép, mà nhiều mặt hàng khác còn tăng ăn theo như cát đá, sỏi.
Với mức trượt giá này, đa số các nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đều đang lỗ nặng, càng thi công càng lỗ. Nguồn lực doanh nghiệp có hạn, lỗ sâu ăn vào vốn. Trong khi nhân lực thi công cũng rất khó khăn vì Covid-19. Không chỉ thiếu nhân công mà còn phải tăng thêm nhiều chi phí quản lý, sinh hoạt, vừa làm vừa chống dịch” - Đại diện nhà thầu nhà thầu thi công tại 2 dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây cho hay.
Trong khi giá vật liệu theo thông báo giá của các địa phương đang chậm công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, hoặc công bố nhưng không theo kịp giá thị trường đã khiến các nhà thầu gặp nhiều khó khăn.
“Các dự án cao tốc Bắc-Nam áp dụng hình thức hợp đồng đơn giá điều chỉnh theo chỉ số giá, trong hợp đồng cũng đã cộng dự trù trượt giá. Nhưng hơn một năm qua giá nguyên vật liệu các loại tăng quá nhanh, nên phần dự phòng không đủ bù đắp”, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Dương Viết Roãn cho hay.
Gỡ nút thắt cho cao tốc Bắc - Nam
Rút kinh nghiệm từ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, nhiều ban Quản lý dự án đã sốt sắng tìm kiếm nguồn vật liệu mỏ cho dự án giai đoạn 2. Theo ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải), giải phóng mặt bằng và thiếu hụt nguồn vật liệu đất đắp là 2 điểm nghẽn lớn nhất với dự án giai đoạn 1, và có nguy cơ lặp lại ở giai đoạn 2 nếu không sớm có giải pháp.
Bên cạnh đó, để giảm bớt thiệt hại và hỗ trợ nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, các nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam cũng đề xuất, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép thuê tư vấn xây dựng chỉ số giá riêng cho từng gói thầu. Trong thời gian chưa lập và phê duyệt chỉ số giá riêng cho dự án, Bộ Giao thông Vận tải cho phép tạm thanh toán điều chỉnh giá theo chỉ số giá của địa phương công bố. Sau khi được phê duyệt điều chỉnh sẽ thanh toán bù trừ để kịp thời bù đắp một phần trượt giá giúp nhà thầu giảm bớt khó khăn.
Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, việc công bố giá vật liệu xây dựng phải phù hợp yêu cầu thiết kế, kỹ thuật, mặt bằng giá thị trường, phản ánh đúng mức độ biến động giá trên thị trường khu vực xây dựng.
Tuy nhiên, do diễn biến bất thường của giá xăng, dầu trong thời gian qua nên giá các loại vật liệu xây dựng đã liên tục leo thang khiến cho nhiều nhà thầu tại cao tốc Bắc – Nam gặp khó.
Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp làm cao tốc càng sớm càng tốt bởi nếu “bão giá” tiếp tục kéo dài, không loại trừ sẽ có doanh nghiệp nghĩ tới giải pháp đối phó, thi công cầm chừng, kéo dài thời gian nhằm chờ giá vật liệu hạ nhiệt.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các ban Quản lý dự án rà soát tiến độ, rút ngắn thời gian thi công các dự án khoảng 3 tháng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó năm 2022 sẽ hoàn thành thêm 4 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 gồm Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Song, một số ban Quản lý dự án cho biết, khó khăn vật liệu đất đắp cũng như nhiều yếu tố khác khiến dù muốn cũng rất khó rút ngắn được tiến độ.
Riêng với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 (2021 - 2025) theo hình thức đầu tư công, đại diện một số nhà thầu cho rằng, nếu không có cơ chế gỡ khó sẽ rất khó đạt được tiến độ như kỳ vọng. “Dù chỉ định thầu sẽ rút ngắn được 3 - 6 tháng, nhưng nếu không gỡ được các vướng mắc về mặt bằng, nguồn đất đắp vật liệu cũng như tính toán, dự phòng trượt giá hợp lý thì dự án rất khó về đích đúng thời hạn”, đại diện một nhà thầu chia sẻ.
Ngoài ra, các Ban Quản lý dự án cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho phép bổ sung điều khoản hoặc thỏa thuận trường hợp được phép điều chỉnh giá như giá cả vật tư tăng, giảm đột biến quá lớn so với phạm vi dự phòng phí của dự án. Theo đó, với các dự án chưa vượt tổng mức đầu tư, đề nghị cho phép sử dụng dự phòng của dự án để điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư, bổ sung dự toán các gói thầu và cho phép điều chỉnh đơn giá hợp đồng do biến động giá thép trong thời gian qua. Trường hợp vượt tổng mức đầu tư thì được phép điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án để làm cơ sở thực hiện.
Trên diễn đàn Quốc hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiện nay, nhiều quốc gia, đối tác lớn về thương mại, đầu tư của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Đây vừa là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng vừa là thách thức lớn về nguy cơ tụt hậu, lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới nếu chúng ta không có những quyết sách, giải pháp linh hoạt, phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Chính vì vậy, nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ kịp thời, linh hoạt, phù hợp, và hiệu quả từ phía các cơ quan chức năng, thì việc giá vật liệu xây dựng tăng cao như hiện nay sẽ không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, đẩy các nhà thầu xây dựng đối mặt rủi ro, thua lỗ lớn, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực phục hồi kinh tế của cả nước.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, có ba nguyên nhân khiến giá vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua. Đầu tiên do hiệu ứng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, từ đó khiến giá thành sản phẩm tăng cao.
Nguyên nhân thứ hai do nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trong nước tăng cao trong thời gian qua. Đặc biệt, thời gian qua nhiều dự án xây dựng hạ tầng sử dụng ngân sách Nhà nước liên tục được triển khai. “Khi nhiều dự án cùng thực hiện, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cũng sẽ cao hơn” - PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.
Một nguyên nhân nữa khiến giá vật liệu xây dựng tăng cao do giá xăng, dầu tăng đột biến trong thời gian ngắn trở lại đây. PGS.TS Ngô Trí Long cho hay, xăng, dầu là mặt hàng có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường. Khi xăng, dầu tăng giá sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng theo. Trong đó, giá vật liệu xây dựng cũng không phải là ngoại lệ.
Lan An