Thứ sáu, 03/01/2025 03:21 (GMT+7)
Thứ sáu, 17/12/2021 08:00 (GMT+7)

Xây dựng pháp luật là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Bộ TN&MT vừa phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Theo đó, xây dựng văn bản pháp luật về tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam được đánh giá là nhiệm vụ hàng đầu.

Theo Kế hoạch, Bộ TN&MT triển khai 3 nội dung lớn, bao gồm: Rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành các văn bản có nội dung liên quan đến quản lý chất thải nhựa; Triển khai các hoạt động đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế về quản lý chất thải nhựa; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa tối đa

Theo quyết định, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa trong Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá và đề xuất các giải pháp quản lý, điều chỉnh trong Danh mục phế liệu nhập khẩu (đối với phế liệu nhựa) cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước; rà soát, đề xuất sửa đổi QCVN 32:2018/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất cho phù hợp với thực tế để nâng cao chất lượng phế liệu nhựa nhập khẩu.

Xây dựng pháp luật là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam - Ảnh 1
Tăng cường giảm thiểu mức sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. (Ảnh minh họa)

Với Vụ Pháp chế, cơ quan này thực hiện nghiên cứu, đề xuất quy định trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa trong Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; đồng thời khảo sát, đánh giá và đề xuất giải pháp thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, hợp tác công tư, mô hình kinh doanh với sự tham gia của các hiệp hội, các tổ chức, các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa thu hồi năng lượng.

Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường được giao nghiên cứu, đề xuất chính sách về kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ trong nhập khẩu, sản xuất, sử dụng nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; Thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa tại Việt Nam.

Đáng chú ý, trong hoạt động  truyền thông, Bộ TN&MT giao Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan xây dựng định hướng tuyên truyền trong ngành TN&MT về tăng cường phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa.

Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường được giao tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon khó phân hủy và vi nhựa đối với môi trường và hệ sinh thái; Truyền thông, tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, quản lý chất thải nhựa theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật…

Thí điểm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa

Để thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, Bộ TN&MT giao Tổng cục Môi trường điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất các sản phẩm nhựa; Tình hình phát sinh, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý chất thải nhựa; Đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định về quản lý chất thải nhựa. Đồng thời triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng…

Trong giai đoạn 2022 - 2025, nghiên cứu quy định về môi trường đối với các sản phẩm tái chế, hàng hóa chứa vi nhựa và túi nylon, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; Thực hiện lộ trình và hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa tại nguồn; Áp dụng tiêu chí/quy định về giảm thiểu, phân loại, thu gom chất thải nhựa trong đánh giá, xếp hạng kết quả hoạt động bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bên cạnh đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức giám sát, đánh giá hiện trạng chất thải nhựa tại một số cửa sông chính, khu vực ven biển, đảo tiền tiêu có tiềm năng phát triển du lịch và kinh tế biển; Điều tra, đánh giá hiện trạng chất thải nhựa đại dương tại Việt Nam; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chất thải nhựa đại dương; Đề xuất xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát, kiểm soát chất thải nhựa đại dương.

Đặc biệt, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu có nhiệm vụ triển khai thí điểm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nhựa; Hướng dẫn áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất các sản phẩm nhựa; Hướng dẫn tối ưu hóa hoạt động sản xuất để tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và kéo dài vòng đời sản phẩm nhựa; Hỗ trợ xây dựng và phát triển thị trường tái chế chất thải nhựa; Đề xuất các giải pháp tái sử dụng, tái chế tối đa chất thải nhựa thành nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân…

Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số Quyết định 1316/QĐ-TTg ban hành ngày 22/7/2021 nhằm tăng cường quản lý chất thải nhựa từ Trung ương đến địa phương, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa….

"Vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có vấn đề rác thải nhựa đại dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế quốc tế, bối cảnh khu vực; Nhằm phát huy vai trò, vị thế tài nguyên biển của Việt Nam thì việc chủ động trong đàm phán, xây dựng thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương đặt ra những yêu cầu, cân nhắc về mặt lợi ích, quyền lợi và nghĩa vụ cũng như thời gian tham gia, bảo đảm phù hợp với pháp luật trong nước về bảo vệ môi trường của Việt Nam" - Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nhấn mạnh.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng pháp luật là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Những biện pháp để kiểm định khí thải xe máy hiệu quả
Ô nhiễm không khí đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng tại các thành phố lớn ở Việt Nam, trong đó xe máy là một trong những nguồn phát thải chính. Để giải quyết vấn đề này, kiểm định khí thải xe máy cần được thực hiện một cách toàn diện và hiệu quả.

Tin mới