Thứ bảy, 20/04/2024 03:32 (GMT+7)
Thứ tư, 25/11/2020 06:15 (GMT+7)

WMO: Bất chấp đại dịch, nồng độ CO2 vẫn tăng cao kỷ lục

Theo dõi KTMT trên

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), dù sản xuất công nghiệp suy giảm toàn cầu do đại dịch Covid-19 nhưng vẫn không kiềm chế được nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển tăng kỷ lục.

Qua theo dõi, nồng độ CO2 đã vi phạm nghiêm trọng ngưỡng cho phép 400 ppm, đạt mức 410 ppm vào năm 2019 và tiếp tục tăng trong năm 2020. Đây là kết quả của tích lũy phát thải trong quá khứ và hiện tại.

Các đợt phong tỏa đã giúp cắt giảm lượng khí thải, nhưng điều này cũng không tác động lớn đến nồng độ CO2 trên thực tế. Kể từ năm 1990, tổng lực bức xạ gây hiệu ứng ấm lên của khí hậu đã tăng 45% và khí CO2 chiếm 4/5 trong số này.

Các nhà khoa học cho rằng, lượng khí thải phải giảm khoảng một nửa (so với mức hiện nay) vào năm 2030 để thế giới có hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C. Hàng trăm triệu người được dự báo phải đối mặt với các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và bão dẫn đến nghèo đói và di dân.

WMO: Bất chấp đại dịch, nồng độ CO2 vẫn tăng cao kỷ lục - Ảnh 1
Các lệnh hạn chế chống Covid-19 không tác động lớn đến nồng độ CO2.

"Việc giảm lượng khí thải liên quan đến phong tỏa chỉ là một đốm sáng nhỏ trên đồ thị dài hạn", ông Petteri Taalas, Tổng thư ký của WMO, chia sẻ và cho rằng chúng ta cần làm phẳng đường cong một cách bền vững hơn.

"Chúng ta đã đạt ngưỡng 400 ppm vào năm 2015 và chỉ 4 năm sau, chúng ta đã vượt qua ngưỡng 410 ppm. Sự gia tăng như vậy là chưa từng có trong lịch sử quan sát của chúng tôi", ông Taalas nói thêm.

"CO2 vẫn ở lại trong khí quyển qua nhiều thế kỷ. Lần cuối cùng Trái đất có nồng độ CO2 tương đương là cách đây 3 đến 5 triệu năm, khi nhiệt độ nóng hơn 2-3 độ C và mực nước biển cao hơn hiện tại từ 10-20 m. Nhưng khi đó không có 7,7 tỉ người", ông Taalas cho biết.

WMO: Bất chấp đại dịch, nồng độ CO2 vẫn tăng cao kỷ lục - Ảnh 2
CO2 vẫn ở lại trong khí quyển qua nhiều thế kỷ.

Dự án Cacbon Toàn cầu ước tính rằng trong giai đoạn phong tỏa căng thẳng nhất, lượng khí thải CO2 hàng ngày có thể đã giảm tới 17% trên toàn cầu do dân số bị cấm hoạt động. Do thời hạn và mức độ nghiêm trọng của các biện pháp phong tỏa vẫn chưa được xác định rõ ràng, dự đoán về tổng mức giảm phát thải hàng năm đến năm 2020 là rất không chắc chắn.

Các ước tính sơ bộ cho thấy mức giảm phát thải toàn cầu hàng năm từ 4,2% đến 7,5%. Ở quy mô toàn cầu, việc giảm phát thải ở quy mô này sẽ không khiến cho lượng CO2 trong khí quyển đi xuống. CO2 sẽ tiếp tục tăng, mặc dù với tốc độ thấp hơn một chút (thấp hơn 0,08-0,23 ppm mỗi năm). Điều này nằm trong khoảng thay đổi tự nhiên hàng năm 1 ppm. Điều này có nghĩa rằng về ngắn hạn không thể phân biệt được tác động của các lệnh hạn chế chống Covid-19 với biến thiên tự nhiên, theo bản tin của WMO.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy nguồn cung năng lượng toàn cầu chỉ được phép phụ thuộc 25% (hoặc ít hơn) vào nhiên liệu hóa thạch cho tới năm 2100 để đạt mục tiêu của Hiệp định Khí hậu Paris.

Các quốc gia đang hành động để đạt được mục tiêu của mình. Trung Quốc đã đưa ra mức trần về than và phác thải từ than sẽ đạt đỉnh vào năm 2030. Đức sẽ cấm động cơ đốt trong vào năm 2030. Ở Mỹ, những nhà hoạt động môi trường đã gây được một quỹ năng lượng sạch trong 20 năm với mức 1 tỉ USD. Nước Anh mới đây đã có ngày đầu tiên không dùng than trong 135 năm.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết WMO: Bất chấp đại dịch, nồng độ CO2 vẫn tăng cao kỷ lục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới