Thứ sáu, 29/03/2024 08:30 (GMT+7)
Thứ hai, 21/09/2020 06:30 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bài toán khí thải CO2 toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Sự gia tăng mực nước biển toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây. Nguyên nhân chính được xem là sự giãn nở của nước khi nhiệt độ tăng lên, sự tan chảy của các tảng tăng do biến đổi khí hậu... Một báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu đã cảnh báo rằng, nước biển có thể dâng cao khoảng 60-100cm nếu khí thải CO2 toàn cầu tiếp tục tăng mạnh.

Nước biển dâng - hệ lụy của biến đổi khí hậu

Số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc cho thấy, do tác động trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu, mực nước biển trên đại dương toàn cầu đã tăng từ 15-20cm kể từ năm 1900. Cho đến gần đây, mực nước biển gia tăng là do thể tích nước tăng lên bởi nền nhiệt cao hơn.

Các nhà nghiên cứu khí hậu cho rằng mực nước biển sẽ tiếp tục tăng trong nhiều thập kỷ. Hệ lụy là thảm họa tự nhiên như bão, lũ lụt và lốc xoáy xảy ra thường xuyên hơn.

Ngày nay, hiện tượng băng tan, đặc biệt các tảng băng ở đỉnh Greenland ở Bắc Đại Tây Dương và Nam Cực tan chảy đã trở thành nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng nhanh. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phải cảnh báo về hiện tượng nước biển dâng hoặc người dân phải tản cư vì nước biển nhấn chìm các khu vực ven biển.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bài toán khí thải CO2 toàn cầu - Ảnh 1
Băng Nam Cực đang tan chảy nhanh chóng, tạo ra rất nhiều dòng sông và hồ, ao. (Nguồn: BBC)

Một nửa bãi biển đầy cát của thế giới có thể bị xóa sổ vào cuối thế kỷ do mực nước biển dâng cao và các tác động biến đổi khí hậu khác. Úc, Canada, Chile, Mexico, Trung Quốc và Hoa Kỳ là một trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chuyên gia hải dương học ven biển Michalis Vousdoukas thuộc Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu tại Ispra đã công bố trên tạp chí Nature Climate Change rằng: "Nhiều bãi biển thu hút khách du lịch có thể bị biến thành tàn tích khi nước biển dâng cao. Biến đổi khí hậu và các yếu tố khác làm xói mòn bờ biển cát hiện chiếm hơn một phần ba bờ biển toàn cầu".

Đến năm 2050, các nhà nghiên cứu dự kiến các bãi biển trên toàn cầu sẽ biến mất 13,6% đến 15,2% (36.097 - 40.511km). Vào năm 2100, các dự kiến sẽ biến mất 35,7% đến 49,5% (95.061 - 131.745km).

Nước biển sẽ dâng cao hơn nếu lượng khí thải CO2 không được cắt giảm

Một báo cáo năm 2019 của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu đã cảnh báo rằng, nước biển có thể dâng cao khoảng 60-100cm nếu khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng mạnh.

Theo dự thảo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nếu con người kiểm soát được tốc độ ấm dần lên toàn cầu ở mức tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - như mục tiêu đặt ra của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - mực nước biển sẽ dâng khoảng 0,5m.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bài toán khí thải CO2 toàn cầu - Ảnh 2
Mực nước biển sẽ dâng cao hơn nếu lượng khí thải nhà kính không được cắt giảm. (Ảnh minh họa)

Trong trường hợp nhiệt độ Trái đất tăng 3-4 độ C với nỗ lực kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính không hiệu quả, mực nước biển có thể sẽ tăng cao gần 1m, đủ để phá hủy hàng chục đại đô thị ven biển, thậm chí có thể nhấn chìm nhiều quốc đảo.

Thảm họa hơn nữa, nếu mực nước biển tăng cao hơn 1,2m thì không chỉ là các thành phố, mà nhiều quốc gia ven biển hoàn toàn có thể bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy sự thay đổi của bờ biển trong ba thập kỷ qua và áp dụng các xu hướng này cho hai kịch bản biến đổi khí hậu trong tương lai, một hình dung giảm thiểu phát thải khí nhà kính liên quan đến biến đổi khí hậu và phát thải cao khác.

Theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, gần 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đề ra mục tiêu giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ Trái Đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tháng 9/2019, Liên hợp quốc thông báo 66 quốc gia đã cam kết giảm lượng khí thải carbon về bằng 0 vào năm 2050, một mục tiêu then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu trong dài hạn.

Nhiều thành phố ven biển có nguy cơ bị nhấn chìm

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, tình trạng nước biển dâng đang đe doạ sự sống của hàng triệu người dân sống ở các khu vực ven biển.

Tại Thụy Điển: Các chuyên gia cho rằng, hậu quả của biến đổi khí hậu không còn là tương lai gần, mà đã và đang diễn ra ở Thụy Điển với mực nước biển ngày một dâng cao.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bài toán khí thải CO2 toàn cầu - Ảnh 3
Hầu hết các thành phố của Thụy Điển đều nằm gần sông, hồ và biển. (Ảnh minh họa)

Vùng Vellinge, thuộc quận Skane, phía Nam Thụy Điển được dự báo sẽ đối mặt với mực nước biển dâng cao nhất vì lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính không giảm. Theo tính toán của Viện Khí tượng học và Thủy văn Thụy Điển, mực nước biển tại Skanor thuộc vùng Vellinge sẽ dâng cao 78cm vào năm 2100.

Tại Mỹ: Cho tới nay, các bản đồ dự báo về ngập lụt của Chính phủ Mỹ chỉ tính đến tốc độ nước biển dâng mà không tính đến tình trạng sụt lún của Vịnh San Francisco. Theo đó, chính phủ ước tính đến năm 2100 tối thiểu 51km2 diện tích đường bờ biển của Vịnh San Francisco có nguy cơ ngập lụt.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bài toán khí thải CO2 toàn cầu - Ảnh 4
Vịnh San Francisco có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, sau khi bổ sung nhân tố sụt lún, nghiên cứu mới tính toán rằng số diện tích có nguy cơ ngập lụt tại Vịnh San Francisco tăng lên ít nhất 125km2. Trong khi đó, theo kịch bản tồi tệ nhất là tốc độ nước biển dâng tăng nhanh, số diện tích bị ngập tại Vịnh San Francisco có thể lên tới 413km2 vào cuối thế kỷ này.

Cộng hòa Vanuatu: Đảo quốc gồm quần đảo vùng Melanesia thuộc Tây Nam Thái Bình Dương. Quần đảo này phía Đông giáp Australia, Đông Bắc giáp Nouvelle-Caledonie, phía Tây gần Fiji và phía Nam cạnh quần đảo Solomon. Vanuatu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mực nước biển dâng lên kèm theo lốc xoáy.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bài toán khí thải CO2 toàn cầu - Ảnh 5
Đảo quốc Vanuatu. (Ảnh minh họa)

Cộng hòa Maldives: Quốc đảo gồm nhóm các đảo san hô tại Ấn Độ Dương. Maldives nằm ở phía Nam quần đảo Lakshadweep thuộc Ấn Độ, cách khoảng 700 km phía Tây Nam Sri Lanka. 26 đảo san hô của Maldives bao vòng quanh lãnh thổ gồm 1.192 đảo nhỏ. Tương tự như các quốc gia trên, Maldives cũng đang phải đối mặt với nguy cơ xóa sổ khỏi bản đồ thế giới do mực nước biển dâng lên.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bài toán khí thải CO2 toàn cầu - Ảnh 6
Maldives được mệnh danh là thiên đường biển đảo trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một nghiêm trọng trên Trái đất. Đặc biệt, với con số hàng trăm triệu người mất nhà cửa do tình trạng nước biển dâng, một viễn cảnh chắc chắn xảy ra trong tương lai gần - sẽ mãi mãi là một cuộc "di tản" không có ngày trở về.

Nước biển dâng có thể nhấn chìm khoảng 80 sân bay trên thế giới

Hồi tháng 2/2020, các nhà nghiên cứu cảnh báo một số sân bay đông đúc nhất thế giới, trong đó có các sân bay ở New York (Mỹ) có thể ngập hoàn toàn trong biển nước vào cuối thế kỷ này, nếu biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao.

Trong một phân tích của Viện các nguồn năng lực thế giới (WRI) có trụ sở tại Washington, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng, mỗi mét nước biển dâng, khoảng 80 sân bay trên thế giới sẽ bị nhấn chìm vào năm 2100.

Các sân bay dễ bị tổn thương nằm trong số những sân bay đông đúc nhất thế giới, như 3 sân bay quốc tế ở khu vực thành phố New York, sân bay quốc tế Nam Dương Diêm Thành ở tỉnh Jiangsu (Giang Tô, Trung Quốc) và sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bài toán khí thải CO2 toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.