Vứt xác động vật gây ô nhiễm môi trường: Mức phạt như thế nào?
Việc bỏ xác động vật không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người là hành vi cấm trong quy định tại Luật Thú y năm 2015.
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng và có diễn biến phức tạp, một phần là do điều kiện vật chất – kỹ thuật còn hạn chế, mặc khác là do ý thức bảo vệ môi trường chưa cao. Một trong số đó là hành vi vứt xác động vật chết ra ngoài môi trường gây ra nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với môi trường sống.
Việc vứt xác gia cầm, vật nuôi tại nhiều khu vực trọng yếu như kênh, đập nước, sông suối hay nơi công cộng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh đối với đàn vật nuôi như dịch H5N1, H5N6, lở mồm long móng, dịch tả, viêm phổi,...
Tại khoản 7 Điều 13 Luật Thú y năm 2015 quy định những hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể: “Vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường”.
Như vậy, việc bỏ xác động vật không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người là hành vi cấm trong quy định tại Luật Thú y năm 2015.
Căn cứ theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 07 năm 2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y thì hành vi này có thể bị phạt tiền đến 6.000.000 đồng. Cụ thể theo khoản 6 và khoản 10 Điều 5 Nghị định này quy định:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, xác động vật và sản phẩm của chúng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này.
Như vậy, đối với hành vi vứt xác lợn chết ra môi trường người thực hiện có thể bị phạt tiền lên đến 6.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy xác động vật và sản phẩm của chúng.
PV