Thứ bảy, 20/04/2024 20:45 (GMT+7)
Thứ năm, 08/10/2020 12:03 (GMT+7)

Xả rác bừa bãi nơi công cộng: Cần chế tài đủ mạnh

Theo dõi KTMT trên

Tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng là câu chuyện không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Chưa cũ là bởi hết ngày này đến ngày khác, hết năm này đến năm khác tình trạng này vẫn xảy ra, đến mức nhiều người cho rằng đó là chuyện bình thường.

Cứ sau mỗi dịp lễ, Tết, hầu như không gian công cộng nào cũng hứng chịu rác thải. Có những quảng trường sau lễ hội bỗng biến thành bãi rác. Nhiều điểm du lịch vốn có tiếng trong lành, sau những ngày nghỉ bỗng trở thành nơi trú chân của rác.

Mới đây, trên các trang mạng xã hội chia sẻ về những hình ảnh phố cổ Hà Nội biến thành "biển rác" sau đêm Trung thu khiến dư luận không khỏi ngao ngán trước ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người.

Xả rác bừa bãi nơi công cộng: Cần chế tài đủ mạnh - Ảnh 1
Vứt rác bừa bãi nơi công cộng trở thói quen xấu khó thay đổi. (Ảnh: Zing)

Nhiều người cho rằng, vấn đề xả rác bừa bãi tại đây là do thùng rác di động quá ít và lượng người đến thì quá đông nên tình trạng xả rác bừa bãi khó có thể kiểm soát. Thế nhưng, dù với lý do nào đi chăng nữa, họ chỉ đang biện minh cho hành động thiếu ý thức của mình, bởi một con người có nhận thức, có ý thức cao trong việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống, họ không làm như vậy.

Không chỉ tại các lễ, hội, từ thói quen xấu khó thay đổi được của không ít người nên tình trạng vứt xả rác bừa bãi từ thành thị đến nông thôn vẫn luôn là chuyện “biết rồi khổ lắm, nói mãi”. Nếu chúng ta cùng nêu cao quyết tâm bắt đầu thay đổi từ chính việc nhỏ, không tùy tiện vứt xả rác, vứt rác phải đúng nơi quy định, sẽ góp phần tích cực trong gìn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, công tác xử phạt hành vi xả rác bừa bãi, đổ trộm rác thải vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đủ sức răn đe.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hoàn toàn không có chuyện xả rác nơi công cộng, chẳng hạn như Singapore. Có một so sánh đã được đưa ra, cùng một du khách là người Việt Nam, khi đến Singapore không dám xả rác ra nơi công cộng, nhưng khi du lịch ở trong nước thì lại vô tư xả rác. Mấu chốt ở đây chính là việc xử phạt.

Xả rác bừa bãi nơi công cộng: Cần chế tài đủ mạnh - Ảnh 2
Ảnh minh họa. (Internet)

Tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi vứt rác bừa bãi sẽ bị phạt tới 7.000.000 đồng; người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường khi tham gia giao thông bị phạt tới 10.000.000 đồng.

Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, để có thể quản lý và kiểm soát những hành vi xả rác thải không đúng nơi quy định, trước hết, các cơ quan chức năng, địa phương cần tiếp tục trang bị đầy đủ thùng rác công cộng, nhà vệ sinh công cộng cho người dân. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phạt nguội hành vi xả rác thải tùy tiện, cho phép trích xuất dữ liệu từ hệ thống camera an ninh ở các khu dân cư, tuyến đường để làm chứng cứ xử phạt. Các cơ quan chức năng cũng cần rà soát, tổng hợp các hạn chế, vướng mắc sớm kiến nghị Bộ TN&MT trình Chính phủ sửa đổi lại các nghị định liên quan theo hướng thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tế.

Để giải quyết triệt triệt để tình trạng này, theo PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, cần phân loại rõ rác tái chế và không tái chế, trên cơ sở đó mới có cách xử lý tốt. Đồng thời, điểm mới và quan trọng hơn cả là đề cao vai trò giám sát của người dân, quy trách nhiệm người đứng đầu ở các bộ, ngành, địa phương thành tiêu chí thi đua, bổ nhiệm.

"Khi đưa được 2 điều này vào Luật Bảo vệ môi trường thành một chương, mục, điều khoản sẽ có chuyển biến tốt. Cùng với đó, tuyên truyền để người dân thấy được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường, phát huy tốt tinh thần giám sát" - PGS.TS Bùi Thị An cho hay.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Xả rác bừa bãi nơi công cộng: Cần chế tài đủ mạnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới