Đề xuất 'xả rác trả phí': Thu phí hay mua rác để khuyến khích dân phân loại?
Sáng ngày 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để cho ý kiến vào những vấn đề lớn của dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Theo đó, lộ trình đến năm 2025, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được thu phí theo khối lượng, chủng loại.
Vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân là vấn đề bức xúc, cấp thiết đặt ra đối với hầu hết các khu vực đô thị và nông thôn hiện nay.
Sau thảo luận của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, một trong số các vấn đề mới được dư luận xã hội quan tâm là quy định tính chi phí rác thải phải trả dựa trên khối lượng, chủng loại chất thải phát sinh.
Đề xuất "xả nhiều rác phải trả nhiều tiền" từ năm 2025
Tại phiên họp 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 12/8, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN-MT) Quốc hội Phan Xuân Dũng cho hay, vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt được nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ, dư luận quan tâm; đặc biệt là các quy định phân loại, tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng. (Ảnh: Báo Thanh tra) |
Dự thảo luật đã phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản (chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác) đồng thời quy định căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội từng địa phương, UBND tỉnh quyết định phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác.
"Đây là những nội dung quy định mới, tiến bộ về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong Dự thảo Luật được nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ, dư luận quan tâm"- ông Dũng nhấn mạnh.
Dự thảo cũng đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.
Về lộ trình thực hiện, dự thảo luật giao uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý; quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, chủng loại chất thải phát sinh trước ngày 01/01/2025 .
"Đây là nội dung bắt buộc phải làm của một quốc gia tiên tiến, văn minh, để thực hiện quy định này phải thay đổi thói quen, tập quán lạc hậu, cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nên cần có quyết tâm chính trị cao", ông Dũng nhấn mạnh.
Từ phân tích trên, điều 80 dự thảo quy định, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo quy định không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý, còn chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân được quản lý như đối với chất thải rắn có khả năng tái chế.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.
Ủng hộ quy định quản lý chất thải rắn như Chính phủ trình, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây là nội dung mới, tiến bộ, nhưng phải có cơ chế phù hợp để thực hiện.
Hộ gia đình có thể bán chất thải rắn có khả năng tái chế, nhưng anh thải ra nhiều chất thải rắn sinh hoạt thì anh cũng vẫn phải trả phí nhiều, nếu không phải trả thì sẽ khuyến khích người ta xả nhiều, Phó chủ tịch nêu quan điểm.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020).
Mua rác của dân để khuyến khích phân loại
Nêu ý kiến sau đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề xuất thay đổi phương thức trên cơ sở quy định người dân phải là người bán rác thải, được thu tiền về, còn công ty thu gom, vận chuyển, phân loại phải trả tiền mua rác.
“Nếu tôi bán rác, có tiền, không đáng bao nhiêu nhưng dù sao cũng hiệu quả hơn. Vì nếu tôi bán thì tôi mới phân loại. Đơn vị đi mua, trả tiền tôi. Còn nhà máy tái chế thì đi mua lại ông vận chuyển. Nhà nước có thể hỗ trợ cho ông sản phẩm thông qua thuế thì sẽ hợp lý hơn”, ông Phúc phân tích.
Theo ông Phúc, nếu người dân không được bán mà lại phải trả tiền thu gom xử lý thì dễ dẫn đến tình trang vứt bừa bãi, không chịu phân loại.
Người dân vứt rác tràn ra đường. (Ảnh minh họa) |
Thu phí rác thải - cần chiến dịch truyền thông rộng rãi
Cùng nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Tôi hoan nghênh các quy định về quản lý chất thải rắn. Nếu có chiến dịch truyền thông rộng rãi như phạt giao thông, hay phòng, chống tác hại của rượu bia thì sẽ góp phần dần thay đổi ý thức của dân trong vấn đề xả rác, bảo vệ môi trường”.
Theo đó, bà đề nghị cần áp dụng nhiều biện pháp để đẩy nhanh việc thực hiện các quy định tiến bộ. Ví dụ như phân loại rác thải thì ngay từ bây giờ cần khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng sản xuất thùng rác ba ngăn để giúp người dân thuận tiện trong phân loại rác.
"Vấn đề môi trường là quan trọng nhất hiện nay. Hiến pháp đã nêu rõ mọi người ai cũng có quyền được sống trong môi trường trong lành. Rác thải sinh hoạt của ta nhiều, việc phân loại, thu gom, xử lý lâu nay là vấn đề rất khó vì thế từng tỉnh, từng huyện cần có phong trào vận động, khuyến khích từng người dân tham gia thực hiện" - Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo các chuyên gia môi trường, việc thu phí rác thải theo khối lượng sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc hạn chế xả rác ra môi trường, bảo đảm công bằng giữa các hộ dân, giảm bớt chi ngân sách. Tuy nhiên, để đề án này khả thi, cần phải có lộ trình, có mô hình điểm. Trước mắt Nhà nước vẫn hỗ trợ một phần chi phí thu gom, xử lý rác.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tại Việt Nam bình quân mỗi ngày khoảng 35.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn được thải ra. Khối lượng rác tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM là 7.000-8.000 tấn rác mỗi ngày. Trong khi đó, trên 70% lượng rác thải tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, trong đó 80% là bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây hại cho môi trường. Khối lượng rác thải nhựa của một người Việt Nam thải ra trung bình mỗi năm cũng đã tăng đáng kể từ 3,8kg những năm 1990 tới 41kg năm 2015 (tăng hơn 11 lần). |
Nguyễn Luận