Thứ bảy, 20/04/2024 04:04 (GMT+7)
Thứ tư, 08/12/2021 13:00 (GMT+7)

Việt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững bằng cách nào?

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đã đi qua đỉnh dịch và bước vào trạng thái bình thường mới để mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đối diện với vô vàn khó khăn, thách thức.

Việt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững bằng cách nào? - Ảnh 1
Việt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững bằng cách nào? - Ảnh 2

Bức tranh kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đã và đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn với những biến động, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 (từ cuối năm 2019 đến nay). Tại Việt Nam đợt bùng phát dịch lần thứ tư bắt đầu từ ngày 27/4/2021 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân khi lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai…, nơi tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế và thu ngân sách.

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta chỉ đạt 5,64%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Mặc dù đã được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%), nhưng vẫn chưa hồi phục được tốc độ tăng như cùng kỳ các năm 2018 và 2019 (7,05% và 6,77%).

Thu hút vốn đầu tư phát triển của khu vực ngoài Nhà nước và khu vực FDI đạt thấp. Đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước năm 2020 chỉ tăng 3,1%, 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 7,4% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2020 giảm 25% so với năm 2019, trong 6 tháng đầu năm 2021 giảm 2,6%. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng. Trong Quý II/2021, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lao động lần lượt là 2,4% và 2,6%, đều tăng so với Quý I/2021 (2,19% và 2,2%).

Việt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững bằng cách nào? - Ảnh 3
Đồ họa: Hoàng Việt
Số liệu: Tổng cục Thống kê.

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong 7 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020, là mức thấp so với mức tăng trung bình 8,1% giai đoạn 2016-2020, giảm 7,2% về số lao động; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 23%, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 28,6%, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 27,4%. Về quy mô của doanh nghiệp, bị ảnh hưởng trên diện rộng, đáng kể nhất là với các doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ.

Việt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững bằng cách nào? - Ảnh 4
Đồ họa: Hoàng Việt
Số liệu: Tổng cục Thống kê.

Mới đây, phát biểu tại ''Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững'', Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 trong 2 năm nay đã gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế-xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì được tăng trưởng kinh tế 2,91%, là một trong những nước có tăng trưởng dương cao nhất thế giới. Năm 2021, với nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ kép, trong đó có cả phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội, 6 tháng đầu năm Việt Nam tăng trưởng đạt 5,96%. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 với chủng mới Delta đã gây thiệt hại rất nặng nề cho cả kinh tế và các lĩnh vực xã hội.

“Quý III tăng trưởng âm 6,7% nên 9 tháng chỉ tăng 1,92%, dự kiến cả năm mức tăng trưởng vẫn dương nhưng chắc chắn không đạt được mục tiêu trong nghị quyết của Đảng và Quốc hội đã đề ra'", Chủ tịch Quốc hội nói.

Việt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững bằng cách nào? - Ảnh 5

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Thành Phong, Phó Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, đại dịch Covid-19 đã gây ra những thiệt hại đáng kể của đối với nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Phong, giả định nếu không có dịch Covid-19 trong năm 2020-2021, GDP Việt Nam có thể đã tăng trưởng khoảng 7%. Tuy nhiên, trên thực tế, tăng trưởng năm 2020 chỉ là 2,91% và năm 2021 dự kiến tăng trưởng 2,5%. Thấp hơn kế hoạch ban đầu rất nhiều.

Như vậy, theo tính toán năm 2020 thiệt hại khoảng 160.000 tỷ đồng và 2021 dự kiến thiệt hại 346.000 tỷ đồng.

“Tính cả hai năm, thiệt hại kinh tế là 507.000 tỷ đồng tính theo giá cố định năm 2010) và lên tới 847.000 tỷ (tương đương 37 tỷ USD) theo giá hiện tại”, ông Phong phân tích.

Việt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững bằng cách nào? - Ảnh 6
Việt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững bằng cách nào? - Ảnh 7

Theo một số chuyên gia, đại dịch Covid-19 cũng là cơ hồi "vàng" để Việt Nam tạo nên bước phát triển trong chuyển đổi số. Phát biểu trong phiên tham luận "Kinh tế Việt Nam năm 2021 - Một số vấn đề đặt ra", PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu ra những dấu hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam đang phục hồi tăng trưởng.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh những khó khăn như tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh tháng 11 tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng 13,8%...

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho rằng, các doanh nghiệp đang "thiếu máu" trầm trọng, thiếu vốn hoặc khó khăn trong việc tiếp cận các tín dụng... Theo ông Tuấn, Việt Nam đang ở vùng trũng của tăng trưởng nên phải có những gói hỗ trợ đủ quy mô và cấp thiết, kịp thời, nhanh nhạy, "đi thẳng vào nền kinh tế".

Dù Chính phủ đã ban hành những chính sách về chuyển đổi số, tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng "mới dừng lại ở chủ trương, chính sách", cần phải có sự quyết liệt hơn về củng cố nền tảng tăng trưởng, đặc biệt nguồn lực như đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực lao động có kỹ năng, đặc biệt thu hút tài năng, tinh hoa...

Việt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững bằng cách nào? - Ảnh 8

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tuy đã có chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 nhưng khi rà soát lại, cơ bản mới chỉ thực hiện được về thể chế, chính sách nhưng các tiêu chí "xanh hóa sản xuất", "xanh hóa tiêu dùng", tiêu dùng bền vững... chưa thu được kết quả tích cực. Có 2 xu hướng phục hồi quan trọng cần phải bắt nhịp là phục hồi số và phục hồi xanh.

Tỷ lệ đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho khoa học và công nghệ năm 2012 dành 0,6% GDP cho các hoạt động nghiên cứu, đến năm 2017 thì tăng lên 0,8 % GPD nhưng đến năm 2021 lại quay về 0,64% GPD. Như vậy là không cải thiện, thậm chí gần như giữ nguyên. Chúng ta gặp nhiều thách thức nếu muốn đổi mới công nghệ và sáng tạo”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Việt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững bằng cách nào? - Ảnh 9

Thống kê cho thấy, quy mô kinh tế số Việt Nam năm 2021 đạt 21 tỷ USD. Dự báo đến 2025, Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á với 54 tỷ USD, chỉ sau Indonesia (146 tỷ USD), xếp trên Thái Lan (56 tỷ USD).

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đề xuất giảm mặt bằng lãi suất, thực hiện chính sách tài khóa tập trung chi tiêu cho các mục tiêu về y tế, nhà ở xã hội, chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, giãn, hoãn thuế phí, đẩy mạnh đầu tư công, ưu tiên các dự án có thể hấp thụ vốn…. Đặc biệt, cần tăng cường và đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn nêu rõ, đây là cơ hội vàng nên phải tăng cường đầu tư bằng vật chất, nguồn lực, cải thiện và hoàn thiện về thể chế, trong đó có thí điểm về thể chế đổi mới sáng tạo cho các nhà khoa học nghiên cứu. Cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, nâng cao kỹ năng số để có các giải pháp, chính sách tạo ra Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Việt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững bằng cách nào? - Ảnh 10

Trong thời gian qua, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, ngay từ thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp với tổng thể các biện pháp, chủ yếu mang tính ngắn hạn, ứng phó với dịch bệnh như: Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 77-KL/TW ngày 05/6/2020 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế- xã hội và Công văn số 1133-CV/VPTW ngày 25/6/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng ngày 01/7/2021.

Quốc hội ban hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị quyết số 124/2020/QH14 ngày 11/11/2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 27/7/2020 và Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 sửa đổi, bổ sung tiểu mục 2 mục I Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06/8/2021 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; nhiều nghị định quy định các chính sách cụ thể…

Việt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững bằng cách nào? - Ảnh 11
Nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã được ban hành nhằm phục hồi nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 22/4/2020, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19; Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19… Các Bộ, ngành ban hành nhiều thông tư, hướng dẫn hỗ trợ theo thẩm quyền…

Nhìn chung, các chính sách được ban hành có sự kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách hỗ trợ ngành hoặc an sinh xã hội khác, trong đó bao gồm nhóm giải pháp ngắn hạn, cơ chế, chính sách trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể, nhóm giải pháp căn cơ, dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; cơ bản phù hợp diễn biến và tác động của dịch bệnh, tương đồng với cách tiếp cận mới của nhiều quốc gia trên thế giới. Các chính sách cũng được thực hiện với chi phí thấp, do vậy không gây ảnh hưởng đến các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời bảo lưu dư địa để tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo. Nhiều chính sách, giải pháp được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Kết quả, đã góp phần quan trọng giúp ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, duy trì triển vọng kinh tế tích cực của đất nước trong trung và dài hạn và củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, theo các đại biểu quốc tế để nền kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển sau đại dịch cần có những chính sách nhanh và quyết liệt hơn. Ông Francois Painchaudm Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết, để có thể tận dụng các cơ hội phục hồi phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay, cần phải đảm bảo ổn định vĩ mô về cả tài khóa cũng như tiền tệ. Từ kinh nghiệm ứng phó dịch Covid-19, Việt Nam đã rút ra bài học đẩy mạnh đầu tư cho y tế, an sinh xã hội, tiến hành các chương trình hỗ trợ người lao động khu vực phi chính thức.

“Các chương trình này cần được đẩy mạnh nhân rộng, tiến hành kịp thời hơn, quyết liệt hơn và làm cho dễ tiếp cận hơn nữa. Trong tương lai, có thể Việt Nam sẽ còn gặp những thách thức mới, vậy nên cần có cơ chế để ứng phó với những khó khăn này”, ông Painchaudm nêu quan điểm.

Theo ông Painchaud, Việt Nam có cơ hội lớn để hỗ trợ phục hồi kinh tế, cần đầu tư dài hạn vào chuyển đổi nền kinh tế, cải thiện kỹ năng, nâng cao kết nối, số hóa, xây dựng Chính phủ điện tử để Chính phủ hoạt động hiệu quả hơn, năng suất hơn. Cùng với đó, đẩy mạnh hiệu quả thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường cải thiện hiệu suất lao động ở cả khối doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Việt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững bằng cách nào? - Ảnh 12

Còn theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, thời gian tới, giải pháp về y tế và sức khỏe là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, ông Jeffries lưu ý cần quản lý nợ công cẩn trọng và chặt chẽ, mở rộng về tài khóa…

“Có nhiều dư địa cho việc thuyết phục vay vốn và phục hồi. Để phục hồi cần có nhiều gói kích cầu và kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn, cùng với đó là việc cải cách thuế, chi tiêu ngân sách, huy động nguồn lực. Đồng thời, các ngân hàng tham gia rất nhiều vào cơ sở hạ tầng của khu vực, trong khi đó nhu cầu của Việt Nam rất lớn. Đầu tư công và cơ sở hạ tầng là xương sống của nền kinh tế”, ông Andrew Jeffries kiến nghị.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, bà Carolyn Turkm Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đưa ra 4 khuyến nghị dành cho Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư cho hệ thống y tế. Theo bà Turkm, Việt Nam đang làm rất tốt công tác tiêm vaccine cho người dân với tốc độ bao phủ vaccine ấn tượng.

“Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh việc đặt hàng và phân phối vaccine ngừa Covid-19, đồng thời cũng cần lên kế hoạch phân phối vaccine trong tương lai. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, Việt Nam nên cân nhắc khả năng tái xây dựng hệ thống y tế hậu đại dịch”, bà Turkm kiến nghị.

Thứ hai, bà Turkm cho rằng Việt Nam nên cân nhắc việc sử dụng cả chính sách tài khóa và tiền tệ để tái thiết nền kinh tế, đặc biệt là giảm sự cứng nhắc trong hệ thống phân bổ ngân sách, cho phép nguồn vốn được phân bổ dễ dàng hơn giữa các danh mục chi tiêu. Cùng với đó, phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về danh mục các khoản đầu tư hiện nay.

“Hiện danh mục đầu tư có rất nhiều dự án có tên nhưng chưa có thiết kế chi tiết, chưa có nghiên cứu khả thi để triển khai. Tôi tin rằng, quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng một danh mục đầu tư tốt là yếu tố then chốt để quá trình đầu tư vào các hoạt động phục hồi kinh tế diễn ra nhanh chóng”, đại diện WB nhấn mạnh

Thứ ba, Việt Nam nên cân nhắc đến tính hiệu quả không chỉ trong các doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mà còn phải để tâm đến việc nâng cao tính hiệu quả của hoạt động Chính phủ. Một cách để đạt được mục tiêu này là cân nhắc việc áp dụng các cơ chế số hóa mới để đạt được hiệu quả cao hơn.

Về phía Chính phủ, theo bà Turkm, Việt Nam đã đạt được những bước tiến tích cực như quá trình phê duyệt đã được số hóa, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để thực sự đạt được mục tiêu hợp lý và hiệu quả nhất. Cùng lúc đó, Chính phủ cũng cần tính tới việc đầu tư cho các doanh nghiệp, để giúp họ ứng dụng được những công nghệ số mới, nhằm giúp cho Việt Nam giữ được vị thế tiên phong trong mặt trận đổi mới và công nghệ, bởi khu vực tư nhân sẽ là động lực cho quá trình phục hồi và phát triển của Việt Nam.

Thứ tư, Việt Nam nên cân nhắc tới tiêu dùng cá nhân, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, cho người dân.

“Các gói hỗ trợ kinh tế tại Việt Nam cho các doanh nghiệp, cá nhân, các hộ gia đình so với khu vực cho tới thời điểm này vẫn còn thấp, cho nên chúng ta có thể cân nhắc việc gia tăng hỗ trợ và chúng tôi tin rằng vẫn còn dư địa tài khóa để làm việc này”, bà Turkm phát biểu, đồng thời nhấn mạnh cần có quy trình triển khai mạnh mẽ và mục tiêu cụ thể, rõ ràng.

Việt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững bằng cách nào? - Ảnh 13
Ảnh tập đoàn Hòa Phát.

Nội dung: Phạm Giang
Đồ họa: Hoàng Việt

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững bằng cách nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

10 dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023
Khép lại năm 2023, trong bối cảnh thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình diễn biến bất thường, phức tạp vượt mọi dự báo trước đó, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhiều lĩnh vực đạt thành tựu, dấu ấn nổi bật.

Tin mới